Thụy Sĩ không áp dụng hoàn toàn lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga

Ngày 18-10, Thụy Sĩ khẳng định cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, song không thực hiện toàn bộ các điều khoản do Liên minh châu Âu (EU) đặt ra.

Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, song thời gian gần đây đã có một số quyết định ủng hộ EU trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters.

Thụy Sĩ là quốc gia trung lập, song thời gian gần đây đã có một số quyết định ủng hộ EU trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters.

Những điều khoản mà Thụy Sĩ loại trừ liên quan đến các công ty con của doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thứ ba.

Điều khoản trừng phạt nói trên bắt buộc các doanh nghiệp phải bảo đảm rằng, các công ty con của họ ở các quốc gia khác không hoạt động theo cách có thể phá vỡ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO), cơ quan quản lý chế độ trừng phạt của Thụy Sĩ giải thích rằng, điều khoản này chỉ bắt buộc các doanh nghiệp phải ngăn chặn việc trốn tránh lệnh trừng phạt thông qua các công ty con của họ trong phạm vi có thể.

SECO nhấn mạnh sự mơ hồ của điều khoản. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc xác định các biện pháp cần thiết để tuân thủ.

SECO chỉ ra rằng chính phủ Thụy Sĩ có thể xem xét áp dụng một phiên bản rõ ràng hơn của điều khoản này trong tương lai.

Trong một diễn biến khác, Thụy Sĩ đã ký kết tham gia Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI), một dự án nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân thống nhất trên khắp châu Âu.

Hệ thống này được Đức khởi xướng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine năm 2022 và được thiết kế để cho phép các nước châu Âu cùng nhau mua hệ thống phòng thủ và cùng nhau huấn luyện.

"Với sự tham gia của mình vào ESSI, Thụy Sĩ đang gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế. ESSI cho phép phối hợp tốt hơn các dự án mua sắm, đào tạo và các khía cạnh hậu cần trong lĩnh vực phòng không mặt đất", chính phủ Thụy Sĩ cho biết trong một tuyên bố ngày 18-10.

Việc tham gia ESSI đang gây tranh cãi trong nội bộ Thụy Sĩ. Những người phản đối cho rằng, quyết định này này đi ngược lại truyền thống trung lập của Thụy Sĩ. Trong khi đó, chính phủ cho biết, dự án này vẫn tương thích với tình trạng trung lập của quốc gia vì nó không chứa bất kỳ nghĩa vụ bắt buộc nào. Thụy Sĩ vẫn có thể quyết định tham gia ở đâu và ở mức độ bao nhiêu. Thụy Sĩ cũng có thể rút lại sự hợp tác của mình nếu một thành viên ESSI tham gia vào một cuộc chiến tranh.

Các thành viên của ESSI đến thời điểm này bao gồm: Bỉ, Bulgaria, Séc, Estonia, Phần Lan, Đức, Hungary, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Slovakia, Slovenia, Romania, Anh, Đan Mạch, Thụy điển, Áo và Thụy Sĩ.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/thuy-si-khong-ap-dung-hoan-toan-lenh-trung-phat-moi-nhat-cua-eu-doi-voi-nga-681869.html