'Thuyền' - mở ra những vết thương cho ánh sáng đi vào
Trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân, nhà văn - nhà phê bình Ngô Văn Giá hào hứng thông báo cuốn tiểu thuyết 'Thuyền' vừa ra mắt của nhà văn - nhà thơ - bác sĩ Nguyễn Đức Tùng chuẩn bị được tái bản, ông đặt câu hỏi: 'Tại sao 'Thuyền' lại có sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc như vậy? Hẳn vẫn còn là một bí ẩn đối với chúng ta'.
Cá nhân tôi thấy câu trả lời khá giản dị: bởi vì "Thuyền" đạt tới Chân - Thiện - Mỹ một cách đích thực. Trong khi những giá trị ấy dần bị che khuất bởi các tiêu chí thời thượng như “Mới”, “Độc lạ” hay “Tính thời sự”, thì "Thuyền" cho chúng ta một cái nhìn hồi nguyên - một sự trở lại sâu sắc với bản chất lay động của văn chương chân chính.
Tính chân thực của tác phẩm mạnh mẽ tới nỗi, nhiều người nói rằng họ không ngủ được sau khi đọc "Thuyền". Đọc cuốn sách mà có cảm giác như người viết là một bác sĩ tỉnh táo, không run tay dao, mổ xẻ chính mình.
Bằng một cách nào đó, người thanh niên ra đi trên chiếc thuyền năm ấy đã vượt thoát được những cơn bão, đói, mất nước, bệnh tật, chứng kiến người quyên sinh, chứng kiến những toán cướp biển hãm hiếp, bắt đi và rồi sẽ bán vào nhà thổ những người yêu, vợ, con gái của những người đàn ông trên thuyền, những đứa trẻ con bị ném xuống nước, thủy táng, trại tị nạn với muôn vàn câu chuyện bi thảm tới rùng rợn… đã-sống-sót.
Bằng cách nào đó anh ta đã vượt thoát được những cơn trầm cảm, ký ức nhai đi nhai lại như một cái đĩa than bị xước vấp siết vào tim óc, để sống sót và thoát khỏi những nỗi ám ảnh đau đớn.

Tác giả Nguyễn Đức Tùng và độc giả tại buổi ra mắt tiểu thuyết “Thuyền”, NXB Phụ nữ Việt Nam.
"Thuyền", đối với tôi không hẳn là một cuốn tiểu thuyết, nó là một cuốn hồi ký được lai tạo với tiểu thuyết bởi một nhà thơ. Nói như nhà thơ-nhà văn Thái Hạo thì "Thuyền" là một bài thơ lớn. Tính ẩn dụ của nó rất cao. Bạn sẽ luôn luôn bắt gặp những đoạn “thơ văn xuôi” như một nhịp nghỉ trầm lắng tạo điểm nhấn trong khi câu chuyện đang kể đầy kịch tính. Ví dụ, đoạn sau đây được viết khi nhân vật chính cảm nhận được một cơn bão sẽ tới, hiểm nguy và hầu như chẳng còn chút sức lực nào để có thể chống chọi nữa:
Khi tôi chết, gió sẽ không còn thổi nữa.
Khi tôi chết, mọi đau khổ chấm dứt.
Sự tra tấn chấm dứt. Sự đói khát chấm dứt. Sự nhục nhã chấm dứt.
Khi chúng tôi chết, đừng hỏi vì sao chúng tôi đến đây
Khi chúng tôi chết biển động sẽ im, bầu trời xanh trở lại (tr.153).
Đối với tôi đoạn thơ văn xuôi này cứa vào óc tim tôi nỗi day dứt về sự lãng quên, một sự lãng quên khi quá khứ chưa được mổ xẻ, phơi bày, một sự lãng quên không mang lại bình an mà mang tới những ám ảnh về cái chết. Bởi khi loài người chưa học kỹ, chưa ghi nhớ thì trên thế giới này chiến tranh vẫn lặp lại, hận thù và định kiến vẫn lặp lại, thờ ơ lặp lại, hèn nhát và sợ hãi lặp lại, dối trá lặp lại, các bài diễn văn và các chủ thuyết lặp lại…
Lịch sử thế giới vẫn đã, đang và sẽ lặp đi lặp lại. 140 con người trên chiếc thuyền của Nguyễn Đức Tùng năm xưa, hàng triệu người bỏ nước mà đi, chết cũng đi, gặp hải tặc cũng đi, rồi bị phơi thây cho cá mập, bị lăng nhục, hàng triệu người phụ nữ bị lạm dụng thân thể, bị bán vào nhà thổ, mất ngôn ngữ, mất tất cả... Nhưng tất cả những bi kịch thê thảm ấy rồi sẽ biến mất khỏi mặt đất này, “biển động sẽ im, bầu trời xanh trở lại” nhường chỗ cho sự có mặt của sự sống, hạnh phúc, bình an?
Đừng hỏi làm gì trước sự vô nghĩa đến tàn khốc của số phận những thuyền nhân trên biển. Quá khứ được khép lại không rõ ràng, không đối diện với sự thật như thế là rất có thể sẽ mưng mủ, biến thành độc tố.
Nguyễn Đức Tùng đã dùng con chữ của mình để tái tạo lại quá khứ một cách chân thực nhất đúng như nó từng là. Và bằng cái Đẹp của ngôn từ ông đã mang đến cái Chân, không để linh hồn bị chết trong nhục nhã và đau thương xưa kia bị biến mất không dấu vết. Ông giải phẫu lịch sử bằng ánh sáng của một trái tim từ bi, một trí tuệ mẫn cảm, sáng suốt, dịu dàng, nhẫn nại. Từng chút một, ông hồi sinh cho những linh hồn đã chết oan.
…Làm sao để yêu được thế giới này sau tất cả những đau khổ?
Nhìn vào bản chất của sự mất mát… (tr.83-84).
Cả cuốn tiểu thuyết về thuyền nhân tị nạn sau chiến tranh không có một chữ nào nhắc đến “hòa hợp, hòa giải”, không có một chữ nào nhắc đến “thắng, thua”, đến ngộ nhận, sai lầm... Ông chỉ nói về đức tin, một đức tin không phải vào lý tưởng mà là đức tin vào ánh sáng giải thoát đầy minh triết. Ở đoạn mấy con người sống sót trên con thuyền tơi tả bỗng nhìn thấy ngọn lửa giàn khoan, dấu hiệu họ sẽ được cứu thoát, Nguyễn Đức Tùng viết:
Sự sáng, sao mà lâu đến thế.
Một người nào nói: tháp đốt lửa trên giàn khoan.
Vì sao người ta rời bỏ lòng tin vào thế giới?
Không. Bạn không rời bỏ nó. Nó rời bỏ bạn.
Đôi khi em thấy em cầu nguyện trong một giấc mơ.
Đó là sự may mắn.
Sự may mắn không dùng được vào việc gì.
Không phải. Sự may mắn chờ chúng ta ở đó, như kho tàng châu ngọc được cất giữ, có lúc cần tới.
Nhưng người tìm thấy chúng không phải là chúng ta.
Không. Một người khác (tr. 153).
Có thể bạn không May mắn. Một người Khác. Đoạn thơ văn xuôi này có tính kết nối với câu chuyện trở đi trở lại trong "Thuyền" - câu chuyện về loài bướm, một hóa giải minh triết và nhân ái tính vô nghĩa của những cái chết, những thảm kịch, những sai lầm. Nguyễn Đức Tùng viết: “Tất cả sự mất mát nói cho cùng là sự hy sinh của kẻ đi trước lót đường, mở đường máu cho đồng loại”.

Trang bìa cuốn tiểu thuyết của tác giả Nguyễn Đức Tùng.
Có thể nói rằng, nhân vật chính đã sống sót là nhờ may mắn, nhưng không tự sát hay hóa điên là nhờ ở trong anh ta có tình yêu, một tình yêu từ bi, nhân ái rất lớn đối với một con người cụ thể, với mọi người và vạn vật xung quanh… Chính là nhờ ở tình yêu mà Nguyễn Đức Tùng có khả năng hóa giải hận thù, nhìn thấy cái Thiện tận cùng ở nơi cái Ác tận cùng đã diễn ra, nhìn thấy Ý nghĩa ở nơi sự Vô nghĩa tận cùng đã cho ông thấy.
Và sự ra đời của "Thuyền" phải trải qua thời gian rất lâu, một hành trình riêng tư chỉ ông biết. Cũng giống như người mẹ trẻ thương yêu và bảo vệ đứa con sinh ra từ nhiều lần bị hải tặc hãm hiếp, Nguyễn Đức Tùng cho tôi nhìn thấy, bằng cách nào mà Tình yêu vượt lên trên được Hận thù, hóa giải hận thù.
Số phận đã “ban tặng” cho Nguyễn Đức Tùng những “cơ hội” đau thương đến tận cùng, nhiều lần đẩy ông đến trạng thái cận tử, và chính ở những vết thương lớn ấy ông đã được ánh sáng của sự giác ngộ soi rọi.
Và như thế, theo như nhìn nhận của tôi, nếu có một cái gì đó gọi là “bí ẩn” như lời của nhà văn Ngô Văn Giá, khiến cho "Thuyền" có được sức thuyết phục và lay động lớn đối với đông đảo người đọc thì chính là ở tâm thế và nhân cách của người viết. Đau thương mất mát, độ lùi của thời gian, sự chín muồi của trí tuệ và tinh thần đã trao tặng cho Nguyễn Đức Tùng sự thông thái, nhân văn khả năng dùng con chữ tái hiện một sự thật thuần khiết (see the reality as it is), đã được thanh tẩy định kiến, oán hận - cái Chân được chuyển hóa thành cái Thiện trong "Thuyền", bằng cách như vậy.
Quyết định chuyển thể loại từ hồi ký sang tiểu thuyết cũng là một quyết định sáng suốt của nhà văn Nguyễn Đức Tùng. Vì chỉ với thể loại này ông mới có thể diễn tả được sự thật hơn cả sự thật. Không cần đao to búa lớn, ông cho người đọc vừa đứng ở trên vai ông, vừa đi vào trong tâm thức ông để nhìn thấy Sự thật toàn tính của Vũ trụ. Tác phẩm của ông vì thế có sức đánh thức lương tri, thôi thúc con người đặt ra những câu hỏi lớn về quá khứ, về phẩm giá và tự do, về ý nghĩa của cuộc sống - và cả những gì lịch sử từng bị che khuất.
Đó là sự hòa giải thầm lặng - không từ lý tưởng, mà từ lòng từ bi, từ ánh sáng của đức tin vào lương tri con người. Và như thế, "Thuyền" không phải là một “hiện tượng văn học”, mà là một thông điệp nhân văn - một ẩn dụ sâu sắc của sự tha thứ, hòa giải và cứu rỗi.
"Thuyền" không cần phải “làm mình khác biệt” để tạo ấn tượng. Nó chinh phục bạn đọc bằng vẻ đẹp thuần khiết của văn chương khi không bị nhuốm các ý đồ thị trường, không phô trương kỹ thuật, không chiều theo độc giả - dù là phía bên này hay phía bên kia.
Một cuốn sách như vậy - tôi nghĩ - chỉ có thể được viết ra bởi một con người đã đi qua những mất mát rất thật, đã vượt qua những đêm đen rất dài, đã ở bên bờ vực tuyệt vọng mà không lao xuống, đã tha thứ được cho người khác và cho chính mình.
Và người đó, đã chọn kể lại - bằng tất cả lòng từ ái và tinh thần trách nhiệm của mình.