Tích cực chăm lo cho gia đình chính sách, người có công

Thực hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', 'Đền ơn đáp nghĩa', tỉnh Long An có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm chăm lo tốt đời sống vật chất lẫn tinh thần cho gia đình chính sách (GĐCS), người có công (NCC). Qua đó, giúp họ có mức sống bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú.

Huy động nhiều nguồn lực

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và làm nhiệm vụ quốc tế, tỉnh có trên 102.000 đối tượng chính sách và NCC với cách mạng, trong đó, trên 30.700 liệt sĩ, trên 11.110 thương binh, trên 1.840 bệnh binh (thương binh, bệnh binh nặng còn sống trên 150 người, 83 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống); 70 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (còn sống 2 người);...

Hiện nay, tỉnh có trên 15.450 đối tượng NCC được chi trả trợ cấp hàng tháng, với số tiền trên 24 tỉ đồng/tháng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (bìa trái) thăm, tặng quà cho người có công tại huyện Bến Lức

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (bìa trái) thăm, tặng quà cho người có công tại huyện Bến Lức

Ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định việc chi trả trợ cấp thường xuyên, đúng đối tượng, tỉnh còn thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho GĐCS, NCC như chăm sóc sức khỏe, cấp thẻ bảo hiểm y tế, điều dưỡng, miễn, giảm học phí,... góp phần giúp các đối tượng ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Mến (xã Long Cang, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Chồng tôi là thương binh hạng 1/4 nên được hưởng nhiều chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Ba người con của tôi đi học đều được miễn, giảm học phí từ tiểu học đến đại học. Nhờ vậy, vợ chồng tôi chỉ cần lo chi phí ăn, ở. Hiện các con đều ra trường, có việc làm ổn định".

Điểm nổi bật trong công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh là huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho các đối tượng chính sách và NCC. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai cho biết: “Qua 20 năm, tỉnh vận động các cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 324 tỉ đồng; xây dựng trên 11.460 căn nhà và sửa chữa trên 2.530 căn nhà cho GĐCS, NCC gặp khó khăn về nhà ở với số tiền trên 362 tỉ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng đến cuối đời, với số tiền phụng dưỡng từ 500.000-1.000.000 đồng/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã vận động xây dựng 72 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 5 tỉ đồng, sửa chữa 20 căn nhà tình nghĩa với số tiền trên 500 triệu đồng”.

Ấm lòng các đối tượng

Bằng sự tận tâm, trách nhiệm và tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay, tất cả GĐCS, NCC cảm thấy rất ấm lòng. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bông (xã Bình Tâm, TP.Tân An) nghẹn ngào kể: “Mẹ có chồng là liệt sĩ Lê Văn Khương, hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và con trai lớn của mẹ là Lê Văn Thanh hy sinh sau khi đất nước được hòa bình, trong một lần làm nhiệm vụ tại địa phương. Bản thân mẹ cũng nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Chiến tranh là điều không ai mong muốn, bởi chiến tranh là mất mát, đau thương, thế nhưng, chúng ta phải dũng cảm đứng lên đấu tranh để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Nếu không có những người dám "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", chúng ta sẽ không có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay.

Nhìn lại một chặng đường lịch sử của dân tộc, mẹ cảm thấy rất tự hào, vì thế hệ hôm nay luôn quan tâm, chăm sóc GĐCS, NCC về vật chất lẫn tinh thần”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bông (bên phải) cảm thấy rất ấm lòng vì thế hệ hôm nay luôn tri ân bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bông (bên phải) cảm thấy rất ấm lòng vì thế hệ hôm nay luôn tri ân bằng nhiều hành động, việc làm thiết thực

Hiện xã Bình Tâm, TP.Tân An chỉ có Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bông còn sống. Nhằm chăm lo tốt cho mẹ, xã thường cử đoàn đến tặng quà, thăm hỏi, động viên tinh thần, nhất là vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt, xã vừa xuất Quỹ Đền ơn đáp nghĩa giúp gia đình mẹ sửa chữa lại căn nhà tình nghĩa đã được xây dựng từ rất lâu.

Chiến tranh đi qua gần nửa thế kỷ, song những vết thương mà cuộc chiến để lại cho mỗi người, mỗi gia đình và người thân các GĐCS, NCC vẫn còn đó. Với những người đi qua cuộc chiến như ông Phạm Văn Lóng (bệnh binh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) nhờ sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của các cấp, các ngành đã giúp gia đình ông vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc sống để tận hưởng nền hòa bình do chính ông và đồng đội đánh đổi bằng xương máu, thanh xuân.

Đoàn viên, thanh niên vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Đoàn viên, thanh niên vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Ông Lóng chia sẻ: “Nhìn quê hương bị quân thù giày xéo, người dân sống trong cảnh cơ cực, khổ đau, nhất là nhiều người thân trong gia đình chết dưới tay kẻ thù, tôi cảm thấy rất đau lòng, từ đó quyết tâm tham gia cách mạng để giành lại hòa bình, độc lập dân tộc. Sau khi đất nước thống nhất, tôi trở về địa phương ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần chăm lo cho gia đình, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Hiện nay, đời sống người dân không ngừng nâng lên, mức sống của GĐCS, NCC bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, tôi cảm thấy rất vui vì sự hy sinh của thế hệ đi trước được trân trọng".

Xem lại từng trang sử hào hùng của dân tộc cùng lời kể của những người trong cuộc, thế hệ hôm nay xin nghiêng mình tri ân các anh hùng liệt sĩ, GĐCS, NCC. Những đóng góp to lớn của họ cho nền hòa bình, độc lập của đất nước sẽ được thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi, sống mãi cùng năm tháng./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tich-cuc-cham-lo-cho-gia-dinh-chinh-sach-nguoi-co-cong-a162048.html