Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ tăng cao

Tốt nghiệp đại học là thời điểm được chờ đợi sau khi hoàn thành chương trình đại học. Nhưng không ít sinh viên phải 'chôn chân' kẹt lại ở trường đại học thêm một, thậm chí hai năm chỉ vì vướng mắc chứng chỉ ngoại ngữ.

Nhiều sinh viên học ngoại ngữ bất kể ngày đêm để kịp ra trường. Ảnh: Vĩnh Khánh

Nhiều sinh viên học ngoại ngữ bất kể ngày đêm để kịp ra trường. Ảnh: Vĩnh Khánh

Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Trong đó, yêu cầu với người có bằng đại học phải có năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu.

Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hằng năm, có hàng chục nghìn sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn do thiếu chứng chỉ này. Đây vẫn luôn là nỗi lo của các sinh viên năm cuối.

Sinh viên loay hoay suốt những năm đại học vì chứng chỉ ngoại ngữ

Chị Vũ Thúy Quỳnh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đang miệt mài học tiếng Anh để đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra của trường, tốt nghiệp đúng hạn.

“Bản thân mình đã từng phải học lại môn tiếng Anh. Hiện tại mình phải vừa đi thực tập, vừa làm khóa luận và vừa phải tham gia lớp gia sư tiếng Anh 2 buổi/tuần. Điều này khiến mình gặp rất nhiều khó khăn trong việc sắp xếp thời gian học tập hiệu quả”, chị Quỳnh cho biết.

Dù đã từng tham gia nhiều khóa học tiếng Anh nhưng chị Giá Hoàng Thanh Trúc (Đại học Kinh tế Quốc dân) vẫn không cảm thấy hiệu quả. Chị Trúc tâm sự: “Mình đã học rất nhiều, áp dụng nhiều phương pháp nhưng vẫn không tiếp thu nổi ngôn ngữ này. Mình rất lo lắng vì nếu cứ tiếp diễn, chắc mình sẽ phải tốt nghiệp muộn hơn so với bạn bè”.

Đa số các chứng chỉ ngoại ngữ hiện hành đều chỉ có thời hạn 2 năm. Sinh viên luôn phải cân nhắc lựa chọn thời điểm thi phù hợp.

“Thời điểm năm 3 và năm 4 sinh viên rất bận vì phải đi thực tập và tập trung làm khóa luận tốt nghiệp. Nhưng đây lại là thời gian thích hợp để thi chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Sức ép của hai năm cuối đại học này là rất lớn. Sinh viên hầu như luôn phải chạy đua với thời gian thì mới kịp ra trường”, chị Nguyễn Tú Anh - sinh viên năm thứ 3 Đại học Luật Hà Nội - chia sẻ.

Không chỉ vậy, đối với những bạn đã có nền tảng kiến thức vững chắc, việc thi chứng chỉ vẫn luôn là một thử thách vì tỉ lệ cạnh tranh mỗi lượt thi rất cao.

Chị Lương Thảo Hương, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã bỏ lỡ mất đợt thi tháng 4 và tháng 5 của kỳ thi ngoại ngữ tiếng Trung (HSK) vừa rồi. Chị phải tiếp tục đợi đến tháng 9 để tham gia kỳ thi tiếp theo, nếu bỏ lỡ một lần nữa, chị sẽ phải tốt nghiệp muộn ít nhất là 4 tháng.

“Mỗi đợt đăng ký thi là mình phải canh từng giây, từng phút. Số lượng người thi rất đông nhưng số lượng mở đăng ký tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội chỉ là 260 thí sinh. Chỉ 1-2 phút thôi là sẽ hết lượt thi và phải đợi đợt đăng ký tiếp theo. Thậm chí mình đã nhờ cả người đăng ký hộ nhưng cũng không thành công”, chị Hương bày tỏ. Thực sự rất căng thẳng.

Không chỉ thế, với các bạn chưa tự lập về tài chính, số tiền phát sinh trong suốt quá trình ôn luyện và lệ phí thi các chứng chỉ cũng là áp lực rất lớn đối với sinh viên.

Tiến sĩ Đỗ Thị Ánh Hồng. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Đỗ Thị Ánh Hồng. Ảnh: NVCC

Chưa đến lúc bỏ yêu cầu đầu ra ngoại ngữ

Theo khoản 1 Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện xét và công nhận tốt nghiệp đại học như sau:

- Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;

- Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ trung bình trở lên;

- Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập.

Như vậy, hoàn toàn không có tiêu chuẩn về chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên mà đó chỉ là quy định riêng của từng trường. Nhiều sinh viên đã đưa ra ý kiến nên bỏ tiêu chuẩn này.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Ánh Hồng (Giảng viên bộ môn Tiếng Anh Pháp lý - Đại học Luật Hà Nội), đây chưa phải thời điểm thích hợp để bỏ yêu cầu đầu ra ngoại ngữ.

“Xét về mục đích, chuẩn đầu ra ngoại ngữ rất có lợi cho các bạn. Đó là động lực để các bạn nâng cao trình độ ngoại ngữ, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động và các nhà tuyển dụng, tránh tụt hậu. Ngoài ra, trong quá trình học tập tại bậc đại học, ngoại ngữ còn hỗ trợ các bạn tiếp cận đến những thông tin, nguồn tài liệu tiên tiến đạt chuẩn quốc tế”.

Cần có nhiều biện pháp hơn nữa để nâng cao năng lực công tác quản lý, giảng dạy. Làm sao cho sinh viên học được hiệu quả, học thực sự, hạn chế tiêu cực, “học giả bằng thật”, mua bằng.

Chia sẻ về bí kíp học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung, Tiến sĩ cho biết sinh viên nên nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ, khi đó sẽ có động lực và cảm thấy việc học trở nên thiết thực hơn.

Bên cạnh đó, môi trường học tập cũng là một yếu tố hỗ trợ tốt. Các bạn nên tìm bạn bè để học cùng, tập giao tiếp hằng ngày và động viên nhau phấn đấu. Sinh viên cần tìm đến những nơi uy tín, chất lượng để theo học. Nên tận dụng tất cả các nguồn để tiếp xúc với thứ tiếng đó thường xuyên.

Thời đại công nghệ phát triển, AI - trí tuệ nhân tạo - nếu được sử dụng đúng mục đích cũng sẽ là một công cụ đắc lực giúp các bạn học một cách hiệu quả.

“Các bạn nên chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng, học trong tâm thế thoải mái thì sẽ dễ tiếp thu hơn rất nhiều. Ngoại ngữ không đơn giản chỉ là một kỹ năng, nó là cánh cửa mang đến rất nhiều cơ hội cho tương lai thế hệ trẻ”, tiến sĩ Đỗ Thị Ánh Hồng nói.

Vĩnh Khánh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ti-le-sinh-vien-tot-nghiep-muon-do-thieu-chung-chi-ngoai-ngu-tang-cao-179240617222637442.htm