Tỉ lệ người châu Âu tán thành viện trợ cho Ukraine đang lao dốc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với tờ The Economist rằng ông 'cảm nhận' được sự ủng hộ ngày càng suy yếu từ các nhà lãnh đạo phương Tây.
Tỉ lệ công dân Liên minh châu Âu (EU) “hoàn toàn tán thành” hoặc “hoàn toàn nhất trí” với việc hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine hiện đã giảm đáng kể so với thời điểm xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát thành hành động quân sự ngay trên lục địa châu Âu.
Đó là kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Cơ quan điều tra dư luận Eurobarometer thực hiện vào cuối tháng trước.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với tờ The Economist rằng ông “cảm nhận” được sự ủng hộ ngày càng suy yếu từ các nhà lãnh đạo phương Tây. Ông cảnh báo rằng việc không ủng hộ Ukraine tương đương với việc đứng về phía Nga.
Tỉ lệ ủng hộ suy yếu
Theo kết quả khảo sát, 24% công dân EU cho biết họ “hoàn toàn tán thành” việc chi tiền mua và cung cấp thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine, giảm đáng kể so với con số 33% ghi nhận được vào tháng 4 năm ngoái – 2 tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia Đông Âu.
Tổng số ủng hộ việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine đã giảm từ 67% xuống còn 48% trong cùng thời kỳ, với tỉ lệ phản đối tăng từ 26% lên 34%.
Ukraine đã đạt được một số lợi ích chiến trường kể từ khi phát động cuộc phản công hồi đầu tháng 6 nhằm tái chiếm lãnh thổ từ tay quân đội Nga, nhưng vẫn chưa tạo được bước đột phá lớn nhằm cắt đứt hành lang đất liền kết nối bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập năm 2014.
Ở Kiev có những lo ngại rằng sự hỗ trợ quan trọng của phương Tây có thể bắt đầu suy yếu, đặc biệt với các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở cả Mỹ và một số nước châu Âu.
Cuộc thăm dò của Eurobarometer cũng cho thấy 26% công dân EU “hoàn toàn đồng ý” với việc hỗ trợ Ukraine về mặt tài chính và kinh tế, giảm mạnh so với con số 42% vào tháng 4/2022. Thêm 38% cho biết họ “có xu hướng đồng ý” với hỗ trợ tài chính cho Ukraine, nâng con số ủng hộ quốc gia Đông Âu lên thành 64%.
Tổng số “hoàn toàn ủng hộ” và “có xu hướng ủng hộ” Ukraine được ghi nhận vào tháng 4/2022 là 80%.
Cuộc khảo sát gần đây nhất của Eurobarometer được tiến hành với 26.514 công dân trên toàn EU, bao gồm 27 quốc gia thành viên, trong khoảng thời gian từ 24-31/8.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy tỉ lệ ủng hộ hoàn toàn các lệnh trừng phạt đối với Nga đã giảm từ 55% xuống còn 46% trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2023, trong khi tỉ lệ chào đón người tị nạn từ Ukraine đã giảm từ 55% xuống còn 36%.
Nếu tính tổng cộng cả những người nói rằng họ “có xu hướng đồng ý”, thì kết quả thu được là 71% công dân EU ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga và 76% chào đón người tị nạn Ukraine.
Không có bức tranh rõ ràng
Trong khi đó, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov hôm 29/9 phàn nàn rằng phương Tây không cung cấp cho đất nước ông một bức tranh rõ ràng về việc cuộc xung đột với Nga sẽ kết thúc như thế nào và liệu sự hỗ trợ của họ có kéo dài cho đến khi Ukraine giành chiến thắng.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước, ông Danilov nói: “Không ai có thể trả lời rõ ràng chiến thắng của chúng tôi có ý nghĩa gì. Họ nói với chúng tôi họ sẽ hỗ trợ chúng tôi cho đến khi… và khi đó tôi chưa bao giờ nghe họ nói từ chiến thắng. Họ chỉ nói: Cho đến khi các vị chọn tự mình đưa ra quyết định”.
Người đứng đầu cơ quan an ninh Ukraine nhấn mạnh rằng, Kiev cần biết liệu phương Tây sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến khi nước này chiến thắng trong cuộc xung đột hay sự ủng hộ của họ sẽ chấm dứt sau một khoảng thời gian nhất định.
Bình luận của ông Danilov được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko thừa nhận rằng số người sẵn sàng đưa tiền cho Kiev “ngày càng ít đi” và rằng “có rất nhiều câu hỏi về việc người nộp thuế ở các quốc gia đó sẵn sàng tài trợ cho chúng tôi bao nhiêu”.
Trước đó, ông Marchenko báo cáo rằng thâm hụt hàng tháng của chính phủ Ukraine là khoảng 5 tỷ USD, trong đó ngân sách nhận được 2/3 số tiền từ các khoản vay và trợ cấp nước ngoài.
Ở Mỹ, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố trong tuần này rằng Lầu Năm Góc chỉ có thể hỗ trợ Kiev trong “vài tuần” nếu Quốc hội “xứ cờ hoa” không thông qua dự luật chi tiêu mới.
Bình luận của ông Kirby được đưa ra sau khi một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phản đối yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về cấp thêm 24 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, và đe dọa đóng cửa chính phủ trừ khi khoản viện trợ dành cho Kiev bị loại khỏi dự luật chi tiêu mới nhất của Chính phủ Mỹ.
“Nếu giới lãnh đạo nhất quyết tài trợ cho chính phủ của một quốc gia khác bằng chi phí của chính phủ chúng ta, thì mọi trách nhiệm đều thuộc về sự ngoan cố của họ”, Thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul, một trong những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa phản đối dự luật, cho biết.
Minh Đức (Theo Newsweek, RT)