Thủy sản kỳ vọng bứt phá

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, ngành ngân hàng khẩn trương nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp lâm sản và thủy sản trong tháng 5.

Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hy vọng sẽ được triển khai kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản.

Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hy vọng sẽ được triển khai kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thủy sản.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhất là các DN xuất khẩu, ưu tiên DN thủy sản, lâm sản. Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho DN ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản trong tháng 5.

Xuất khẩu giảm sâu

Thống kê của Bộ NN&PTNT, trong quý I/2023 xuất khẩu thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng giảm mạnh, DN phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, trong các tháng đầu năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm ở hầu hết các thị trường chính xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP lo lắng, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang giảm mạnh.

Ông Nguyễn Nam Vinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Huy Nam tại khu cảng cá Tắc Cậu, (ấp Minh Phong, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Đây thực sự là một tin vui, cho thấy sự quan tâm kịp thời của Chính phủ. Thời gian qua DN đối diện với nhiều khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận vốn. Điển hình như DN của tôi, nếu muốn vay được phải có tài sản thế chấp, trong khi DN thu mua thủy sản từ đánh bắt rồi chế biến xuất khẩu nên tài sản thế chấp không nhiều, còn đối với máy móc thiết bị ngân hàng cho vay tỉ lệ thấp, chỉ khoảng 30 đến 40%.

Nhiều DN thủy sản mong muốn tiếp tục được tham gia các chương trình giao thương với các thị trường, nhất là các thị trường trọng điểm để tìm kiếm bạn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường khó khăn năm 2023, DN rất mong các cơ quan quản lý giúp tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho DN để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và DN chế biến thủy sản…

Chìa khóa mở nút thắt

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp - nguyên Ủy viên Chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: Đây là một động thái hết sức kịp thời, được kỳ vọng như là chìa khóa để mở nút thắt. Từ cuối năm 2022 đến quý I năm 2023, tình hình xuất khẩu lâm sản và thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, từ thị trường đến đơn hàng. Để tháo gỡ tình hình thì một trong những nguyên nhân được nhận diện đó là vốn. Rõ ràng thời gian này rất cần một gói tín dụng như vậy để hỗ trợ cho DN.

Gói tín dụng này nếu được thực thi tốt, kỳ vọng sẽ tháo gỡ và tạo động lực lớn để tăng trưởng xuất khẩu và khi xuất khẩu được khơi thông sẽ tác động ngược trở lại cả 2 chuỗi ngành hàng này cũng như kỳ vọng sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển.

“Điều mà tôi quan tâm đầu tiên đó là triển khai gói tín dụng này hay nói cách khác là các DN tiếp cận nguồn vốn này như thế nào. Phải đánh giá được thực chất năng lực, nhu cầu để giải ngân nguồn vốn và DN sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả. Vấn đề thứ 2 đó là, hầu hết các chính sách thời gian qua đều có độ trễ, làm sao rút ngắn độ trễ này là rất quan trọng” – ông Hiệp nói đồng thời cho rằng, quyết sách là đúng rồi, chẩn đoán đã chính xác bệnh rồi, điều quan trọng còn lại là kê toa và sử dụng phác đồ điều trị như thế nào để đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng cho rằng, ngoài việc quan tâm đầu tư cho xuất khẩu, các DN cần chú ý đầu tư cho sản xuất, về lâu dài xuất khẩu chỉ là phần ngọn, phải nhìn thấy chuỗi giá trị của ngành hàng đó, nếu chỉ tập trung cho phần ngọn, bỏ quên phần gốc là khâu sản xuất, yếu tố đầu vào của DN thì cũng không ổn, vì vậy các gói hỗ trợ chính sách cũng cần phải tính toán tới vấn đề này…

“Gói tín dụng này nếu được thực thi tốt, kỳ vọng sẽ tháo gỡ và tạo động lực lớn để tăng trưởng xuất khẩu và khi xuất khẩu được khơi thông sẽ tác động ngược trở lại cả 2 chuỗi ngành hàng này cũng như kỳ vọng sẽ kéo theo nhiều ngành khác phát triển” – TS Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Trung Kiên - Thanh Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuy-san-ky-vong-but-pha-5716810.html