Tích cực giảm nhiệt căng thẳng liên quan Ukraine: Theo đuổi giải pháp ngoại giao

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không hy vọng có đột phá nào từ cuộc hội đàm giữa ông với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 21-1 (giờ địa phương) nhưng cuộc gặp phát đi tín hiệu cả Nga và Mỹ đều muốn lắng nghe nhau trước khi đưa ra quyết định quan trọng liên quan đến tình hình Ukraine. Trước đó, ông Blinken đã có hàng loạt cuộc tham vấn với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov. Nguồn: TTXVN

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov. Nguồn: TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Mỹ sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho biết, đối thoại giữa hai nước sẽ vẫn tiếp tục liên quan đến các đề xuất an ninh của Nga và Washington đã nhất trí phản hồi bằng văn bản về các đề xuất trên vào tuần tới. Ông hy vọng điều này có thể giúp hạ nhiệt phần nào căng thẳng tại Ukraine, đồng thời tái khẳng định Moscow không gây bất kỳ đe dọa nào đối với nước láng giềng.

Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra “thẳng thắn và thực chất”. Theo ông, phía Mỹ đã đưa ra một số đề xuất tăng cường an ninh và những vấn đề mà hai bên có thể tìm thấy điểm chung. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington sẽ chia sẻ ý tưởng bằng văn bản với Nga vào tuần tới, đồng thời hy vọng có thêm các biện pháp ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng Ukraine sau cuộc hội đàm này tại Geneva.

Ông Pavlo Klimkin, cựu Ngoại trưởng Ukraine, hoan nghênh việc Mỹ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao nhưng mô tả đây là con đường ngoại giao đầy thách thức. Yêu cầu tiên quyết của Nga

Moscow đã nhiều lần khẳng định sẽ không để Mỹ kéo dài các cuộc đàm phán mà không đáp ứng yêu cầu của Nga. Đó là cam kết của NATO bằng văn bản về việc không kết nạp Ukraine vào NATO. Nga lo ngại việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ đe dọa an ninh Nga.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã hội đàm với người đồng cấp Ukraine, ông Dmytro Kuleba và hội kiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong bài phát biểu ngắn cùng với ông Blinken, ông Zelensky coi sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với Ukraine là điều kiện tốt để Ukraine gia nhập NATO.

Trong khi đó, theo hãng tin Sputnik (Nga), Bộ Văn hóa và Chính sách thông tin của Ukraine bắt đầu phổ biến tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp hoạt động ở Kiev trong trường hợp xảy chiến sự. Bộ tài liệu dài 14 trang khuyên người dân Ukraine nên chuẩn bị trước để đề phòng xảy ra xung đột quân sự. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, Moscow không có kế hoạch tấn công Ukraine và không có lý do gì để phương Tây lo ngại về điều đó.

Ông Ryabkov khẳng định, thông tin sai lệch từ các cơ quan tình báo phương Tây cáo buộc Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine được tung ra để gây bất ổn ở Ukraine và Moscow sẽ tiếp tục tăng cường an ninh tại biên giới Nga - Ukraine. Hôm 19-1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Moscow hoan nghênh nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào trong việc giải quyết tình hình ở Ukraine. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ, điều quan trọng hiện nay là tác động để Ukraine thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk và Moscow hy vọng các nước như Thổ Nhĩ Kỳ có thể thúc đẩy nỗ lực này.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tich-cuc-giam-nhiet-cang-thang-lien-quan-ukraine-theo-duoi-giai-phap-ngoai-giao-790106.html