Thủy sản lại gặp khó vì kiểm dịch

Nhiều DN trong mảng chế biến thủy sản có những bức xúc về việc tốn kém chi phí với hoạt động kiểm dịch khi còn quá nhiều bất cập.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản cần thêm cơ chế thích hợp để tăng cường năng lực sản xuất.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản cần thêm cơ chế thích hợp để tăng cường năng lực sản xuất.

Trao đổi về chi phí cho việc thực hiện quy định về kiểm dịch sản phẩm thủy sản, theo ông Nguyễn Văn Tuy, đại diện doanh nghiệp (DN) trong ngành chế biến tôm ở Đồng bằng Sông Cửu Long, quy trình này còn nhiêu khê, gây tốn kém nhiều chi phí cho DN. Đặc biệt là danh mục kiểm dịch chưa thấy sự cắt giảm gì đáng kể.

Ông Tuy cho rằng, việc gia tăng danh mục hàng thủy sản chế biến làm cho DN phải trả thêm phí kiểm nghiệm. Không những vậy, DN còn phải chịu thêm thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm phát sinh thêm tiền điện, tiền lưu kho bãi cao, chưa kể chi phí đi lại, tiếp kiểm tra viên.

“Các chi phí này rất cao, mà DN cũng phải trả và đưa vào chi phí cấu thành giá thành sản phẩm, dẫn đến sẽ khó cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu” - ông Tuy nói.

Nhiều DN khác trong mảng chế biến thủy sản cũng có những bức xúc tương tự về việc tốn kém chi phí với hoạt động kiểm dịch khi còn quá nhiều bất cập. Trong tháng 2 vừa qua, khi góp ý vào dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT (ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng có những lưu ý về vấn đề này. Cụ thể, Vasep cho rằng, nhiều sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” như: hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh… vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch (theo Luật Thú y) là chưa phù hợp.

Theo kiến nghị của Vasep, “việc duy trì mở rộng các đối tượng và danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như dự thảo này là biện pháp quá mức và không cần thiết, cũng chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành như quy định pháp luật và thông lệ quốc tế hiện hành”.

Về thông lệ quốc tế hiện hành, theo Vasep, nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch (bệnh) đối với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến chín, đóng bao bì kín. Các nước tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật, Canada… hay các nước trong khu vực, hầu hết chỉ kiểm tra theo quy định/chỉ tiêu của an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản chế biến (đông lạnh, đồ hộp, hàng khô, ướp muối). Trên thực tế, nhiều nước yêu cầu nước xuất khẩu kiểm tra và cấp chứng thư sức khỏe (Health Certificate) cho các lô hàng thủy sản chế biến xuất khẩu sang nước họ, cũng chỉ áp dụng các quy định và chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thực phẩm dùng cho người).

Còn xét về chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, theo giới chuyên gia, trong giai đoạn 2010 - 2020, cùng với việc thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, càng về sau “danh mục hàng thủy sản” nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Xét đến yếu tố bất cập về mặt pháp lý, Vasep cho biết, một trong những điểm bất cập nằm ở Khoản 3 Điều 3 Luật Thú y đưa “sơ chế” và “chế biến” vào chung một khái niệm. Trong khi đó, hai khái niệm này có các nội hàm rất khác nhau. Theo Điều 2 của Luật An toàn thực phẩm thì khái niệm “chế biến” được quy định tại Khoản 4 khác hoàn toàn với khái niệm “sơ chế” được quy định tại Khoản 16. “Việc mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật” của các văn bản dưới luật và không có sự phân biệt rõ với khái niệm “sơ chế, chế biến” là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành” - đại diện Vasep chỉ rõ.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuy-san-lai-gap-kho-vi-kiem-dich-555252.html