Tỉ phú Trung Quốc: Kẻ khóc, người cười
Các tỉ phú Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ bị sụt giảm tài sản nghiêm trọng sau khi chính phủ siết chặt quản lý.
Ngược lại, các tỉ phú hoạt động trong những lĩnh vực được xem là ít rủi ro hơn và được chính phủ hậu thuẫn chứng kiến khối tài sản của họ gia tăng, thậm chí hưởng nhiều lợi ích.
Thời báo Tài chính (FT) cho biết tài sản của các tỉ phú trong lĩnh vực công nghệ giảm 87 tỉ USD giai đoạn từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8 năm nay.
Dữ liệu do Bloomberg thu được cho thấy tổng tài sản của 24 tỉ phú công nghệ và công nghệ sinh học Trung Quốc đã giảm 16% kể từ cuối tháng 6-2021 - thời điểm dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi Chuxing công khai đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ.
Trong khi các tỉ phú công nghệ Trung Quốc như Mã Hóa Đằng (chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn Tencent) và Hoàng Tranh (người sáng lập Công ty Thương mại điện tử Pinduoduo) chứng kiến khối tài sản của mình "bốc hơi" hàng tỉ USD, các tỉ phú hoạt động trong những lĩnh vực được xem là ít rủi ro hơn và được chính phủ hậu thuẫn lại gặp vận may. Chẳng hạn người sáng lập đế chế đồ uống Trung Quốc Nongfu Spring, ông Chung Thiểm Thiểm, tăng thêm 5 tỉ USD tài sản (lên 72 tỉ USD) kể từ cuối tháng 6 năm nay.
Ngoài ra, 9 tỉ phú giàu nhất trong ngành công nghiệp tự động của Trung Quốc "bỏ túi" 22 tỉ USD kể từ tháng 7 năm nay sau khi Bắc Kinh hỗ trợ ngành công nghiệp này và tập trung vào xe điện.
Một doanh nhân khác là ông Vương Truyền Phúc, người sáng lập Công ty BYD sản xuất ôtô và pin sạc, cũng tăng tài sản thêm 4,4 tỉ USD lên 25 tỉ USD. Riêng 8 tỉ phú thống trị ngành năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh của Trung Quốc cũng chứng kiến tài sản tăng tổng cộng 13,6 tỉ USD trong giai đoạn này.
Giới phân tích cho rằng chính phủ Trung Quốc khó có thể giảm bớt áp lực lên các tỉ phú công nghệ vào nửa cuối năm 2021. Trung Quốc hiện có hơn 1.000 tỉ phú, gấp đôi so với 5 năm trước, nhờ sự phổ biến của các nhóm công nghệ thành công. Tuy nhiên, sau việc siết quản lý gần đây của Bắc Kinh, mức độ ưu tiên giữa các lĩnh vực đang dịch chuyển.