Tỉ giá nhảy múa: Kẻ hưởng lợi, người lo sốt vó

Với việc tỉ giá đang ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu đang cảm thấy 'nhẹ thở' thì các đơn vị nhập khẩu hay vay nợ bằng ngoại tệ lại trong tình huống thấy dòng tiền trong lợi nhuận bớt đi.

Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) quay trở lại mốc cao 108 điểm đã khiến tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng vượt lên trên mốc 25.000 đồng. Còn trên thị trường tự do, có thời điểm mỗi USD đang được giao dịch quanh mức khoảng 25.800 – 25.900 VND/USD. Đây là mức giá cao nhất của đồng đôla Mỹ trên thị trường tự do trong hơn 5 tháng qua.

Những nỗi lo vô hình

Trong báo cáo tài chính quý III-2024, Vietnam Airlines xuất hiện khoản lỗ chênh lệch tỉ giá lên đến 476 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2024, hãng hàng không này có khoản lỗ tỉ giá là 1.237 tỉ đồng. Biến động của tỉ giá từ đầu năm đến nay khiến Vietnam Airlines gặp sức ép rất lớn về lợi nhuận.

Ban lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết, tỉ giá cứ biến động 1%, công ty sẽ mất đi 300 tỉ đồng. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã mất hơn 4%. Nguyên nhân lỗ tỉ giá do hãng bay này làm việc với khá nhiều đối tác nước ngoài và chi trả bằng ngoại tệ, chẳng hạn thuê máy bay hay các dịch vụ sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng mà chưa thể thực hiện trong nước.

Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ Vietjet lại đang tận hưởng việc tỉ giá có xu hướng tăng từ đầu năm. Lũy kế 9 tháng năm 2024, Vietjet có khoản lợi nhuận từ tỉ giá lên đến 123 tỉ đồng.

Lợi nhuận này có được do tỉ trọng doanh thu quốc tế của Vietjet chiếm hơn 50%. Nói cách khác, Vietjet thu được ngoại tệ từ bán dịch vụ và sản phẩm nên việc tỉ giá tăng giúp hãng bay này có thêm lợi nhuận.

ACV cũng đối diện với lỗ tỉ giá với khoản tiền lên đến hơn 700 tỉ đồng mà nguyên nhân nằm ở việc có nhiều khoản vay ngoại tệ. Hay Sasco có khoản lãi tỉ giá gần 6 tỉ đồng trong quý III-2024 nhờ vào việc đơn vị này có nhiều cửa hàng bán trong sân bay ở ga quốc tế.

Khi đồng đô la Mỹ tăng giá, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thu về nhiều đồng Việt Nam hơn khi quy đổi số ngoại tệ thu được. Chẳng hạn, 9 tháng năm 2024, FPT có khoản thu ngoại tệ gần 316 triệu USD. Chính yếu tố này đã góp phần đáng kể vào khoản lợi nhuận từ chênh lệch tỉ giá của FPT lên đến 320 tỉ đồng.

 Tỉ giá cao có thể mang lại lợi ích trước mắt vì doanh thu tính bằng USD sẽ tăng lên khi quy đổi sang tiền đồng, giúp cải thiện lợi nhuận. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Tỉ giá cao có thể mang lại lợi ích trước mắt vì doanh thu tính bằng USD sẽ tăng lên khi quy đổi sang tiền đồng, giúp cải thiện lợi nhuận. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, sự tăng nóng của tỉ giá USD/VND có những tác động rõ rệt đến cả doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tỉ giá cao có thể mang lại lợi ích trước mắt vì doanh thu tính bằng USD sẽ tăng lên khi quy đổi sang tiền đồng, giúp cải thiện lợi nhuận.

Tuy nhiên, nếu chi phí nguyên vật liệu và sản xuất cũng phải nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực tăng chi phí. Điều này có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, tỉ giá cao sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực, các doanh nghiệp cần có chiến lược quản lý rủi ro ngoại hối hiệu quả và linh hoạt thích ứng với biến động của thị trường.

Theo các chuyên gia, khi tỉ giá tăng, những doanh nghiệp có khoản vay ngoại tệ sẽ chịu nhiều áp lực. Vì số tiền đồng cần để trả lãi cho khoản vay ngoại tệ sẽ tăng lên tương ứng. Điều này làm gia tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp. Không chỉ lãi vay mà cả số tiền gốc cần trả cũng tăng lên, gây áp lực lớn lên dòng tiền của doanh nghiệp.

Cẩn trọng với tỉ giá trong năm mới

Các chuyên gia phân tích Ngân hàng Standard Chartered nhận định, đồng đô la Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Trump (Trump 2.0) được làm rõ và triển khai. Lạm phát kéo dài cùng các yếu tố cấu trúc như hiệu quả kinh tế sẽ tác động đến thị trường ngoại hối, với động lực chính là chênh lệch tỉ giá.

Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered) cho biết, các động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất đồng USD thấp hơn có thể giúp giảm dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ tiền đồng.

Standard Chartered dự báo việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới, dẫn đến tỉ giá USD/VND ở mức 25.250 đồng vào cuối năm 2024 và 25.450 đồng vào quý 2-2025.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, tỉ giá USD/VND đã có sự biến động mạnh trong ba năm qua, chủ yếu là do Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay vào đầu năm 2022, và sau đó bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9-2024.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2023 trong khi Fed đang tăng lãi suất, dẫn đến khoảng cách lớn giữa lãi suất ngắn hạn của tiền đồng và USD (lãi suất tiền đồng thấp hơn lãi suất USD hơn 5% vào thời điểm đó), tạo ra áp lực giảm giá lớn đối với tiền đồng trong nửa sau năm 2023.

Trong năm nay, tiền đồng đã giảm gần 5% tính đến tháng 5-2024, chủ yếu do chỉ số đô la Mỹ (DXY) tăng gần 4% do lạm phát của Mỹ và kỳ vọng giảm lãi suất của Fed yếu đi và các lo ngại khác tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã hành động trước sự giảm giá của tiền đồng bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ và bán ngoại tệ. Trong những tháng gần đây, tỉ giá USD/VND đã có sự biến động mạnh. Đầu tiên tăng giá do kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9-2024, nhưng sau đó lại giảm giá do lo ngại về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

"Chúng tôi dự đoán rằng năm 2025 sẽ chứng kiến một số biến động đối với tiền đồng, nhưng tỉ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm với mức giảm 3% hợp lý so với đồng đô la Mỹ. Dự đoán của chúng tôi về việc tiền đồng sẽ giảm giá 3% vào năm tới dựa trên kỳ vọng rằng chỉ số đồng đô la Mỹ sẽ kết thúc năm 2025 gần như không thay đổi.

Tuy nhiên, năm 2025 có khả năng sẽ là một năm đầy biến động đối với USD, một phần vì lạm phát của Mỹ luôn tăng vào đầu năm 2025 vì nhiều lý do. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong năm tới, nhưng chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Fed không cắt giảm lãi suất trong năm tới, điều này sẽ đẩy giá trị đồng USD lên cao hơn" - ông Michael Kokalari nhận định.

Theo PGS.TS Phạm Công Hiệp, Đại học RMIT Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ để quản lý tỉ giá và ổn định thị trường ngoại hối, đặc biệt khi nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm.

Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường, bán USD nhằm giảm áp lực lên tỉ giá. Việc điều chỉnh tỉ giá trung tâm hàng ngày cũng giúp cơ quan này linh hoạt ứng phó với biến động thị trường quốc tế và bảo vệ sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát tín dụng ngoại tệ để hạn chế vay USD cho những lĩnh vực không ưu tiên, đồng thời đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm cải thiện nguồn cung USD trong nước.

Cuối cùng, điều chỉnh lãi suất tiền đồng cũng là một biện pháp quan trọng để tăng sức hấp dẫn của tiền đồng, từ đó giảm nhu cầu nắm giữ USD.

"Với những chính sách và công cụ này, Ngân hàng Nhà nước có khả năng kiểm soát biến động tỉ giá và giúp doanh nghiệp duy trì ổn định trong hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu" - tiến sĩ Hiệp nói.

Sang năm 2025, tỉ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của Mỹ

Giới chuyên môn cho rằng chính sách giảm thuế cho người giàu của Mỹ sẽ tăng thiếu hụt ngân sách cho Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách.

Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Fed mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, một động thái được gọi là nới lỏng định lượng (Quantitative Easing), làm phình tổng tài sản của Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông.

Tất cả điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt và tạo lực đẩy tỉ giá USD/VND.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế tài chính

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ti-gia-nhay-mua-ke-huong-loi-nguoi-lo-sot-vo-post827047.html