Tia sáng cuối đường
1. Cu Ka hồi nhỏ mặt mày sáng sủa, tính hiếu động, thích khám phá, đi học được thầy cô khen nhiều. Tuy nhỏ nhưng sớm bộc lộ hoa tay, viết chữ đẹp, vẽ đẹp, hát tốt lại còn thích nhảy. Hết Tiểu học, năm nào cu cậu cũng được thầy cô khen. Tôi cũng được an ủi nhiều, thấy đánh đổi thanh xuân như vậy là quá lời. Nhưng cuộc sống vẫn chưa yên ổn với một người mẹ trẻ đơn thân nên tôi phải có những chuyến xê dịch, mong tìm chỗ nương náu lâu dài.
Liên tục ba năm mẹ dọn nhà, ba năm con phải đột ngột chuyển trường. Từ núi về đồng, từ xã ven sông về trung tâm thị xã là cả một hành trình đoạn trường của mẹ nhưng con bắt đầu tụt dốc chuyện học. Mặt trái của tấm huy chương đã lộ diện. Tư cách mẹ, tôi buồn nhiều. Làm mọi cách, cứng rắn, mềm mỏng, khuyến khích, răn đe, vỗ về, động viên… sao cũng không hiệu quả.
Nhiều người nói “mẹ làm thầy, con bán sách”. Mỗi lời nói như một nhát dao. Tôi nằm đêm mất ngủ vì bất lực. Mỗi lần thấy con ngồi vào bàn học nhưng tâm hồn để ngoài đường thì tôi lấy hết phước lực của mình, cầu mong có một phép màu nào đó chỉ dẫn, để con tìm thấy động cơ học tập.
2. Với sức học tầm tầm, rồi con cũng hết lớp 9.
Năm học này là một năm học đặc biệt. Nó đặc biệt khi kỳ thi tuyển cấp được tổ chức giữa lúc Covid đã có dấu hiệu lây lan. Thật may. Những cố gắng đã được đền đáp xứng đáng. Kỳ thi an toàn, hiệu quả. Nhưng tôi buồn nhiều vì con không đủ điểm vào trường huyện. Là cô giáo, câu hỏi tôi sợ nhất là “Con em bao nhiêu điểm, đậu trường nào?”. Tôi cười miễn cưỡng, dạ con em rớt. Không phải bây giờ mà đã lâu rồi, tôi rất sợ những câu hỏi liên quan đến học tập của con. Đã hàng ngàn lần bị đưa vào thế bí “Con cô giáo mà không giỏi thì con ai giỏi??”, tôi chỉ biết cười như mếu.
Tôi bị áp lực rất lớn. Ba tôi la, cô giáo mà không kèm không chỉ, để con học dở rồi dạy được ai. Chú tôi trách: làm cô giáo mà để con như vậy. Bạn tôi bức xúc: có một đứa con mà không dành thời gian chỉ con học, cấp 2 mất gốc, mai mốt vào lớp 10 học sao. Trời ơi, tôi muốn tìm chỗ nào đó để đập phá, chắc đó là cách duy nhất để phá vỡ cục đá to đang đè nặng lồng ngực nhỏ bé này. Không được thông cảm, bị công kích vì những điều ngoài tầm tay, tôi suy sụp tới mức khủng hoảng.
Không tính là một cô giáo, với tư cách mẹ, tôi cũng thèm cuối năm được khoe giấy khen, phần thưởng trên facebook như bạn bè vẫn thường làm chứ, kết quả học lực cuối năm của con là niềm hãnh diện to lớn của bố mẹ mà. Xin đừng trách cứ tội nghiệp. Tôi đề cao tri thức thì sao không quan tâm chuyện học của con. Tôi đã tận nhân lực nhưng con không hợp tác thì chịu. Chuyện học rất khó ép. Ý thức của con là chính, mình hỗ trợ, định hướng, tạo điều kiện chứ đâu thể học dùm con được.
Nhiều người bảo, nó không học thì treo cổ lên đánh. Trời trời!! Nếu đơn giản vậy thì khỏe quá. Dù phản đối kịch liệt chuyện dạy con bằng roi vọt nhưng tôi ước giá chỉ cần roi vọt vào là con học giỏi, chắc tôi cũng bấm bụng mà làm. Tôi đâu thể lấy cách của bạn áp dụng cho con tôi được, cơ địa mỗi đứa trẻ mỗi khác mà. Tôi cũng từng kèm con học rồi, con tối dạ, giảng rất lâu, có khi cũng không hiểu. Chính vì học dở nên không hứng thú với chuyện học. Tới buổi học, con miễn cưỡng lật vở, thái độ không muốn nghe giảng. Chưa hết, nếu giao bài tập thì làm lấy có, không quan tâm đúng sai. Có một lần, một kiến thức rất đơn giản nhưng con khó nhọc, nghĩ không ra, tôi nổi đóa hét, con học hành sao mà chút kiến thức đơn giản vậy cũng bí. Giáo viên ở trường mẹ dạy, mỗi con mẹ là học sinh trung bình đấy. Nói tôi xong biết mình lố, vì giận quá mà không quản lý được lời nói. Chiều đó đi dạy về, tôi thấy bức thư bỏ trên bàn. Con trai bảo sẽ không làm cho mẹ phải xấu hổ nữa, đừng tìm con. Tôi rớt “bịch” xuống đất chứ đôi chân không thể đứng được nữa.
Tôi sẽ không bao giờ quên đêm mưa đó, tôi đi tìm con. Lục hết các quán nét, nhà bạn, tìm không ra, tôi ngồi khóc và hối hận khi đã đem con ra so sánh. Tìm được con ở nhà nội, thằng nhỏ lớp 8, đạp xe trong mưa gần bốn mươi cây số về nội, tôi không kìm được nước mắt. Từ hôm đó, tôi chỉ còn dám nhắc con học chứ hết dám can thiệp vào việc học của con nữa. Lúc đó, tôi lại nghĩ, rõ ràng con cũng muốn thông minh học giỏi cho mẹ hãnh diện nhưng giờ học không vào thì biết làm sao. Nghĩ vậy nên tôi chấp nhận chứ không còn cách nào. Nếu con không thể tiến thân bằng con đường chữ nghĩa (như mong mỏi to lớn của mẹ) thì con sẽ đứng trên chân mình bằng cách khác, miễn lương thiện - tôi sẽ ráng giữ gìn đạo đức cho con vậy.
3. Dù hỏng kỳ thi tuyển cấp nhưng chàng trai lười của mẹ vẫn hóng ngày được đi học. Trường mới, lớp mới, thầy cô, bạn bè, cặp vở, xe đạp mới… tất cả những thứ mới mẻ đó chắc đã làm con háo hức. Hay tại giãn cách ở nhà nhiều cuồng chân, giờ muốn ra ngoài kết bạn, giao lưu. Có lẽ là cả hai. Cứ một hai ngày lại kiểm tra đồ đạc, cặp vở như một đứa trẻ hiếu học. Khi biết tin sẽ học online, mới đầu chàng trai cũng ít nhiều thất vọng, nhưng sau nghĩ sao lại nói với mẹ, vậy cho yên tâm, khi dịch giã còn chưa yên.
Ngày khai giảng năm học đầu tiên ở trường trung học phổ thông, cô trò lớp 10A3 gặp gỡ nhau trên ứng dụng Microsoft Teams, khai giảng tại nhà nhưng thấy không khí cũng rôm rả.
Xin lỗi cô giáo chủ nhiệm, xin lỗi đồng nghiệp vì cô giáo mẹ có “lén dự giờ”. Mọi sự có vẻ ổn hơn tôi tưởng. Học trò online khá nhiều, ăn mặc cũng tươm. Cô trò làm quen, trò chuyện, tương tác. Cậu học sinh nhà tôi ngồi trước màn hình và miệng cười không ngớt. Kết thúc buổi khai giảng đặc biệt đó, chàng trai của mẹ kể về những người bạn cùng lớp, bạn này nói này bạn kia nói kia, hẹn nhau chừng nào đi học sẽ thế này thế nọ. Đặc biệt, chàng trai rất phấn khởi khoe cô giáo chủ nhiệm rất vui tính. Tôi không hy vọng nhiều ở sự thay đổi của con nên nở một nụ cười miễn cưỡng rồi nói: giờ đã là nam sinh lớp 10 rồi, phải cố gắng nghe con. Tôi thật không muốn nói nữa, tại nói nhiều quá rồi. Giờ nói thì sợ thừa, không nói lại thành thiếu, cuối cùng phải tha thiết: các con là những đứa trẻ sinh phải “thời Covid”. Sau này lớn lên, nó sẽ là ký ức để các con kể cho thế hệ sau mình. Câu chuyện ngày sau của con sẽ như thế nào, đã đứng dậy vững vàng hay đổ gục vì Covid-19 sẽ do những ngày đầu tiên của năm học này quyết định. Những ngày học online sẽ là những viên gạch đầu tiên cho tòa nhà cấp trung học phổ thông của các con. Sẽ không quá muộn để bắt đầu và con cũng gần hết cơ hội để bắt đầu lại việc học.
Hôm sau, tôi thấy chàng trai lười của mình dậy sớm. Sau khi lo xong những công việc buổi sáng thì lại vào máy ngồi, nói với mẹ, “nay con bận rộn lắm nghe”. Học trò vào máy đợi cô giáo bắt đầu buổi học online đầu tiên. Khi cô giáo vào, những tiếng ồn ào, tiếng nhạc đều tắt hết. Tôi lại “dự giờ từ xa”. Nghe cô giảng bài, không biết hiểu tới đâu nhưng tôi thấy con trai mở vở ghi chép, có một hai trò tương tác với cô. Ông xã (ba dượng) thấy con học online cũng nán lại nhìn. Thấy con ngồi im nghe thì hỏi sao không tương tác. Con trả lời, cái mic máy con nó bị sao sao, lúc nói được lúc không. Ok, học đi, để lát ba coi lại cho.
Chiều hôm đó, tôi thấy chồng ngồi gọi điện chỗ nọ chỗ kia, loay hoay mướt mồ hôi bên chiếc máy tính cũ. Tôi lại hỏi thì anh bảo lỗi win, đang cài lại. Đã qua giờ cơm chiều vẫn ngồi cài thêm phần mềm diệt vi rút, tải ứng dụng về cho con học online. Tôi phàn nàn chuyện đã gần 10h tối chưa ăn cơm, anh hét, lo máy cho sáng mai con nó học chớ cơm nước gì. Nghe giọng anh thì tôi hiểu, khôn hồn thì im lặng để anh làm.
Sáng, tôi còn đang tập thể dục thì chàng trai đã hớn hở chạy ra khoe, máy tính của con bữa nay như máy tính mẹ vậy, chạy win 10 rồi. Ha ha ha… Cu cậu nói rồi cười toe như một đứa trẻ.
Tôi ngồi từ xa, nhưng vẫn không rời mắt khỏi con. Hôm nay, ngoài việc nghe, ghi, chàng học trò còn tương tác với cô một đôi câu.
Không biết có lạc quan hão hay không nhưng hình như việc học online là lạ, hợp với tâm lý chàng trai hướng ngoại của mẹ. Chắc là ít nhiều có cảm giác như mình đang khám phá điều kỳ lạ gì đó của cuộc sống nên không thấy con ngủ gật trong giờ học như một số bức tranh biếm họa. Đặc biệt xong buổi học sáng nay, câu đầu tiên con trai nói với mẹ là: mai mốt lịch sử sẽ ghi tên, tụi con là những thế hệ học sinh thời Covid, nói rồi cười hi hi tắt máy.
Chiều nay lại thấy chàng trai ngồi vào máy, lại câu quen thuộc “ngó vậy chứ nay con bận rộn lắm!!!”. Tôi nhìn con, nở một nụ cười khích lệ...