Tích cực gỡ vướng cho hơn 8.808 hồ sơ thuế về đất đai tại TP. Hồ Chí Minh

Liên quan đến hơn 8.800 hồ sơ thuế về đất đai đang tồn đọng tại TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đề nghị giải quyết các hồ sơ theo các nhóm trường hợp khác nhau. Cơ quan thuế cần giải quyết ngay 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Hơn 8.800 hồ sơ thuế về đất đai đang tồn đọng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Hơn 8.800 hồ sơ thuế về đất đai đang tồn đọng tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Hơn 8.808 hồ sơ trong lĩnh vực đất đai còn nhiều vướng mắc

HoREA cho rằng, để giải quyết hơn 8.800 hồ sơ thuế về đất đai đang tồn đọng tại TP. Hồ Chí Minh thì cần giải quyết hồ sơ theo các nhóm trường hợp khác nhau, để từ đó có hướng giải quyết cụ thể.

Vừa qua, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có văn bản khẩn gửi UBND Thành phố về việc giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8. Đơn vị này nêu, từ ngày 1/8 đến 27/8, cơ quan thuế đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ.

Trong đó, 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ...). Còn lại, 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất và 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.

Trước tình hình này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đề xuất các giải pháp xử lý hồ sơ tồn đọng. Theo đó, cơ quan thuế giải quyết ngay 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Bởi, các trường hợp này không phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ… do tất cả các hồ sơ này đều không bị vướng về pháp lý.

Ông cũng đề nghị phân loại 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản để có cách giải quyết phù hợp. Bên cạnh việc đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để xử lý 5.448 hồ sơ này, đại diện HoREA gợi ý, với các bên chuyển nhượng ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng bằng hoặc cao hơn giá nhà, đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì cơ quan thuế tiếp tục giải quyết tính thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản.

Trước đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế thực hiện. Tuy nhiên, mọi việc dường như vẫn chưa có lối ra.

Bảo đảm lợi ích của người dân

Liên quan đến vấn đề tồn đọng nhiều hồ sơ đất đai tại TP. Hồ Chí Minh, mới đây, tại cuộc họp gỡ vướng cho TP. Hồ Chí Minh liên quan đến áp dụng bảng giá đất mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí phải điều chỉnh bảng giá đất của TP. Hồ Chí Minh.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, theo quy định của Luật Đất đai 2024, Thành phố có đầy đủ thẩm quyền xây dựng bảng giá đất để áp dụng trên địa bàn. Tuy nhiên, phải lưu ý việc điều chỉnh giá cần cân nhắc so với mặt bằng giá đất tại địa phương, đánh giá tác động và đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh bảng giá đất của TP. Hồ Chí Minh; cho rằng Luật Đất đai 2024 đã quy định rất rõ thẩm quyền điều chỉnh là của UBND TP. Hồ Chí Minh. Các ý kiến cũng nêu cụ thể các kiến nghị nhằm giải quyết thủ tục hành chính về nghĩa vụ tài chính trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/8/2024.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải, Thành phố đánh giá việc điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề lớn, quan trọng; phạm vi đối tượng chịu tác động lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng theo ông Hải thì quá trình thực hiện, TP. Hồ Chí Minh rất thận trọng, đánh giá rất kỹ tác động, thực hiện đầy đủ trình tự quy định, đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã có kết luận, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan.

Thành ủy nhấn mạnh, bảng giá đất điều chỉnh là nội dung rất quan trọng, tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Do đó, quá trình thực hiện phải xem xét, đánh giá tác động toàn diện, tiếp thu ý kiến các bên liên quan và lựa chọn phương án tối ưu, phù hợp nhất với tình hình thực tế để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Ông Hải cũng cho rằng, bảng giá đất điều chỉnh tuân thủ theo phương châm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất.

Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định, TP. Hồ Chí Minh nhất thiết phải điều chỉnh bảng giá đất nhưng cần xem xét giảm thấp nhất ảnh hưởng quyền lợi người dân.

Phương Thoa

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tich-cuc-go-vuong-cho-hon-8-808-ho-so-thue-ve-dat-dai-tai-tp-ho-chi-minh.html