Tích cực bảo vệ các loài chim hoang dã

Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã. Vì vậy, tình trạng bẫy bắt, mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm ven biển tuyên truyền, vận động người dân xã Quảng Lưu (Quảng Xương) giao nộp lưới giăng bẫy chim hoang dã.

Trước đây, xã Quảng Lưu (Quảng Xương) là một trong những địa bàn trọng điểm của nạn bẫy bắt, mua bán chim hoang dã. Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND xã đã thành lập tổ phản ứng nhanh kiểm tra, kiểm soát các hành vi bẫy bắt, sử dụng các dụng cụ, lưới bắt chim, vận chuyển, buôn bán các loài chim bản địa, chim di cư hoang dã. Tổ chức kiểm tra gom lưới giăng và các dụng cụ bẫy bắt chim. Tại các ngã ba, ngã tư, chợ và các nhà hàng tổ chức mua, bán chim, yêu cầu các hộ, cá nhân dừng ngay các hoạt động mua, bán. Kiểm tra, rà soát các hộ dân, cá nhân đang sử dụng bẫy, lưới vây và các dụng cụ bẫy bắt khác để vận động giao nộp và ký cam kết không tham gia bẫy bắt chim hoang dã.

Anh Trần Ngọc Định, thôn Giang Tây, xã Quảng Lưu, cho biết: Những năm trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa tôi thường mua lưới ra đồng giăng bẫy bắt chim, cò về làm thức ăn. Được chính quyền xã tuyên truyền, vận động tôi không tham gia giăng bẫy săn bắt chim nữa. Các dụng cụ bẫy, bắt chim, cò tôi đã chủ động tiêu hủy. Đồng thời, đến UBND xã viết bản cam kết chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ các loài động vật hoang dã và các loài chim hoang dã. Tích cực vận động người thân, gia đình, bạn bè không bẫy bắt, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã; tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và săn bắn, bẫy bắt các loài chim hoang dã.

Hằng năm, tại các địa phương ven biển vào mùa mưa bão và sau vụ lúa thu mùa (vào các tháng 7, 8, 9) thường có hiện tượng chim di cư từ biển vào. Vì vậy, ở một số xã, phường vẫn còn xảy ra tình trạng giăng lưới, bẫy sập, cò giả, loa điện để bẫy bắt gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hạt Kiểm lâm ven biển là đơn vị được phân công quản lý bảo vệ rừng và các loài động vật hoang dã trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương và TP Sầm Sơn đã tham mưu cho các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn các loài chim hoang dã; xử lý các hành vi vi phạm... Trên cơ sở đó, các địa phương đã thành lập 63 tổ kiểm tra liên ngành với 671 người tham gia. Trong đó, huyện Quảng Xương 13 tổ; huyện Hoằng Hóa 41 tổ và TP Sầm Sơn 10 tổ. Thực hiện phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh 440 lần để tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã đến các tầng lớp nhân dân biết, thực hiện. Đồng thời, triển khai cho 97 hộ ở huyện Quảng Xương, 283 hộ ở huyện Hoằng Hóa và 71 hộ ở TP Sầm Sơn ký cam kết không tham gia bẫy bắt chim hoang dã. Từ đầu năm đến ngày 3-10-2019, Hạt Kiểm lâm ven biển đã phối hợp với các tổ kiểm tra liên ngành của các xã, phường tổ chức kiểm tra 425 lần tại các địa phương. Qua kiểm tra, đã tiến hành tháo dỡ, tiêu hủy 3.600m lưới, một số bẫy sập và các dụng cụ để bẫy bắt khác, như: Cò giả, que nhựa dính...

Ông Lê Văn Hồng, Phó hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm ven biển, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài chim hoang dã, đơn vị đã giao nhiệm vụ cho kiểm lâm viên địa bàn phối hợp với các xã, phường thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã. Đồng thời, kiểm tra địa bàn các huyện trọng điểm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là vào mùa chim di cư. Qua đó, tình trạng giăng bẫy chim hoang giả giảm hẳn so với những năm trước đây. Tuy nhiên, thực tế, việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp giăng bẫy chim trời gặp rất nhiều khó khăn do hiện tại chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc với các đối tượng mà mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền. Bởi vậy, mỗi người dân hãy nâng cao trách nhiệm với môi trường sống xung quanh với nhận thức rằng giăng bẫy săn bắt chim trời, động vật hoang dã theo kiểu tận diệt là hành vi hủy hoại môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái.

Thực tế tình trạng bẫy bắt các loài chim hoang dã như cò, vạc, cói, diệc... tại các địa phương được xem là trọng điểm, như: Đông Sơn, Quảng Xương, Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn... và một số tụ điểm buôn bán chim trên địa bàn TP Thanh Hóa đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Trong 3 tháng cao điểm (tháng 7, 8, 9 năm 2019), Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát 641 lần tại các phường, xã trọng điểm về tình trạng bẫy, bắt chim hoang dã. Qua kiểm tra, tiến hành thu giữ 6.540m lưới, 850 cò giả bằng xốp, 1 ắc-quy, 1 loa dẫn dụ chim... xử lý 3 vụ về vận chuyển và bẫy bắt chim hoang dã tại TP Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, thả 117 cá thể chim về tự nhiên.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã, nhất là vào mùa chim di cư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3665/SNN&PTNT-CCKL ngày 23-9-2019 đề nghị các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh phối hợp triển khai thực hiện. Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với địa bàn để truyền tải thông tin sâu, rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về giá trị đa dạng sinh học, tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã nói chung cũng như các loài chim hoang dã, chim di cư nói riêng. UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch kiểm tra, chú trọng các địa bàn trọng điểm về giăng lưới, bẫy bắt, mua, bán, vận chuyển chim hoang dã. Thực hiện công tác tuyên truyền gắn với việc tiếp tục rà soát, ký cam kết bảo vệ chim hoang dã; duy trì hoạt động, đôn đốc nâng cao trách nhiệm trong quản lý, theo dõi địa bàn của tổ công tác liên ngành. Quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã nếu để địa bàn diễn ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã. Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, bảo tồn, ngăn chặn hành vi xâm hại chim hoang dã là một tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân hàng năm. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các hạt kiểm lâm đôn đốc các trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND cấp huyện, cấp xã về nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài chim hoang dã.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tich-cuc-bao-ve-cac-loai-chim-hoang-da/108714.htm