Thuyền đánh cá bằng lửa cuối cùng ở Đài Loan

Đến giờ, chỉ còn một chiếc thuyền duy nhất ở Đài Loan (Trung Quốc) lưu giữ phương pháp đánh cá độc đáo, có lịch sử lâu đời: dùng lửa.

Đêm xuống, một nhóm ngư dân giương buồm ra khơi ở bờ biển phía bắc đảo Đài Loan (Trung Quốc), nơi họ sẽ thực hiện phương thức đánh bắt cá có truyền thống lâu đời.

Đến nơi, một ngư dân đốt cây đuốc có khí acetylene - được tạo ra bằng cách cho nước vào calcium carbide, thứ dân địa phương gọi là đá lưu huỳnh.

Một cảnh tượng hỗn loạn xuất hiện: Hàng trăm con cá mòi vảy bạc lấp lánh nhảy ra khỏi mặt biển như mưa sao băng, trong khi các ngư dân khác bắt chúng bằng lưới.

Khi đám cá tản ra, mùi của lưu huỳnh vẫn lưu lại trong không khí.

 Những con cá lao lên khỏi mặt nước. Ảnh: Taiwantour.

Những con cá lao lên khỏi mặt nước. Ảnh: Taiwantour.

Suốt nhiều thế kỷ, các ngư dân địa phương ở phía bắc đảo Đài Loan đã đánh bắt cá mòi bằng lửa. Theo Sở Văn hóa Tân Đài Bắc, những ghi chép lâu nhất về kỹ thuật này có từ khoảng một thế kỷ trước, với nguồn gốc được cho là từ người Basay.

Khoảng 60 năm trước, hơn 100 thuyền đánh cá ra khơi từ tháng 5 đến tháng 8, khiến biển bừng sáng với những ánh lửa vàng cam. Nhưng khi cá mòi vảy giảm giá trị, giờ đây, chỉ còn một thuyền thực hiện phương pháp này ở Đài Loan.

Kỹ thuật có lịch sử lâu đời

Hsu Cheng-cheng, một nhà điều hành tour ở Đài Loan, đặt mục tiêu giữ truyền thống này khỏi biến mất.

Từ năm 2012, Hsu đã tổ chức các tour thường xuyên ở Jinshan, một thị trấn ven biển phía bắc Đài Loan, cho du khách tận mắt tìm hiểu và khám phá phương thức đánh cá độc đáo này.

Ông giải thích rằng thời xưa kỹ thuật dùng lửa phổ biến vì rất hiệu quả trong đánh bắt cá mòi vảy, một trong những thực phẩm được ưa chuộng ở đảo. Ông nói: "Hồi đó, mọi người bắt cá mòi vảy làm thức ăn. Loại cá này có thịt ngọt và nhiều xương nhỏ, nên rất giàu canxi. Chúng thường được rán hoặc kho với xì dầu và gừng".

Loại cá này thường được bắt vào mùa hè, khi chúng theo dòng chảy từ Thái Bình Dương đến bờ bắc Đài Loan.

Khi tàu đến địa điểm đánh bắt, ngư dân chịu trách nhiệm tạo lửa - được gọi là "đội trưởng hỏa lực" - sẽ hướng dẫn nhóm của mình cho thêm lượng nước vừa phải vào đúng thời điểm.

Cá mòi, vốn bị ánh sáng thu hút, sẽ nhảy rào rào ra khỏi nước vào lưới.

Cá mòi vảy bị thu hút bởi ánh sáng. Ảnh: Atlas Obscura.

Cá mòi vảy bị thu hút bởi ánh sáng. Ảnh: Atlas Obscura.

Tuy nhiên, truyền thống này dần mai một khi lượng cá mòi vảy đến đây giảm nhanh. Chúng dần trở nên bớt phổ biến và giá cũng rẻ đi, khiến nhiều ngư dân bỏ nghề.

Giữ gìn truyền thống

Ông Hsu, 60 tuổi, cho biết ông kỳ vọng giữ được truyền thống này, vì đây là một phần quan trọng trong di sản địa phương của Đài Loan.

"Tôi có linh cảm nó sẽ sớm biến mất", ông nói.

Dẫn các tour sinh thái, ông Hsu luôn đề cao tầm quan trọng của di sản văn hóa, vốn có mối liên hệ mật thiết với kinh tế địa phương

Khi việc đánh cá mòi vảy không còn đem lại lợi nhuận, tour du lịch của Hsu giúp ngư dân có thêm thu nhập, từ đó cho phép họ duy trì truyền thống để cả thế giới được thấy.

Năm 2015, kỹ thuật đánh cá bằng lửa được chính quyền địa phương công nhận là "tài sản văn hóa", tăng thêm nhận thức về việc bảo tồn truyền thống này.

Một tia hy vọng

Trong khi nhiều ngư dân đã bỏ nghề vì công việc vất vả và thu nhập thấp, Chien Shi-kai, 28 tuổi, quyết định gia nhập để nối tiếp truyền thống của gia đình.

Chien học bắt cá mòi vảy bằng lửa ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

"Cha tôi sở hữu một trong các tàu đánh bắt cá bằng lửa, nên việc tôi tham gia cũng là chuyện tất nhiên", anh nói.

"Hai năm trước, 'đội trưởng hỏa lực' xin nghỉ vì vấn đề sức khỏe. Cha tôi và các chú trên tàu muốn truyền nghề cho thế hệ sau, nên khuyến khích tôi thế chỗ. Đó là lý do tôi trở thành đội trưởng trong thời gian ngắn", Chien chia sẻ.

 Nhiều ngư dân bỏ nghề vì công việc vất vả trong khi thu nhập không cao. Ảnh: Atlas Obscura.

Nhiều ngư dân bỏ nghề vì công việc vất vả trong khi thu nhập không cao. Ảnh: Atlas Obscura.

Ngày nay, Chien chịu trách nhiệm thắp sáng trên tàu đánh cá bằng lửa cuối cùng của Đài Loan.

Trong những tháng mùa hè, anh thường làm việc suốt đêm. Chien nói: "Đây là công việc ban đêm nặng nhọc. Vào thời cao điểm, chúng tôi phải làm từ 16h hôm trước đến tận 7h sáng hôm sau".

Nhưng công việc này cũng xứng đáng, anh nói thêm, vì Chien thích cảm giác thành công khi đến đúng chỗ và thu được mẻ cá lớn.

Chính quyền và cộng đồng đã thảo luận nhiều kế hoạch để giữ truyền thống đánh cá bằng lửa tiếp tục, nhưng Chien cho biết không gì cấp thiết hơn việc mang cá mòi vảy trở lại.

Anh giải thích: "Dù muốn quảng bá như địa điểm du lịch hay tăng lợi nhuận cho nghề, quan trọng nhất vẫn là cá. Nếu không có cá, du khách sẽ chẳng thấy gì thú vị, và sẽ không thể tăng thu nhập cho chúng tôi".

An Ngọc

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuyen-danh-ca-bang-lua-cuoi-cung-o-dai-loan-post1265376.html