Tích cực hoàn thiện thể chế, huy động mọi nguồn lực phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sáng 18/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2025. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 774 điểm cầu trên cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, Bộ đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” bước đầu kiến tạo không gian phát triển.

Năm 2024, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới; việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đạt hiệu quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Năm 2024, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật ngày càng sôi động, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức thể hiện; Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại bước đầu được quan tâm, thúc đẩy đổi mới tư duy sáng tạo, phương thức sản xuất, trình diễn, quảng bá văn học, nghệ thuật, điện ảnh đã trở thành điểm sáng trong bức tranh văn học, nghệ thuật của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ. Năm 2024, tiếp tục thực hiện các quy định của Luật Thể dục, thể thao và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý nhà nước về thể thao đã được tăng cường và mang lại những kết quả nhất định; việc hoạch định chiến lược, chính sách và triển khai các đề án, chương trình, phong trào thể thao được quan tâm; công tác đào tạo vận động viên, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức thi đấu thể thao tiếp tục có những chuyển biến; nhiều hoạt động thể thao gắn kết với văn hóa, du lịch mang lại hiệu quả cao, thu hút được sự quan tâm của nhiều địa phương, tổ chức và nhân dân và huy động được nguồn lực xã hội cho phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Năm 2024, tiếp nối quá trình phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch được Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện và đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch và đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện. Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch là sự kết tinh quá khứ, hiện tại và tương lai; điểm đến tươi sáng, hấp dẫn của tương lai. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc; thể thao là sức khỏe của đất nước, con người Việt Nam; du lịch là hình ảnh, sự quảng bá, truyền cảm hứng đất nước, con người, dân tộc Việt Nam ra bạn bè quốc tế, cổ vũ chúng ta xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Một tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Một tiết mục văn nghệ được biểu diễn tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nêu rõ, từ hơn 80 năm trước, bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng, tổng quát, sâu sắc của văn hóa với ba nguyên tắc “dân tộc”, “đại chúng”, “khoa học”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh : “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo : “Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng”.

Thủ tướng đề nghị ngành quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc ra bạn bè quốc tế thông qua văn hóa, thể thao và du lịch; Việt Nam hóa tinh hoa của thế giới liên quan văn hóa, thể thao, du lịch. Điều này có ý nghĩa quan trọng. Sứ mệnh của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải làm việc này bởi ngành là lực lượng xung kích, chủ công trên mặt trận này.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, người lao động, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch trên cả nước lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2024, đất nước ta đạt nhiều thành tựu lớn, đạt 15/15 chỉ tiêu, nhất là tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người tăng, quy mô nền kinh tế tăng lên; tăng năng suất tổng hợp cũng tăng lên; tiềm lực an ninh quốc phòng được tăng cường rõ rệt, củng cố, nâng cao sức mạnh của dân tộc. Văn hóa muốn phát triển được phải ổn định chính trị, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; công tác an sinh xã hội được thực hiện tốt với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chúng ta tự tin làm được những điều này là nhờ có truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó trong đó có phát triển hạ tầng cho văn hóa; tích cực phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên; hoạt động đối ngoại tích cực, hiệu quả, sôi động, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín, nâng cao tiềm lực kinh tế của đất nước, biến thành vật chất và tinh thần cụ thể. Đây là thành tích ấn tượng trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay khó khăn, tổng cầu suy giảm, tăng trưởng giảm hơn năm ngoái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng khẳng định nổi lên các điểm sáng của ngành: tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch được bổ sung, phát triển mới, ngày càng hoàn thiện, toàn diện, sâu sắc hơn, trong đó, du lịch là một điểm sáng. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới, nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức thành công, huy động được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân. Người dân ngày càng được hưởng thụ văn hóa, thể dục thể thao, thành quả du lịch.

Thủ tướng khẳng định, đạt được những thành tựu này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của Nhà nước, sự tiên phong của ngành. Điều quan trọng nhất là tư duy đang thay đổi, hệ giá trị con người, văn hóa và dân tộc đang thay đổi tích cực; do đó cần phải biến những giá trị này thành nguồn lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội nghị được truyền trực tuyến tới 774 điểm cầu trên cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Hội nghị được truyền trực tuyến tới 774 điểm cầu trên cả nước. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước đã đạt được trong năm 2024, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của cả nước.

Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta vẫn cần nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục. Về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ và đồng tình của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để phát triển ngành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành theo mục tiêu đã đề ra. Phát huy tính tự chủ, tự lực, tự cường, nắm chắc, đúng và trúng tình hình, phản ứng linh hoạt chính sách, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh, phát huy những điểm tích cực, phát huy truyền thống, sức mạnh nội sinh của ngành.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; xây dựng được con người đam mê, say sưa, có trách nhiệm, nhiệt huyết với ngành, nhất là người đứng đầu; coi công việc của ngành như công việc của nhà mình. Hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, sâu rộng. Phải làm cho người dân được hưởng thụ thành quả của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách thỏa đáng nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước..; chúng ta cũng phải rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời phải thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; năm 2025 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV thành công, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Nhấn mạnh mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất cao, rất nặng nề, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ phải cao hơn (hơn 8%) mục tiêu Trung ương Đảng và Quốc hội giao, từ đó tạo đà, tạo lực và thế cho nhiệm kỳ sắp tới tăng trưởng 2 con số, thì mới đạt được 2 mục tiêu 100 năm (năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước) với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành phải hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đồng thời là “đột phá của đột phá”, là nguồn lực cho sự phát triển. Huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển; giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chấm dứt tình trạng xin-cho, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đột phá, đổi mới cũng phải rõ hướng.

Phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch cứng và mềm, hạ tầng kết nối di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, các thiết chế du lịch, thể thao, văn hóa; coi trọng phát triển, ứng dụng hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, phát triển trí tuệ nhân tạo của ngành; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, thể thao phải có cơ chế, chính sách cho công tác đào tạo, đào tạo từ rất sớm, ngay từ nhỏ.

Thủ tướng lưu ý tuổi thọ cống hiến của ngành thể thao cũng không phải dài, do đó phải có cả cơ chế, chính sách chung cũng như các cơ chế chính sách đặc thù, giữ chân người tài; có những cơ chế, chính sách, chế tài khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xử lý những người né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ngành phải chủ động, sáng tạo đề xuất các cơ chế, chính sách.

Huy động nguồn lực cho sự phát triển; nguồn lực chính là từ các cơ chế, chính sách. Nguồn lực tài chính của Nhà nước chỉ là vốn mồi để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, của người dân, doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần phải sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư. Vấn đề là phải có cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực. Ngoài nguồn lực đã có như tài chính, đất đai, con người thì thể chế, cơ chế, chính sách cũng là biện pháp huy động nguồn lực mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Muốn phát triển công nghiệp văn hóa và giải trí thì phải có nguồn lực này. Phải huy động sức mạnh của xã hội, người dân, doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách thì mới phát triển được ngành, mới có ngành công nghiệp văn hóa và giải trí.

Quản trị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải có cơ sở dữ liệu của ngành. Do đó ngành phải đầu tư mạnh mẽ trí tuệ thông minh, biến những nguồn lực hiện có thành giá trị gia tăng cao hơn. Xây dựng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, mô hình tốt để tạo phong trào, xu thế để phát triển. Tạo điều kiện, cơ hội, cơ chế để người dân được hưởng thụ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hưởng thụ nền thể thao để dân tộc khỏe mạnh hơn, cao lớn hơn; hưởng thụ du lịch tạo ra động lực, nguồn cảm hứng cho dân tộc và bạn bè quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải tăng tốc, bứt phá, kết quả cao hơn năm 2024, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Phát triển thể dục thể thao quần chúng theo chiều rộng, phát triển thể thao thành tích cao theo chiều sâu; phát triển du lịch bứt phá thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn phải gắn với văn hóa, thể dục, thể thao. Muốn vậy, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng Dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa Thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam - với lịch sử hàng nghìn năm - là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe, mang lại sức khỏe cho người dân.; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu, toàn cầu, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ đất nước. Thủ tướng mong ngành tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng để bước vào giai đoạn mới với khí thế, tâm thế, nguồn lực dồi dào.

Thanh Giang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tich-cuc-hoan-thien-the-che-huy-dong-moi-nguon-luc-phat-trien-nganh-van-hoa-the-thao-va-du-lich-post851128.html