Tỉ phú Thái 'thâu tóm' nhà máy nước sông Đuống, nhiều vấn đề đặt ra

Việc nhà đầu tư Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần Công ty CP Nước mặt Sông Đuống làm dấy lên những lo ngại về an ninh nguồn nước sinh hoạt

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng nước sạch là vấn đề an ninh quốc gia nên cần hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục kinh doanh có điều kiện để kiểm soát chặt.

Tỉ phú Thái Lan thâu tóm

Công ty CP Nước mặt Sông Đuống thành lập năm 2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước. Theo danh sách cổ đông thành lập, Tập đoàn Aqua One nắm giữ 58% vốn. Bên cạnh đó, còn có các cổ đông sáng lập khác gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%), Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (nhà đầu tư ủy thác góp vốn 27%).

Doanh nghiệp này đã có sự thay đổi về cổ đông khi Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được xây dựng và đi vào hoạt động. Cổ đông sáng lập là Công CP Đầu tư Việt Nam - Oman đã không còn xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là doanh nghiệp WHAUP (SG) 2DR Pte. Limited (Thái Lan) với tỉ lệ sở hữu 34%. Bà Jareeporn Jarukornsakul, nữ tỉ phú Thái Lan, hiện là Chủ tịch HĐQT.

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống - nơi tỉ phú Thái Lan đang nắm giữ 34% cổ phần Ảnh: BẠCH HUY THANH

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống - nơi tỉ phú Thái Lan đang nắm giữ 34% cổ phần Ảnh: BẠCH HUY THANH

Ở diễn biến mới nhất, bà Đỗ Thị Kim Liên không còn là tổng giám đốc của doanh nghiệp này, thay vào đó là ông Tạ Đức Hoàng, doanh nhân sinh năm 1980. Trong danh sách người quản lý khác của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống cũng có sự thay đổi, đặc biệt xuất hiện các cá nhân có quốc tịch Thái Lan. Cụ thể, ông Wisate Chungwatana, ông Vivat Jiratikarnsakil, bà Jareeporn Jarukornsakul đều là thành viên HĐQT và ông Natthapatt Tanboon-Ek là thành viên Ban Kiểm soát.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ: "Doanh nghiệp có thực sự đầu tư vào các dự án nước sạch vì người dân hay vì mục tiêu lợi nhuận, sau đó đẩy rủi ro về phía người dân?".

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng những lĩnh vực then chốt như nước sạch cần xem xét hạn chế chuyển nhượng cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. "Hạn chế có nghĩa là không cho họ đa số và mức sở hữu của người nước ngoài phải được khống chế. Ở những đô thị lớn, an ninh nguồn nước sạch là vấn đề rất hệ trọng, nếu các nhà đầu tư nước ngoài vào, họ có thể chuyển nhượng qua lại. Ở một số quốc gia, họ thiết kế luật để ngăn chặn những giao dịch, chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không loại trừ khả năng nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch vì mục tiêu lợi nhuận mà xem nhẹ những mục tiêu vì người dân. Những lo ngại của người dân về an ninh nguồn nước khi có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn là có cơ sở. Tuy nhiên ở mặt tích cực, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cũng là tốt nếu đó là những doanh nghiệp uy tín. "Quan trọng nhất vẫn là sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước trong hoạt động của các nhà đầu tư" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Siết chặt kinh doanh nước sạch

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nước sạch là vấn đề an ninh hệ trọng đối với người dân nhưng còn nhiều sơ hở về pháp luật. "Nước sạch chưa được đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi cho đây là sơ hở. Nước sạch liên quan đến vấn đề sức khỏe hằng ngày. Chúng ta đang đấu tranh về thực phẩm bẩn, về dược phẩm giả nhưng chúng ta lại thả nổi lĩnh vực này. Trong khi đây là lĩnh vực có tác động ngay lập tức, hằng ngày đến người dân, từ trẻ sơ sinh cho đến người già, từ người khỏe mạnh đến người bệnh" - ông Trương Trọng Nghĩa nói. Ông kiến nghị bổ sung kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm soát chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Sau sự cố nước sạch sông Đà ô nhiễm, ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân ở TP Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cũng kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư lần này cần rà soát chặt chẽ và luật hóa các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch. "Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố" - bà Thu nhấn mạnh. Bà Thu đề nghị Ban Soạn thảo rà soát kỹ danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh mục cấm đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các ngành nghề đầu tư kinh doanh liên quan đến sức khỏe con người.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc bổ sung kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết. Sự cố về nước sạch ở TP Hà Nội vừa qua đã cho thấy những bài học rất đắt về quản lý lĩnh vực này. Do đó, việc siết chặt điều kiện kinh doanh của lĩnh vực này là việc làm cấp thiết của các cơ quan quản lý.

Ảnh hưởng đến giống nòi

ĐB Đinh Duy Vượt - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH - đánh giá việc bổ sung kinh doanh nước sạch vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết, cấp bách. Nước sạch liên quan đến sức khỏe, môi trường và giống nòi nên cần siết chặt quản lý. Đồng thời, cần có quy định để các nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch. "An ninh nguồn nước rất quan trọng, nếu chúng ta quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng đến giống nòi" - ĐB Đinh Duy Vượt nói.

TP HCM: Lập hệ thống nguồn nước dự phòng

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, hiện tổng công suất thiết kế các nhà máy cấp nước cho TP đạt 2,4 triệu m3/ngày đêm nhưng thực tế tiêu thụ chỉ 1,9 triệu m3/ngày đêm. Nguồn nước được lấy từ 2 con sông chính là Đồng Nai (hồ Trị An) và Sài Gòn (hồ Dầu Tiếng). Mỗi sông đều bố trí các nhà máy lấy nước ở những vị trí khác nhau.

Mới đây, sau sự cố ô nhiễm nguồn nước tại TP Hà Nội, Sở Xây dựng TP HCM đã có báo cáo về kế hoạch cấp nước an toàn, bảo đảm an ninh nguồn nước. Khó khăn nhất hiện nay là vị trí khai thác nước nằm cuối lưu vực sông. Nếu đầu nguồn xảy ra ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp dễ đe dọa việc cấp nước cho toàn bộ dân cư TP HCM.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) cho biết lo lắng nhất là tình trạng ô nhiễm tác động bởi các công trình dọc sông gia tăng. "Mặc dù tăng cường giải pháp bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn, có chiều hướng xấu đi. Chỉ tiêu ammonia, hữu cơ, vi sinh, mangan... trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng" - báo cáo của SAWACO nêu.

Về tình hình thực tế, SAWACO cho hay hiện nguồn nước cung cấp cho hơn 10 triệu dân TP HCM được kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ quy trình xử lý đến đầu ra tại nhà máy. Các nhà máy đều trang bị hệ thống giám sát, điều khiển vận hành SCADA tự động hóa. Tại các điểm cấp nước đều có hệ thống quan trắc tự động và sớm phát cảnh báo khi có dấu hiệu bất thường. Đơn vị này sử dụng công nghệ giám sát online và lấy mẫu kiểm tra định kỳ. Ngoài ra còn có sự giám sát độc lập từ Trung tâm Y tế dự phòng TP và cấp quận - huyện.

Thực tế, tại TP đã xảy ra vài lần sự cố ô nhiễm nước và từng dừng hoạt động cấp nước ở một số nhà máy. Đơn cử, Nhà máy Nước Tân Hiệp cách đây không lâu phát hiện nhiễm mặn ở sông Sài Gòn, phải đóng cửa.

SAWACO đã xây dựng nhiều kịch bản chống ô nhiễm nguồn nước. Trong đó, chuẩn bị sẵn các nguồn nước dự trữ lấy từ các dòng sông khác, công suất nhỏ. Phối hợp đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng xả nước rửa mặn, tạo phao ngăn, thu dầu và chất thải... Hiện đang xây dựng các bể chứa nước sạch lớn trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước để phục vụ điều tiết và dự phòng khi xảy ra sự cố ở các nhà máy xử lý nước.

L.Phong

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nuoc-sach-dau-phai-ai-cung-duoc-kinh-doanh-20191120211539615.htm