Tích cực chuẩn bị đổi mới giáo dục

Trong những năm qua, thông qua việc lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau; tỉnh ta đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục. Tuy nhiên, do điều kiện là tỉnh nghèo; đến nay, cơ sở vật chất, thiết bị trường học chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác giảng dạy và học tập của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; nhất là để triển khai chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn tới.

Điểm trường Mầm non, Tiểu học thôn Nậm Nhùng, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Điểm trường Mầm non, Tiểu học thôn Nậm Nhùng, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Về cơ sở vật chất, số phòng học cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học hai buổi/ngày tại các điểm trường chính. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học của bậc học Mầm non đạt gần 40%; cấp Tiểu học đạt gần 45%; cấp THCS đạt hơn 92% và cao nhất là cấp THPT đạt gần 100%. Khó khăn nhất đối với các cơ sở giáo dục tại tỉnh ta là thiếu thiết bị dạy học của tất cả các bậc học; đặc biệt là các huyện 30a. Cụ thể, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu tối thiểu thiết bị dạy học của các cấp học là: Cấp học Mầm non đạt 47%; Tiểu học đạt 46%; cấp THCS đạt 38%; cấp THPT đạt 13%. Về phòng học bộ môn, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đối với cấp THCS mới chỉ đạt 26%, cấp THPT đạt 47%.

Bắc Quang là huyện vùng thấp, có điều kiện KT-XH phát triển; toàn huyện có 71 trường Mầm non, Tiểu học, THCS. Trong những năm qua, từ chương trình kiên cố hóa trường học, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, xây dựng Nông thôn mới và nguồn vốn xã hội hóa; huyện đã đầu tư khá toàn diện về trường, lớp học. Hiện nay, huyện có 752 phòng học văn hóa kiên cố, số phòng còn thiếu là 39 phòng; cơ bản đáp ứng được yêu cầu học hai buổi đối với học sinh Tiểu học, THCS ở trường chính. Tuy nhiên, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới thì cơ sở vật chất còn thiếu khá trầm trọng. Đồng chí Phạm Hồng Thanh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bắc Quang cho biết: “Mặc dù là huyện vùng thấp, nhưng để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, huyện cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó là trang thiết bị, phòng học cho các môn tin học (hiện có 23 phòng, còn thiếu 31 phòng), ngoại ngữ (hiện có 11 phòng, còn thiếu 36 phòng). Đối với các phòng mỹ thuật, âm nhạc, thí nghiệm ở hầu hết các trường đều thiếu”.

Tại huyện vùng cao Mèo Vạc, thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cũng diễn ra phổ biến ở các trường; đặc biệt là các trường ở xã vùng sâu, vùng xa. Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lũng Pù, huyện Mèo Vạc có 51 lớp với hơn 1.000 học sinh. Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lũng Pù, Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Do điều kiện địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá nên diện tích khuôn viên của nhà trường rất hẹp. Được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, số phòng học của nhà trường cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy hai buổi/ngày đối với Tiểu học, còn đối với bậc THCS vẫn còn thiếu 4 phòng học. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang đầu tư dãy nhà hai tầng với 6 phòng học; đến cuối năm nay, nhà trường sẽ bảo đảm số phòng cho tất cả các bậc học. Để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, khó khăn nhất của nhà trường là thiếu tất cả các phòng chức năng và thiết bị cho các phòng chức năng, như: Phòng âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, phòng chức năng của bộ môn Hóa, Sinh.

Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để bảo đảm cho chương trình giáo dục phổ thông mới; ngày 12.9.2019, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất bảo đảm cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 – 2025. Theo đó, tổng nhu cầu kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học lên đến hơn 7.469 tỷ đồng. Đây là số kinh phí rất lớn, do đó, tỉnh đã chia thành hai giai đoạn đầu tư theo lộ trình đổi mới sách giáo khoa.

Cụ thể, trong giai đoạn 2019 – 2020, tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhằm đáp ứng tối thiểu chương trình đổi mới sách giáo khoa. Tổng số vốn huy động trong giai đoạn này là hơn 640 tỷ đồng. Trong đó, tập trung xây dựng 446 phòng học thay thế cho phòng học tạm bợ; xây dựng bổ sung hơn 500 phòng học chức năng, bộ môn, thư viện, nhà bếp, nhà kho. Bên cạnh đó, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học nhằm đáp ứng tối thiểu cho chương trình đổi mới giáo dục.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên cơ sở số lượng phòng học cần được kiên cố hóa, danh mục các công trình phục vụ dạy học, nhu cầu mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu của các cơ sở giáo dục, tỉnh giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các huyện, thành phố lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, cân đối, bố trí ngân sách địa phương nhằm bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch, bảo đảm đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình đổi mới. Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ rà soát, thống kê, điều chỉnh nhu cầu đầu tư khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương.

Để triển khai chương trình đổi mới giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông thành công thì nhu cầu về cơ sở hạ tầng, trường lớp, thiết bị dạy và học cần nguồn kinh phí rất lớn, đây thực sự là khó khăn cho các địa phương, đặc biệt đối với một tỉnh nghèo.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201911/tich-cuc-chuan-bi-doi-moi-giao-duc-752325/