Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho người nghèo
An cư mới lạc nghiệp nhưng với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, việc có được ngôi nhà vững chãi để ở chỉ là niềm mơ ước. Để biến những giấc mơ của người nghèo thành hiện thực, cùng với việc tạo sinh kế, tỉnh luôn quan tâm vận động các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa, xây nhà ở an toàn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và giảm nghèo bền vững.
Đakrông là huyện miền núi biên giới, có gần 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống phân tán, thu nhập thấp. Cơ sở vật chất còn hạn chế, mặt bằng dân trí thấp, vẫn còn những hủ tục, khả năng tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ít được thực hiện. Thời gian qua, mặc dù trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ giúp người nghèo trên địa bàn cải thiện nhà ở nhưng thực tế vẫn còn nhiều hộ đang ở trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ hoặc có nhà ở nhưng chưa đảm bảo an toàn.
Thực hiện Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, huyện Đakrông được phân bổ 61.100 triệu đồng từ ngân sách trung ương để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương này, huyện Đakrông đã ban hành kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà theo đúng quy định.
Tính đến ngày 15/6/2024, đã giải ngân 31.542 triệu đồng, đạt 51,48% kế hoạch, thực hiện xây mới được 819 nhà, sửa chữa 148 nhà ở cho người nghèo. Ước đến ngày 31/12/2024 giải ngân 57.340 triệu đồng, đạt 93,85% kế hoạch, theo đó xây mới 1.273 nhà ở (1.204 hộ nghèo, 69 hộ cận nghèo); sửa chữa 322 nhà ở (253 hộ nghèo, 69 hộ cận nghèo).
Việc thực hiện chương trình đã góp phần giải quyết căn bản về phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do bão, lụt gây ra cho người nghèo trên địa bàn huyện Đakrông, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống an toàn, ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương.
Nhờ vậy, trong giai đoạn 2022-2023, tỉ lệ nghèo đa chiều tại huyện Đakrông giảm 13,86%, bình quân giảm 4,63%/năm. Ước cuối năm 2024, tỉ lệ nghèo đa chiều giảm còn 43,41% với 5.305 hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo chiếm 33,25% với 4.072 hộ, hộ cận nghèo chiếm 10,07% với 1.233 hộ.
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu chung về phát triển KT-XH, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tỉ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng cao.
Thực hiện Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG và các chương trình, mục tiêu dự án khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở ngân sách trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh đã bố trí vốn đối ứng theo khả năng ngân sách của địa phương, kết hợp với việc huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, đóng góp của đối tượng thụ hưởng để tổ chức thực hiện chương trình.
Cùng với đó, tỉnh cũng phát động mạnh mẽ phong trào đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” và huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa nhằm chia sẻ trách nhiệm cộng đồng để hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở sửa chữa, làm nhà mới.
Việc lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện chương trình, dự án đã phát huy hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Riêng trong giai đoạn 2021- 2024, tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 2.133 nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí thực hiện 103.270 triệu đồng; trong đó xây mới 1.725 nhà ở, kinh phí thực hiện 97.640 triệu đồng; sửa chữa 408 nhà với tổng số tiền 5.630 triệu đồng.
Chính sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương góp phần giúp hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhà ở, ổn định cuộc sống. Đây cũng là động lực lớn giúp người nghèo vươn lên và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Mặc dù trung ương và tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo nhưng thực tế số lượng hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh còn khá lớn. Đến nay, nhu cầu về nhà ở của hộ nghèo, hộ chính sách toàn tỉnh là 7.607 nhà.
Để các hộ nghèo, hộ gia đình người có công cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở ổn định, an toàn, hiện các cấp ủy, chính quyền đang tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp và từ nguồn xã hội hóa để ưu tiên thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Đồng thời, tích cực khuyến khích, hướng dẫn người dân sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực để tự vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, từng bước đưa vùng khó, vùng đồng bào DTTS phát triển.