Tỉ phú Branson 'nhanh chân' bay vào vũ trụ trước ông chủ Amazon Bezos vài ngày
Tỉ phú người Anh Richard Branson, ông chủ của Virgin Galactic sẽ bay vào vũ trụ cùng với 5 người khác vào ngày 11/7, sớm hơn người giàu nhất thế giới và là người sáng lập Amazon Jeff Bezos, 9 ngày, thông báo từ Virgin Galactic hôm 2/7 cho biết.
Thông cáo của Virgin Galactic cho biết, chuyến bay có người lái đầu tiên vào vũ trụ của hãng này sẽ diễn ra lúc 6h sáng ngày 11/7, giờ Thái Bình Dương (PT)- 21h, giờ Việt Nam.
"Hãy tham gia cùng chúng tôi vào ngày 11/7 để xem chuyến bay có người lái đầu tiên của chúng tôi và sự khởi đầu của kỉ nguyên không gian mới. Quá trình đếm ngược bắt đầu.", thông cáo của Virgin Galactic ngày 2/7, giờ Việt Nam, cho biết.
Đoạn video kèm theo thông cáo giới thiệu 6 thành viên phi hành đoàn của con tàu dưới quĩ đạo Virgin Space Ship Unity (VSS Virgin), bao gồm cả tỉ phú Branson.
Trước đó, Công ty vũ trụ Blue Origin của tỉ phú người Mỹ Jeff Bezos, ông chủ Amazon, tuyên bố, đã ấn định chuyến bay du lịch vũ trụ thương mại đầu tiên vào ngày 20/7, đánh dấu kỉ niệm 52 năm ngày Apollo 11 hạ cánh lên Mặt trăng.
Trong số các thành viên phi hành đoàn của phi thuyền 6 chỗ ngồi, ngoài tỉ phú Bezos và người em trai Mark, còn một hành khách giấu tên khác đã mua vé qua đấu giá với giá 28 triệu đô la.
Điều đáng lưu ý, cụ bà 82 tuổi Wally Funk, cựu phi công, huấn luyện viên bay chuyên nghiệp, cũng sẽ là 1 trong số thành viên chuyến bay, bay cùng tỉ phú Jeff Bezos trên phi thuyền New Shepard.
“Thực hiện mục tiêu cả đời là trở thành phi hành gia, Wally Funk sẽ du hành vào vũ trụ vào ngày 20/7 với tư cách là khách mời danh dự trên tàu New Shepard.”, thông cáo của Blue Origin nói.
Bà Funk đã cố gắng trở thành một phi hành gia vào đầu những năm 1960, khi đó bà là người trẻ nhất (21 tuổi) tốt nghiệp chương trình không gian dành cho phụ nữ, một dự án tư nhân nhằm tuyển chọn phụ nữ bay vào vũ trụ. Bà vượt qua các bài kiểm tra thể chất và tinh thần với kết quả xuất sắc. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, bà đã không thể thực hiện chuyến bay vào vũ trụ.
Năm 2012, bà bỏ tiền túi để trở thành một trong những người đầu tiên bay vào vũ trụ qua Virgin Galactic.
Vào ngày 1/7, Blue Origin thông báo rằng, Funk sẽ bay trên chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên của New Shepard với tư cách khách mời danh dự. Bà sẽ là người lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ, kế tục kỉ lục của John Glenn ở tuổi 77 vào năm 1998.
Trở lại chuyến bay của tỉ phú Branson, các thông tin tự giới thiệu cho thấy, mô hình chuyến bay tới rìa không gian của Virgin Galactic hơi khác so với công ty Blue Origin của nhà sáng lập Amazon.
Phi thuyền New Shepard của Blue Origin được đưa lên quĩ đạo bằng hệ thống tên lửa đẩy tái sử dụng. Khi đạt quĩ đạo, khoang hành khách tách ra, sau đó trở về trái đất bằng dù. Trong khi phi thuyền Unity của Virgin Galactic được thiết kế như một máy bay, gắn động cơ tên lửa. Nó được máy bay hai thân (tàu mẹ) mang lên bầu trời và phóng đi ở độ cao khoảng 13km. Sau khi đạt độ cao khoảng 100km, nó sẽ quay trở lại Trái đất, hạ cánh xuống đường băng như một máy bay thông thường.
Chuyến bay thử nghiệm ngày 5/4/2018 phi thuyền Unity đã đạt tốc độ 1,87 Mach (2.180km/h).