Tích cực chăm sóc để mùa quýt 'ngọt'
Thời điểm này, người trồng quýt tại huyện Mường Khương đang tập trung chăm sóc để cây phục hồi sức đề kháng, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, hướng tới mùa quýt bội thu.
Thị trấn Mường Khương có diện tích quýt lớn nhất huyện (232 ha), trong đó có 190 ha đang trong độ cho thu quả. Để nâng cao chất lượng quả trong vụ tới, thời gian này, người trồng quýt đang tập trung chăm sóc cây.
Ông Làn Mậu Thành (thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương) là người tiên phong đưa cây quýt về trồng tại địa phương. Từ 1.000 cây quýt trồng ban đầu (năm 1999), đến nay toàn bộ diện tích đất nương đồi (4 ha) của gia đình đã được phủ xanh bằng 7.000 cây quýt. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch hơn 100 tấn quả, thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Ông Thành cho biết, để cây quýt phát triển tốt, đạt năng suất cao như mong muốn mà không làm cây bị thoái hóa thì người trồng cần chăm sóc tỉ mỉ, áp dụng đúng quy trình từ khâu làm đất, bón phân đến phòng bệnh. Việc làm cỏ, tỉa cành, bôi vôi thân cây phải thực hiện thường xuyên, bám sát quá trình sinh trưởng, thời kỳ ra hoa, đậu quả của cây. Sau thời kỳ thu hoạch cần bón phân chuồng kết hợp với phân NPK cho cây, thời điểm bón từ tháng 2 đến tháng 3 là tốt nhất.
Cũng như các hộ trồng quýt trong thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, gia đình anh Lồ Phủ Dìn đang khẩn trương làm cỏ, cắt tỉa cành, vun xới đất xung quanh gốc và bón phân cho cây. Anh cũng quan sát, theo dõi tình hình sâu, bệnh hại để áp dụng ngay các biện pháp phòng, trừ kịp thời. Với 4.000 cây quýt được trồng từ năm 2005 đến nay đã đem về cho gia đình nguồn thu ổn định hơn 150 triệu đồng/năm. Cây quýt là sinh kế chính của gia đình nên việc chăm sóc, bảo vệ, phòng, trừ sâu bệnh cho cây được các thành viên trong gia đình chú trọng.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chăm sóc cây, anh Lù Chẩn Lèng (thôn Lùng Phìn A, xã Nậm Chảy) cho biết: Từ cuối tháng 1, khi thu hoạch xong quả, tôi bắt đầu cắt tỉa cành, tạo tán giúp cây tập trung dinh dưỡng. Từ tháng 2 đến tháng 3, cây bắt đầu ra nụ, chuẩn bị trổ hoa thì tiếp tục cắt bỏ các cành bị sâu, cành bệnh, cành vượt, giúp vườn thông thoáng, giảm sâu, bệnh gây hại. Quýt là loại cây ưa ẩm nhưng không chịu úng, vì vậy tôi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước và chủ động việc cung cấp dinh dưỡng cho cây thông qua tưới nước.
Huyện Mường Khương hiện có 815 ha quýt, trong đó có 491 ha đang cho thu hoạch quả. Đây là cây trồng thế mạnh của địa phương, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây quýt có dấu hiệu giảm năng suất do một số diện tích già cỗi, nhiều diện tích chưa được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Để vùng quýt phát triển ổn định, ngành nông nghiệp huyện Mường Khương đẩy mạnh tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc quýt cho người dân.
Bà Tráng Lền Sỉu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết: Muốn quýt cho năng suất cao, chất lượng quả tốt thì cần chú trọng đến kỹ thuật bón phân và chọn loại phân bón. Khi cây mới trồng cần bón phân chuồng để kích rễ, nuôi thân. Cây đến kỳ sinh trưởng thì bón phân NPK để cây khỏe. Đến kỳ cho quả thì bón phân hữu cơ để quả mọng nước, ngọt. Khi bón thì đào rãnh xung quanh, cách gốc khoảng 30 cm, sau đó cho phân, lấp đất lại để rễ cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất.
Bên cạnh đó, cần tránh các lá che lẫn nhau, do vậy phải kích thích cây ra chồi, lá mới bằng cách tỉa cành, tạo tán, đốn dọn cho cây thông thoáng và cắt bỏ những cành khô, cành tăm, cành gẫy, cành bị sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng cho cây. Đối với những cây bị bệnh nặng, không còn khả năng hồi phục thì chặt bỏ. Những cây bị bệnh nhẹ thì dùng thuốc có nguồn gốc thảo mộc hoặc chế phẩm hữu cơ để phun trừ.
Cần thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng, trú ngụ, xâm nhập của sâu bệnh. Phần cỏ còn lại trong vườn cần được giữ lại với mục đích giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn, rửa trôi. Nếu cỏ quá cao, có thể dùng máy cắt ngắn, trả lại phân xanh cho đất. Cây quýt thường bị các bệnh như vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ, thối gốc, sâu đục thân, bọ xít xanh, nhện đỏ, nhện rám vàng, rệp… gây hại. Giai đoạn này, cây đang chuẩn bị nở hoa, đậu quả nên người trồng cần thăm vườn thường xuyên, kịp thời phát hiện, phòng, trừ sâu bệnh…
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tich-cuc-cham-soc-de-mua-quyt-ngot-post367358.html