'Thủy quái' sông Amazon lâm nguy
Hoạt động săn trộm các loài có nguy cơ tuyệt chủng vẫn nở rộ ở Amazon bất chấp sự phản đối kịch liệt - nhưng đánh bắt cá bền vững có thể chấm dứt loại hình buôn bán tội lỗi này.
José Maria Batista Damasceno rơi nước mắt khi kể lại những tháng ngày luôn cận kề cái chết trong rừng Amazon ở Brazil. Có những lúc ở bờ sông Japurá, ông bị một người đánh bắt trộm dọa lấy mạng nếu không rời khỏi thị trấn. “Ông nên biến đi, nếu không sẽ không giữ được mạng sống”, Damasceno nhớ lại lời đe dọa rợn người.
Vài năm sau, ông thoát chết trong gang tấc khi bị phục kích và ám sát trong khu rừng nhiệt đới - giống như vụ việc của nhà báo người Anh Dom Phillips và chuyên gia bản địa Bruno Pereira hồi năm ngoái.
“Mọi việc thực sự rất nặng nề”, ông Damasceno chia sẻ, không kìm nén được sự suy sụp khi mô tả sự cố động cơ thuyền đã vô tình cứu ông khỏi cuộc đụng độ với một nhóm sát thủ được trang bị vũ khí hạng nặng đang chờ sẵn.
Một thế giới đầy rẫy nguy hiểm
Damasceno không phải là một nhà hoạt động hay nhà báo bản địa, như Pereira và Phillips, những người mà cái chết của họ đã phơi bày cuộc chiến môi trường thảm khốc đang diễn ra sâu trong các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ.
Ông là một chuyên gia về kỹ thuật đánh bắt cá đã dành cả cuộc đời để thuyết phục các cộng đồng nhỏ ven sông rằng các chương trình đánh bắt bền vững sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn khoản lợi nhuận ngắn hạn, nhanh chóng từ các mafia đánh bắt cá bất hợp pháp - những người cướp phá các con sông và vùng đất của người bản địa trong khu vực.
Những nỗ lực khuyến khích lối sống xanh đó đã khiến Damasceno phải rơi vào tình thế đối đầu với tội phạm môi trường, nhưng ông vẫn kiên quyết đấu tranh.
“Tôi luôn trông cậy vào Chúa có thể bảo vệ tôi khỏi những kẻ xấu xa - và tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình”, nhà hoạt động truyền bá nghề cá bền vững có giọng nói nhẹ nhàng, chia sẻ với Guardian. Ông đã đến khu vực nơi Pereira và Phillips bị giết, với hy vọng thúc đẩy nghề cá bền vững tại đây.
Thế giới mà ông Damasceno đang dấn thân là nơi đầy rẫy những mối nguy hiểm tiềm tàng, luật lệ gắt gao và khối lợi nhuận bất hợp pháp khổng lồ, nơi các băng nhóm săn trộm có tổ chức cao được cho là câu kết với các băng nhóm buôn bán ma túy quốc tế săn lùng động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Amazon như cá pirarucu.
Sau cái chết gây chấn động của Pereira và Phillips vào năm ngoái, các thành viên của chính phủ cực hữu của cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro gọi tội ác này là hậu quả của một cuộc xung đột địa phương không liên quan đến sự tàn phá với rừng Amazon từ các chính sách môi trường tệ hại và sự loại bỏ các biện pháp bảo vệ người bản địa.
Tuy nhiên, vụ án mạng đã phơi bày một thực tế tồi tệ hơn nhiều: Nạn buôn bán cá và động vật hoang dã siêu lợi nhuận bất hợp pháp tràn lan ở khu vực biên giới của Brazil với Colombia và Peru.
Tâm điểm của hoạt động buôn bán này là Atalaia do Norte, thị trấn ven sông tồi tàn, nghèo nàn nơi hai ông Pereira và Phillips bắt đầu hành trình cuối cùng vào ngày 2/6/2022.
Là thị trấn gần nhất với lối vào của thung lũng Javari - khu bảo tồn bản địa lớn thứ hai của Brazil - Atalaia được coi là cơ sở cho các nhà hoạt động bản địa mà nhà báo Phillips đưa tin khi anh bị giết.
Những con đường gồ ghề ở thị trấn này mang đến một lát cắt đáng kinh ngạc về sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ của một khu vực là nơi sinh sống của 6 dân tộc bản địa, bao gồm cả người Matis và người Marubo, cũng như 16 bộ lạc có ít hoặc không có liên hệ với thế giới bên ngoài.
Thế nhưng, trong những năm gần đây, Atalaia cũng trở thành mắt xích chủ chốt của mạng lưới săn trộm xuyên quốc gia liên quan tới các băng nhóm buôn lậu ma túy vận chuyển một lượng lớn cocain của Peru qua tuyến đường buôn lậu ma túy lớn thứ hai ở Brazil.
Sau chuyến thăm Atalaia vào năm ngoái, giới chức điều tra của nghị viện Brazil đã kết luận rằng “các băng đảng tội phạm giàu có và vũ trang hạng nặng” cùng “những tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm” đã bám rễ trong khu vực, tài trợ cho các nhóm ngư dân khai thác bất hợp pháp trên sông và rừng của khu bảo tồn bản địa, nơi có các các loài động vật hoang dã phong phú.
“Chúng tôi chắc chắn rằng hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở khu vực thung lũng Javari không phải là do cư dân ven sông tìm cách mưu sinh, đằng sau nó là những tổ chức lớn hơn nhiều, đầu tư lớn và thu lợi nhuận khổng lồ”, các nhà điều tra cho hay.
Những nỗ lực của Bruno Pereira nhằm chống lại hoạt động buôn bán bất hợp pháp đó bằng cách tổ chức các đội tuần tra người bản địa đã đưa anh vào tình thế đối đầu với những tên tội phạm như vậy. “Chính vì điều này mà Dom Phillips và Bruno Pereira đã bị giết”, một người bạn và cũng là đồng nghiệp cũ có tên Armando Soares, nói với Forbidden Stories, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris điều phối dự án của Bruno và Dom. Đầu năm nay, cảnh sát đã chỉ đích danh một trùm đánh cá bất hợp pháp ở địa phương là kẻ chủ mưu đằng sau vụ tội ác.
Tài sản quý giá nhất
Tài sản quý giá nhất của thung lũng Javari là arapaima (hải tượng long), một loài cá khổng lồ được mệnh danh là thủy quái Amazon mà người Brazil gọi là pirarucu và người Peru gọi là paiche. Là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, cá arapaima có thể dài tới 3 m và thường nặng khoảng 90 kg. Ở các thành phố lớn của Mỹ Latinh như Lima, São Paulo và Bogotá, cá arapaima được coi là đặc sản.
Sau nhiều năm bị đánh bắt quá mức và không được kiểm soát, cá arapaima đã bị sụt giảm mạnh về trữ lượng ở vùng nước bên ngoài vùng đất bản địa được bảo vệ của thung lũng Javari - nơi có quy định ra vào nghiêm ngặt và cấm đánh bắt cá thương mại. Kết quả là những kẻ săn trộm ngày càng lộng hành, xâm phạm khu bảo tồn để đánh bắt cá arapaima và một loài rùa quý khác được gọi là tracajá.
“Họ dùng những chiếc thuyền nhỏ và đi theo nhóm nhỏ. Họ là những người sành sỏi trong khu vực. Nhiều người trong số đó ra đời ở đó [trước khi lãnh thổ được chính thức thành lập vào năm 2001] nên không dễ tìm thấy họ”, Orlando Possuelo, một chuyên gia về người bản địa, cho biết. Ông đang tiếp tục công việc của chuyên gia bản địa Pereira với các nhóm tuần tra đang chiến đấu để ngăn chặn những kẻ xâm nhập.
Sau khi được tuồn ra khỏi lãnh thổ của người bản địa trên những chiếc sà lan gỗ đầy đá lạnh, cá được bán ở một loạt thị trấn biên giới bao gồm Leticia ở Colombia, Islandia ở Peru và Benjamin Constant - một thị trấn ven sông gần Atalaia được đặt theo tên của một trong những người sáng lập Cộng hòa Brazil.
Cuộc điều tra kéo dài một năm của Forbidden Stories cho thấy hoạt động buôn bán bất hợp pháp tiếp tục nở rộ ở khu vực ba biên giới giữa Brazil, Colombia và Peru, bất chấp những cam kết của giới chức trách nhằm dập tắt tội phạm môi trường sau các vụ án mạng năm ngoái. Không quốc gia nào trong số ba quốc gia có sự kiểm soát chặt chẽ đối với nguồn gốc của cá arapaima được bán.
Brazil vẫn chưa mở lại văn phòng của cơ quan môi trường Ibama ở Tabatinga, thành phố gần Javari nhất, sau khi cơ quan này bị đóng cửa vào năm 2019. Bộ phận sản xuất khu vực của Peru không có thanh tra đánh bắt cá ở Santa Rosa de Yavarí, thị trấn của Peru phía bên kia dòng sông, đối diện với Tabatinga.
Và chính quyền Colombia không kiểm soát số lượng cá được đánh bắt từ 40 công ty đăng ký hoạt động ở Leticia, phía biên giới Colombia.
Đánh bắt trộm bùng nổ
Bất kỳ sự quan sát nào từ bên ngoài đều không được chào đón ở đây. "Không có gì ở đây. Muốn tìm hiểu điều gì ở đây đồng nghĩa với tìm tới cái chết đó”, một người đàn ông cảnh báo phóng viên từ OjoPúblico của Peru, một trong 16 cơ quan truyền thông tham gia vào dự án Bruno và Dom, khi vị nhà báo này đến thăm một kho cá ven sông ở thị trấn biên giới Colombia để tìm hiểu về đánh cá bất hợp pháp.
Các nhà hoạt động nói rằng việc thiếu kiểm soát gần như hoàn toàn đồng nghĩa với việc buôn bán đánh bắt trái phép tiếp tục bùng nổ bất chấp vụ sát hại Pereira và Phillips gây ra cú sốc toàn cầu.
“Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì thay đổi”, Possuelo nói, nhớ lại việc các nhà hoạt động bản địa nhận được báo cáo về những kẻ săn trộm bất hợp pháp hoạt động trong lãnh thổ Javari ngay cả trong những ngày sau khi Pereira và Phillips biến mất vào ngày 5/6/2022
Bất chấp những rủi ro, Damasceno cho biết ông quyết tâm tiếp tục chiến dịch của mình để đưa đánh bắt cá bền vững tới những góc xa xôi và nguy hiểm nhất của Amazon, nơi ông sinh ra và lớn lên.
Năm nay 65 tuổi, vị chuyên gia về đánh cá bền vững dự định nghỉ hưu sau nhiệm vụ cuối cùng - và có lẽ là khó khăn nhất - thực hiện các dự án như vậy ở São Rafael, São Gabriel và Ladário, ba cộng đồng đánh cá được cho là quê nhà của những kẻ bị cáo buộc đã giết Pereira và Phillips.
Sứ mệnh đó nhằm giúp các cộng đồng thiết lập ba loại hồ khác nhau sẽ giúp phục hồi nguồn dự trữ cá pirarucu địa phương và hy vọng ngăn chặn ngư dân xâm phạm vùng đất của người bản địa: “Hồ bảo vệ vĩnh viễn” - nơi cấm đánh bắt cá, “hồ bảo trì” mà các gia đình địa phương có thể câu cá tự kiếm ăn, và "hồ quản lý" nơi hạn ngạch lên tới 30% cá trưởng thành có thể được khai thác hợp pháp sau khi số lượng đạt đến mức nhất định. “Điều đó có nghĩa là nếu hồ có 100 con cá, bạn có thể đánh bắt 30 con, để trữ lượng có thể phục hồi”, ông Damasceno nói.
Vị chuyên gia lập luận rằng đánh bắt cá bền vững là cách duy nhất để tránh bạo lực gia tăng dọc theo sông Itaquái và giúp các gia đình nghèo khó ở địa phương chống lại sự cám dỗ của việc cung cấp cá cho tội phạm có tổ chức. Để chứng minh rằng điều này khả thi, ông nhớ lại sự chuyển biến đáng kể theo thời gian, những ngư dân ban đầu từng đe dọa ông nhưng về sau đã chấp nhận việc đánh bắt bền vững và trở thành bạn thân của ông.
“Tôi luôn nói rằng đánh bắt cá bền vững là lối thoát cho loại xung đột này. Biện pháp này giúp đoàn kết mọi người, nâng cao nhận thức và mở ra cánh cửa cho sự bình đẳng, quyền lợi và sự chấp nhận”, ông Damasceno nhấn mạnh.
Ông dự định viết một cuốn sách vềcá pirarucu sau khi nhiệm vụ của mình hoàn thành, và đặt tên nó là “The union of people and sustainability in the Amazon”.
Trong một chuyến đi gần đây tới các làng chài gần nơi Pereira và Phillips bị giết, ông Damasceno kêu gọi người dân địa phương chấp nhận ý tưởng về sự tồn tại lâu dài, hợp pháp thay vì lợi ích ngắn hạn, bất hợp pháp.
“Hãy ngẩng cao đầu lên. Bạn phải tiếp tục”, ông nói với họ. “Hãy nghĩ đến những đứa con của chúng ta”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuy-quai-song-amazon-lam-nguy-post1437078.html