Thụy Sĩ làm rõ lập trường về viện trợ vũ khí cho Ukraine
Bern cho biết các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva vẫn 'phù hợp với tính trung lập' của Thụy Sĩ nhưng việc xuất khẩu vũ khí cho Kiev thì không.
Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset đã nhấn mạnh rằng lập trường trung lập theo Hiến pháp của đất nước ông cấm xuất khẩu vũ khí sang Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, ông Berset nói thêm rằng việc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva không mâu thuẫn với quan điểm trung lập của Thụy Sĩ.
“Thảo luận về xuất khẩu vũ khí, trong khi chúng tôi đã có khung pháp lý của mình thì không thể thực hiện được", Tổng thống Berset phát biểu với giới phóng viên ngày 7/3 sau các cuộc họp tại Liên hợp quốc.
Mặc dù không phải là một quốc gia thành viên EU, Thụy Sĩ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt của khối châu Âu này nhắm vào Nga. Ông Berset đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước và nhấn mạnh về "cam kết nhân đạo mạnh mẽ đối với Ukraine" của đất nước ông. Tháng trước, các nhà lập pháp Thụy Sĩ đã đề xuất một gói hỗ trợ trị giá gần 140 triệu USD phục vụ các nỗ lực rà phá bom mìn và hoạt động nhân đạo ở Ukraine.
Hiến pháp của Thụy Sĩ quy định rằng vũ khí và đạn dược do nước này sản xuất không được xuất khẩu sang các quốc gia đang tham chiến, nhưng lập trường lâu nay này đã bị chỉ trích trong Quốc hội. Tháng trước, chính trị gia tự do Thierry Burkart phàn nàn rằng chính sách của Thụy Sĩ đang "ngăn các đối tác phương Tây của chúng ta hỗ trợ Ukraine."
Vũ khí của Thụy Sĩ được bán ra nước ngoài cũng bị cấm tái xuất sang một nước bên thứ ba nếu quốc gia đó đang có chiến tranh. Tháng trước, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã xin phép mua xe tăng Leopard do Thụy Sĩ sản xuất, nhưng đi kèm với đảm bảo rằng chúng sẽ không được chuyển giao cho Ukraine. Bern đã từ chối yêu cầu chuyển giao vũ khí từ Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch cho Ukraine bất chấp sự vận động hành lang từ Kiev.
Tuy nhiên, Tổng thống Berset đã mang đến một tia hy vọng cho những người chỉ trích chính sách xuất khẩu quân sự của Thụy Sĩ trong Quốc hội khi gợi ý rằng lập trường của Bern có thể thay đổi nếu có "sự thay đổi (đối với) khung pháp lý này."
Chính trị gia 50 tuổi này được bầu làm tổng thống lần thứ hai vào tháng 12/2022 và nhậm chức vào ngày 1/1/2023. Thụy Sĩ áp dụng chính sách tổng thống luân phiên trong một năm, và một nhà lãnh đạo mới sẽ được bầu vào tháng 12/2023.
Theo hãng tin Bloomberg, bất chấp quy chế trung lập chính trị lâu đời của Thụy Sĩ, xuất khẩu vũ khí và đạn dược của nước này vẫn tăng gần 1/3 vào năm ngoái.
Chính phủ Thụy Sĩ ngày 7/3 cho biết, xuất khẩu vũ khí của nước này đạt trị giá 955 triệu franc Thụy Sĩ (1 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 29% so với một năm trước đó. Các chuyến hàng đến châu Âu hiện chỉ chiếm một nửa tổng lượng xuất khẩu - giảm so với mức khoảng 2/3 vào năm 2021, trong khi có nhiều chuyến hàng đến Trung Đông hơn.
Qatar đứng đầu danh sách khách hàng của Thụy Sĩ, nhận được các hệ thống phòng không và vũ khí khác với tổng trị giá 213 triệu franc. Tiếp theo là Đan Mạch, Đức, Saudi Arabia và Mỹ, những nước đã mua xe bọc thép và nhiều loại đạn dược.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã đặt các nhà sản xuất Thụy Sĩ vào tình thế khó khăn, vì lập trường trung lập của nước này đồng nghĩa với việc chính phủ cấm bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh. Theo các chuyên gia chính trị, nếu một thành viên NATO tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà sản xuất vũ khí Thụy Sĩ sẽ phải ngừng vận chuyển sản phẩm của họ tới tất cả các nước NATO ngay lập tức.
Dựa trên nguyên tắc trung lập đó, Thụy Sĩ cũng cấm tái xuất khẩu vũ khí của mình. Điều này ngăn cản các đối tác châu Âu như Đức và Đan Mạch gửi vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất tới Ukraine.