Tỉ phú gà tre
Tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, có công việc ổn định ở công ty lớn nhưng Nguyễn Quang Nam (SN 1984, ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) nghỉ việc, lập trang trại nuôi gà tre Tân châu. Anh là một trong những người đầu tiên đưa gà tre ra miền Bắc, người dân địa phương vẫn quen gọi Nam là 'tỷ phú gà tre'.
Bỏ nghề kỹ sư đi nuôi gà
Cơ sở 2 trại gà tre của Nam tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Chủ trại gà 8x hào hứng cho biết năm tới là năm con gà (năm Dậu) nên người mua gà tre làm cảnh tăng đột biến. Mặc dù từ đầu năm đã chuẩn bị nguồn nhưng trang trại vẫn “cháy” hàng.
Nhìn Nam thoăn thoắt quét dọn chuồng trai, bắt từng con gà kiểm tra không một tiếng kêu, ít ai biết rằng anh từng là kỹ sư tin học. Nam tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, sau đó làm việc tại công ty lớn ở Hà Nội, lương mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Thời điểm 2006, công việc và mức thu nhập của Nam là niềm mơ ước của nhiều người.
Sau những giờ phút cặm cụi trên bàn phím, Nam thư giãn bằng thú vui chơi gà cảnh. Nam kể đam mê gà từ bé. Khoảng năm 2006, anh biết đến giống gà tre Tân châu nổi tiếng đẹp mã ở miền Nam, có nguồn gốc ở An Giang.
Chỉ một thời gian ngắn sau, những con gà tre đầu tiên được một số “tay chơi” tuyển về đất Bắc. “Mê gà nên mình cũng dành dụm mua cho mình một con gà tre. Giá mỗi con gà tre được đánh giá “tạm ổn” lúc đó trên dưới 5 triệu đồng, thậm chí gà đẹp còn cao hơn, có con trị giá năm, bảy mươi triệu là bình thường”, Nam kể.
Mê mẩn vẻ đẹp sặc sỡ, thân thiện của giống gà tre đến nỗi có những lúc Nam quên khoắng công việc. Cũng từ những chuyến giao lưu thi thố gà cảnh, chàng kĩ sư tin học nhận thấy rất nhiều người mê gà tre. Tuy nhiên vì gà giống đắt, phải vận chuyển từ miền Nam ra nên không phải ai cũng có điều kiện thỏa chí đam mê. Từ đó anh có ý định nuôi gà tre ở Hà Nội rồi cung cấp cho người chơi, vừa thỏa đam mê vừa phát triển kinh tế.
Khi biết chắc chắn ở miền Bắc chưa có trang trại gà tre nào, anh nhận định thị trường gà tre ở miền Bắc đang “vắng chủ”. Nam âm thầm tìm hiểu thị trường, lên mạng tìm hiểu đặc tính cũng như cách chăm sóc gà tre. Kỳ công hơn, anh vào tận An Giang là đất tổ của giống gà này ghi chép kinh nghiệm thực tế.
Chỉ một năm sau, Nam chủ động giảm dần công việc ở công ty rồi xin chỉ làm cộng tác viên để có thời gian tìm hiểu gà tre. Khi biết kế hoạch chuyển hướng phát triển trang trại gà cảnh, gia đình anh đều ngăn cản quyết liệt, cho rằng Nam “có vấn đề thần kinh” bởi đang yên đang lành lại bỏ việc đi nuôi gà.
Nam nói khó biết dùng từ ngữ nào tả hết áp lực với anh lúc đó. May mắn người vợ dần ủng hộ anh. Đấy có lẽ là động lực duy nhất để Nam bỏ việc đi làm trang trại.
Thời gian đầu, Nam vẫn nhận công các dự án viết phần mềm về nhà làm để có thu nhập trang trải thú vui nuôi gà cảnh. Anh cũng vào tận An Giang chọn mua những con gà tre đầu tiên về nuôi thử.
“Bây giờ nghĩ lại mình thấy mình liều lĩnh, cơ hội thành công lúc đó chắc chỉ 50/50. Lần đầu chuyển gà từ miền Nam ra, gà hay bị “ngã nước” hay “lạ nước”, tức con gà đột ngột không ăn mà ốm đau. Cứ mười con gà chỉ sống sót bốn con là may. Gà đi đường dài đã mệt nên không ăn uống được. Đã thế con gà miền Nam quen nắng ấm không chịu nổi cái rét miền Bắc”, Nam nhớ lại.
Kinh nghiệm thành công
Rút kinh nghiệm, những lần sau Nam vận chuyển gà giống vào mùa hè, rồi tập cho gà quen khí hậu miền Bắc. Anh chia sẻ mỗi khi gần đến thời điểm chuyển mùa sẽ cho gà uống bổ sung vitamin, cho ăn thêm thực phẩm tăng sức đề kháng như gừng, tỏi. Đồng thời che chắn chuồng trại kín gió bởi giống gà tre rất “sợ” gió. Nhờ đó những cặp gà đợt sau khỏe mạnh, sinh đẻ ổn định.
Kinh nghiệm được Nam đúc rút là khi gà mẹ đã thuần khí hậu miền Bắc thì những con gà con sinh ra cũng dễ thích nghi hơn. Bởi vậy anh chuyển hướng lai tạo chủ động nguồn giống tại chỗ chứ không hoàn toàn mua từ miền Nam ra.
Từ năm cặp gà ban đầu, chàng kỹ sư tin học quyết định dồn số tiền tích cóp mở trang trại trên khu vườn gia đình ở xã Đông Ngạc. Song song với quá trình thuần gà giống, Nam một mặt tìm kiếm thị trường. Anh chia sẻ trước tiên đã tận dụng mạng lưới những người cùng chơi gà để “quảng cáo” sản phẩm. Với lợi thế tin học, Nam lập website, mua tên miền dễ nhớ để giới thiệu gà tre ra cộng đồng.
Với đủ “chiêu” tiếp thị như thế, chỉ sau một thời gian ngắn, giới chơi gà ở miền Bắc dần biết tới Nam “gà tre”. Số lượng người chọn nuôi gà tre làm cảnh cũng tăng dần. “Nhờ chủ động nguồn giống tại chỗ nên giá thành gà tre giảm hơn nửa. Nhờ đó những người bình dân vẫn có thể chọn cho mình con gà tre phù hợp”, Nam giải thích.
Sau 10 năm chuyển nghề, Nam có trong tay hai trang trại gà ở xã Đông Ngạc và ở huyện Mê Linh với tổng cộng hơn 1000 con gà tre đủ kiểu dáng, màu sắc. Được hỏi về thu nhập, “tỷ phú gà tre” mỉm cười: “Mỗi tháng trừ các chi phí cũng lãi trên dưới 60 triệu đồng, vợ mình trước đây buôn bán cũng bỏ nghề cùng chồng phụ trách trang trại. Gia đình phải thuê thêm bốn nhân công phụ chăm sóc gà, gửi gà cho khách”.
Chỉ vào chồng thùng giấy đục thủng, Nam “khoe”: “Đấy là thùng nhốt gà gửi cho khách ở xa, người mua gà tre ở nước ngoài cũng nhiều lắm. Họ khen giống gà tre của Việt Nam. Mình đăng ảnh lên trang web rồi khách hàng lựa chọn, sau đó trang trại chuyển hàng và người ta chuyển khoản thanh toán. Mình lợi thế công nghệ thông tin nên những việc này khá đơn giản”.
Những năm gần đây, Nam tích cực mở rộng thị trưởng bằng những chuyến đi dài ngày về các tỉnh lân cận mở triển lãm giới thiệu gà tre. Nam cũng tích cực giao lưu, kết bạn với các câu lạc bộ gà tre để hỗ trợ kĩ thuật cũng như trao đổi kinh nghiệm.
Chia sẻ dự định sắp tới, Nam cho biết sẽ tiếp tục lai tạo để cho ra đời nhiều con gà tre có màu sắc đẹp, theo sở thích người chơi. Anh nói người chơi gà tre ngày nay không những chọn gà đẹp mà màu sắc phải hợp phong thủy với mệnh chủ.
Bên cạnh đó Nam vẫn duy trì gà tre thuần chủng, tích cực cải tạo ngoại hình. Anh lấy ví dụ như ghép con gà có đuôi dài với con gà có bộ mã đẹp để tìm thế hệ gà con vừa có đuôi dài vừa đẹp mã. “Nói thì dễ nhưng quá trình lai tạo này phải mất mấy năm trời, cứ thấy con gà nào có đặc điểm gì đẹp thì ghép với nhau để tìm gà con hoàn hảo. Sau đó giữ những con gà này để ổn định nguồn gen. Mỗi lứa như thế chỉ tìm được vài con như ý muốn, khi gà ổn định gen thì số lượng gà con sinh ra đạt chuẩn tăng lên”, Nam giải thích.
Anh bật mí kinh nghiệm bản thân trước tiên phải tìm hiểu tông dòng của gà, tiếp đó phải quan sát để biết tính khí của chúng rồi mới chọn gà để ghép. Còn kĩ năng chăm sóc gà, Nam cho biết cần vệ sinh chuồng trại sạch bởi gà tre ưa sạch. Hơn nữa chuồng trại khô thoáng để giữ bộ lông của gà đẹp lâu, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường gặp.
Anh chia sẻ về kế hoạch tương lai: “Vợ chồng mình luôn hướng tới chất lượng để giữ uy tín lâu bền. Đồng thời cố gắng hạ giá thành để mọi tầng lớp xã hội từ sinh viên đến người giàu đều có thể mua gà tre nuôi cảnh. Với bản thân mình kinh doanh thu lợi nhuận nhưng còn phải chia sẻ niềm đam mê”.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/ti-phu-ga-tre-312653.html