Tích cực chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 toàn tỉnh sẽ chính thức học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 toàn tỉnh sẽ chính thức học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

Cô và trò Trường Tiểu học Ðiền Xá (Nam Trực) trong một giờ học.

Chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình GDPT mới 2018, từ tháng 12-2019, Trường Tiểu học Rạng Ðông (Nghĩa Hưng) đã xây dựng kế hoạch giáo dục lớp 1 năm học 2020-2021. Trường cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các đợt tập huấn về chương trình GDPT mới do Bộ GD và ÐT, Sở GD và ÐT tổ chức; phối hợp với trường mầm non trên địa bàn xác định số lượng học sinh vào học lớp 1 năm học 2020-2021 để chủ động dự kiến biên chế lớp, sắp xếp giáo viên dạy lớp 1 và mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, sách giáo khoa mới. Dự kiến năm học 2020-2021, nhà trường có 6 lớp 1 với 200 học sinh. Ban giám hiệu nhà trường cũng dự kiến phân công 11 giáo viên dạy lớp 1, dư 1,2 lần so với năm học 2019-2020. Ðây là những giáo viên có năng lực chuyên môn vững, tiếp cận nhanh với chương trình GDPT mới, và dự kiến sẽ dạy lớp 1 lâu dài; không bố trí giáo viên sắp nghỉ hưu dạy lớp 1. Nhà trường cũng rà soát, bổ sung cơ sở vật chất đảm bảo đủ và ưu tiên về phòng học và trang thiết bị đồ dùng dạy học cho lớp 1. Về lựa chọn sách giáo khoa, nhà trường đã quán triệt Thông tư 01/2020/TT-BGDÐT ngày 30-1-2020 của Bộ GD và ÐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT để cán bộ, giáo viên nắm vững quy trình, trách nhiệm của bản thân khi được tham gia hội đồng lựa chọn sách, qua đó hiểu được cách tiếp cận, thiết kế sách giáo khoa của từng nhóm tác giả. Tận dụng thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về các bộ sách, xem video giới thiệu các tiết dạy mẫu, từ đó mỗi giáo viên và tổ chuyên môn lớp 1 tự đánh giá được điểm mạnh của từng cuốn sách theo các tiêu chí như: cách tiếp cận của các cuốn sách có phù hợp với điều kiện nhà trường, trình độ học sinh, có những điểm nổi trội để giáo viên tổ chức các hoạt động nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và có phù hợp với cách kiểm tra đánh giá theo quy định không; những cuốn sách của bộ sách nào, nhóm tác giả nào có nhiều điểm nổi trội. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, thời gian tới nhà trường thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, dự kiến tối thiểu gồm 11 thành viên, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên dạy lớp 1, có cả giáo viên dạy các môn văn hóa và giáo viên dạy môn chuyên, đại diện cha mẹ học sinh tham gia; tổ chức cho giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên theo các mô-đun, đặc biệt là mô-đun đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh; tổ chức cho giáo viên tham gia các khóa tập huấn do các nhà xuất bản có các bộ sách được chọn tổ chức; đặc biệt là tổ chức soạn bài, dạy thử chương trình mới 4-5 tiết/giáo viên/môn trên đối tượng học sinh lớp 1 vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 của năm học 2019-2020 để đảm bảo giáo viên có thể tự tin, chủ động khi dạy lớp 1 năm học mới…

Còn ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Ðịnh) đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như dự kiến bố trí đủ mỗi lớp 1 phòng học, bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Về trang thiết bị, trường đã đăng ký với Phòng GD và ÐT thành phố số lượng cho mỗi học sinh, mỗi nhóm học sinh trên cơ sở dự kiến số học sinh tuyển sinh được trong năm học 2020-2021. Về đội ngũ, nhà trường dự kiến phân công giáo viên giảng dạy lớp 1 mới ở mức dư 1 người để phòng khi số lượng tuyển sinh tăng hơn dự kiến, hoặc có giáo viên nghỉ. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động cử cán bộ, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn về chương trình GDPT mới do cấp trên tổ chức, sau đó triển khai tới toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Yêu cầu cán bộ, giáo viên toàn trường đọc, nghiên cứu kỹ chương trình GDPT 2018; đặc biệt là quán triệt đội ngũ giáo viên dạy khối 1 và các giáo viên bộ môn: Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật phải nghiên cứu sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản khác nhau về chương trình GDPT mới, nhận xét đánh giá về ưu điểm, hạn chế của mỗi cuốn sách, từ đó tổng hợp ý kiến cá nhân, tập thể cho từng bộ môn làm cơ sở lựa chọn bộ sách. Từ nay đến thời điểm chính thức triển khai chương trình GDPT mới, nhà trường tích cực tuyên truyền về nhiệm vụ phải thực hiện đổi mới chương trình GDPT mới tới tất cả cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh. Sau khi chọn được sách giáo khoa sử dụng chính thức, nhà trường phân công soạn giáo trình, dạy thử nghiệm, sau đó rút kinh nghiệm và triển khai đồng bộ theo lộ trình.

Hiện toàn tỉnh có 230 trường tiểu học. Ðể chuẩn bị tốt các điều kiện cho thực hiện chương trình GDPT mới, Sở GD và ÐT đã chỉ đạo Phòng GD và ÐT các huyện, thành phố, các trường tiểu học triển khai một loạt giải pháp thực hiện như: Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và phổ biến các văn bản chỉ đạo; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học... Trong tháng 12-2019, Sở GD và ÐT đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình GDPT 2018; tập huấn xây dựng kế hoạch triển khai nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019-2020 đối với lãnh đạo, chuyên viên, hiệu trưởng các trường tiểu học; tập huấn thực hiện nội dung chương trình sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019-2020 đối với phó hiệu trưởng các trường tiểu học; bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 cho giáo viên dạy lớp 1 năm học 2019-2020. Hàng trăm cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường tiểu học đã được tham gia bồi dưỡng tập huấn chương trình GDPT 2018 do Bộ GD và ÐT, Sở GD và ÐT tổ chức. Từ đó, giáo viên hiểu rõ hơn về những điểm mới cũng như quan điểm xây dựng chương trình môn học, đồng thời nắm bắt được phương pháp giáo dục phù hợp để triển khai chương trình mới một cách hiệu quả. Cùng với đó, Sở GD và ÐT đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt trong đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh về chương trình GDPT 2018, các chương trình môn học thông qua các đợt tập huấn chuyên môn. Sau đó các trường tiểu học tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận nội dung chương trình GDPT 2018, tích hợp lồng ghép các nội dung đổi mới trong sinh hoạt tổ chuyên môn, các hoạt động giáo dục của nhà trường; rà soát các phương án chuẩn bị, các điều kiện để thực hiện chương trình GDPT mới. Các trường cũng thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa hiện hành, điều chỉnh theo hướng tích hợp hoặc tinh giản các nội dung học tập, cập nhật nội dung mới thay thế cho những nội dung không còn phù hợp. Cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học không ngừng tự học để nâng cao trình độ. Hiện tại, 100% cán bộ quản lý các trường tiểu học và giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ đào tạo. Các nhà trường đều lựa chọn giáo viên nhanh nhạy, chuẩn bị đội ngũ tốt nhất cho việc triển khai giảng dạy chương trình GDPT mới vào năm học 2020-2021. Sở GD và ÐT tiếp tục chỉ đạo Phòng GD và ÐT các huyện, thành phố, các trường tiểu học nghiên cứu kỹ các quy định trong Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong lựa chọn sách. Từ nay đến trước tháng 5-2020, các trường phải hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa mới, sau đó các trường phải phối hợp với các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn tập huấn để giáo viên nắm vững sách. Sách giáo khoa mới với đầy đủ bộ môn phải được cung ứng đầy đủ đến tay tất cả học sinh lớp 1 trong tháng 7-2020; đến tháng 9, các địa phương tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo bố trí đủ số phòng học cho việc dạy và học 2 buổi/ngày...

Với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, hy vọng chương trình GDPT mới sẽ được triển khai đạt hiệu quả cao tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5546/202002/tich-cuc-chuan-bi-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-2535924/