Tấm lòng dành cho trẻ mồ côi

Sự hỗ trợ kịp thời, sẻ chia ấm áp, bao dung của những người cha, người mẹ đỡ đầu đã giúp cho trẻ em mồ côi có điểm tựa trong cuộc sống. Những vòng tay ấy đã nâng đỡ, giúp các em vượt qua khó khăn, mất mát và thắp lên hy vọng về ngày mai tươi sáng.

Cha đỡ đầu của 15 đứa con

Buổi trưa một ngày tháng 6, gác lại công việc ở cơ quan, ông Bùi Ngọc Hưng (sinh năm 1982) - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) tranh thủ đến thăm nhà em Phạm Thị Yến Nhi (sinh năm 2011, trú thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây) - 1 trong 15 người con do ông nhận đỡ đầu. Thấy xe bố Hưng vừa đến cổng, Nhi cùng ông bà ngoại vui mừng ra đón. Xoa đầu con gái, ông Hưng ân cần hỏi han về tình hình học tập và đời sống của con. Khi Nhi được 6 tháng tuổi, mẹ đã gửi em cho ông bà ngoại nuôi dưỡng để đi làm kiếm sống. Sau này, mẹ Nhi có gia đình mới, sinh thêm một người con. Năm 2015, mẹ Nhi không may qua đời vì tai nạn giao thông, khi ấy, em chỉ mới 4 tuổi, còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau mất mát. Thương cháu mồ côi, ông Phạm Văn Long (sinh năm 1960) và bà Lê Thị Vân (sinh năm 1966) dù tuổi cao sức yếu nhưng hàng ngày vẫn cặm cụi lên rẫy, làm thuê để kiếm tiền lo cho cháu ngoại. Ngoài giờ học, Nhi đỡ đần việc nhà cho ông bà. Thương hoàn cảnh của Nhi và những trẻ mồ côi ở địa phương, ông Hưng đã nhận đỡ đầu cho 15 trẻ ở 7 thôn trên địa bàn xã với mức 500.000 đồng/tháng/em và còn tặng quà trong những ngày lễ, Tết. “Nhờ bố Hưng quan tâm, hỗ trợ hàng tháng mà ông bà có thêm kinh phí để mua sách vở, dụng cụ học tập và chăm lo cho cháu. Nhi rất chăm học nên chúng tôi ráng lo cho cháu học hành đến nơi đến chốn” - bà Vân tâm sự.

Dù bận rộn nhưng mỗi năm ít nhất 2 lần, ông Hưng gặp mặt, tổ chức sinh nhật cho các con được ông nhận đỡ đầu.

Dù bận rộn nhưng mỗi năm ít nhất 2 lần, ông Hưng gặp mặt, tổ chức sinh nhật cho các con được ông nhận đỡ đầu.

Ông Hưng chia sẻ, sinh sống và làm việc ở xã Ninh Tây hơn 30 năm qua nên ông hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của người dân nơi đây. Là Phó Chủ tịch UBND xã, ông thường xuyên vận động các mạnh thường quân giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Khi biết Hội Phụ nữ có Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận giúp đỡ, hỗ trợ trẻ mồ côi, ông liền tham gia. Hiện nay, các con do ông nhận đỡ đầu đang học từ mẫu giáo đến THPT, trong đó có 5 trẻ người Kinh và 10 trẻ người dân tộc thiểu số. Để có tiền hỗ trợ hàng tháng cho các con, ngoài đồng lương công chức, ông còn làm thêm nhiều việc như: Trồng keo, trồng mì và các loại nông sản, kinh doanh bất động sản… “Bản thân tôi ngay từ khi học lớp 6 đã tự lập, làm đủ việc để được đến trường nên hiểu những khó khăn, vất vả, cũng như tầm quan trọng của việc học. Vì vậy, tôi quan tâm tiếp sức cho các con đến trường để có kiến thức mai này có thể tự lo cho bản thân và gia đình” - ông Hưng cho biết. Dù công việc bận rộn nhưng mỗi năm ít nhất 2 lần, ông gặp mặt, tổ chức sinh nhật cho các con ngay tại nhà riêng của mình hoặc tại điểm vui chơi, giải trí. Ngoài hỏi thăm tình hình học tập, sức khỏe, ông còn cùng Hội Phụ nữ xã tổ chức nhiều hoạt động để các con vui chơi. Ông chỉ mong mình có nhiều nguồn lực hơn nữa để có thể hỗ trợ thêm nhiều trẻ mồ côi.

Mẹ đỡ đầu là dì ruột

Rời xã Ninh Tây, chúng tôi đến thăm nhà bà Nguyễn Thị Dần (sinh năm 1974, trú Tổ dân phố 14, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh). Bà Dần là dì ruột, cũng là mẹ đỡ đầu của em Nguyễn Thị Ngọc Hậu (sinh năm 2009). Sau tan vỡ của cuộc hôn nhân đầu, mẹ của Hậu vào miền Nam làm ăn, gặp ba em rồi chung sống như vợ chồng. Năm 2016, mẹ con Hậu về quê sinh sống, Hậu phải học lại lớp 1 vì trước đó không làm thủ tục chuyển trường. Về quê được 1 năm, mẹ em phát hiện mắc bệnh thận nặng. Thấy mẹ con chị gái quá khó khăn nên bà Dần đã đón về nhà chăm sóc. Mỗi tuần, mẹ chạy thận nhân tạo 3 lần là Hậu phải nghỉ học, đưa mẹ vào Nha Trang chữa bệnh. Về đến nhà, em tranh thủ mượn sách vở của bạn để chép bài. Gia đình anh trai Hậu cũng khó khăn nên gánh nặng đổ dồn lên vai bà Dần. Hàng ngày, bà buôn bán nhỏ để kiếm tiền trang trải cuộc sống của mẹ con bà và lo cho chị gái chữa bệnh. Năm 2020, mẹ của Hậu mất, bà Dần chăm sóc, dạy dỗ cháu thay người chị gái song sinh của mình. “Tuy khổ nhưng tôi cũng ráng lo cho cháu học hành để mai này có tương lai tươi sáng hơn” - bà Dần chia sẻ.

Biết ơn dì, Hậu luôn cố gắng học thật tốt và phụ giúp công việc nhà. Em cũng được Hội Phụ nữ thị trấn Vạn Giã tặng sách vở, quần áo và học phí nhân dịp năm học mới. Hậu tâm sự: “Nhờ tình thương của dì mà em dần nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Em chỉ mong học thật tốt để sau này có thể chăm sóc dì”.

Chương trình nhân văn

“Mẹ đỡ đầu” là một chương trình nhân văn, được các cấp hội phụ nữ triển khai từ tháng 1-2022. Các cấp hội đã triển khai chương trình bằng nhiều hình thức như: Trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ, ủng hộ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi; giúp đỡ trong quá trình học THPT hoặc kết nối đào tạo nghề sau tốt nghiệp THCS; phối hợp với các cơ quan hỗ trợ tư vấn dạy nghề, giải quyết việc làm cho các em sau đào tạo nghề; hỗ trợ học phí, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm; hướng dẫn các em và gia đình tiếp cận chính sách của Nhà nước... Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã kết nối nhiều đơn vị, mẹ đỡ đầu hỗ trợ cho gần 400 trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác với kinh phí hàng tháng từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng/em. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp mặt giữa mẹ đỡ đầu và các con; thường xuyên liên hệ với các mẹ đỡ đầu để trao đổi tình hình học tập, cuộc sống hàng ngày của các em. Bên cạnh đó, kết nối các nguồn lực để khám, chữa bệnh miễn phí cho 1.100 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh trong 10 năm với tổng trị giá hơn 20 tỷ đồng, trao sổ tiết kiệm, tặng học bổng, tặng quà… cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho trẻ em mồ côi.

Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho trẻ em mồ côi.

Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, việc chăm lo cho trẻ mồ côi có sự đóng góp rất lớn của các bố, mẹ đỡ đầu và sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhiều đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm... Các cấp hội luôn chủ động khai thác, vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em mồ côi. Từ đó, đã giúp đỡ cho nhiều trẻ mồ côi có điều kiện tiếp tục học tập, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình; huy động sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền và các ngành để có được nguồn lực cho việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn…

HÒA TRANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202406/tam-long-danh-cho-tre-mo-coi-62e0821/