Tích cực, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều nay 20/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị - Ảnh: H.T

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị - Ảnh: H.T

Các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển KT-XH, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân đặc biệt quan tâm.

Giai đoạn 2021-2025, trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển là 39.019,273 tỉ đồng cho các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên để thực hiện 3 CTMTQG, chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách trung ương. Đến nay các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của trung ương.

Đối với kế hoạch năm 2023, ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện 3 CTMTQG vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên là 17.820,895 tỉ đồng, chiếm gần 36% tổng nguồn vốn ngân sách trung ương, trong đó vốn đầu tư phát triển là 9.482,06 tỉ đồng, vốn sự nghiệp là 8.338,835 tỉ đồng. Đến nay các địa phương trong vùng đã phân bổ 7.935,533 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 83,68%.

Về kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương, lũy kế thanh toán vốn đầu tư phát triển từ đầu năm 2023 đến hết ngày 30/6 của 3 CTMTQG là 2.055,391 tỉ đồng, đạt 21,67% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,53% so với trung bình cả nước. Đối với kết quả giải ngân vốn ngân sách địa phương, hiện nay 17/19 địa phương trong vùng đã thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện các CTMTQG. Tuy nhiên, một số địa phương giải ngân vốn ngân sách địa phương còn rất thấp hoặc chưa có báo cáo về tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những “điểm nghẽn”, chưa phù hợp với thực tiễn của các cơ chế, chính sách hiện nay ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng nên bổ sung, sửa đổi và có hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa chuyển đổi được từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư; xây dựng bộ tài liệu để đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách các CTMTQG ở cơ sở về công tác giải ngân vốn đầu tư công; sớm ban hành cơ chế để địa phương chủ động điều chuyển nguồn vốn của các chương trình phù hợp với tình hình thực tế; xem xét lại việc giao đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số…

Đại diện các ban, bộ, ngành trung ương giải trình, làm rõ nhiều nội dung, vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng thời gợi mở một số giải pháp, cam kết sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai thực hiện các CTMTQG hiện nay vẫn còn chậm, tỉ lệ giải ngân vốn còn thấp; một số văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành ở cấp trung ương và địa phương chưa được ban hành hoặc có nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa thống nhất; việc triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dàn trải, manh mún...

Để đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện các CTMTQG và giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương cần tích cực, chủ động và quyết liệt hơn nữa trong quá trình triển khai.

Đặc biệt, các ban, bộ, ngành trung ương cần sâu sát, theo dõi, đôn đốc và kết nối thường xuyên với các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; nhanh chóng tiếp thu kiến nghị, đề xuất của các địa phương và khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn triển khai theo nhiệm vụ được giao trong quý III/2023 để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

UBND các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên cần quyết liệt rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để điều chỉnh, quyết định kịp thời; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố có kết quả triển khai thực hiện tốt để có cơ chế, giải pháp điều hành phù hợp tình hình thực tiễn và đặc thù của địa phương, từ đó quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện các CTMTQG theo kế hoạch.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/tich-cuc-chu-dong-va-quyet-liet-hon-nua-trong-viec-trien-khai-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/178490.htm