Tích cực nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội
Trong giai đoạn 2016 đến nay, Hà Nội đã phê duyệt và triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, trong đó 145 đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (khoảng 30%). Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn...
Chiều 28/3, Đoàn công tác của Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương do GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng làm Trưởng Đoàn đã có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về khảo sát hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Tham dự hội nghị về phía thành phố Hà Nội có: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phạm Quí Tiên cùng đại diện các ban Đảng của Thành ủy, các sở, ngành liên quan.
Đề xuất cơ chế cho hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đơn vị của Thành phố và Đoàn khảo sát thảo luận làm rõ kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu trên lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Thành phố.
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kiêm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá cao những kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng của Hà Nội. Cùng với đó là làm rõ được những khó khăn, hạn chế, bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Hải Bình bày tỏ mong muốn các đơn vị sẽ chỉ ra điểm khó nhất cần được tháo gỡ, cần sự đồng hành của Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. Đồng thời, cần làm rõ Hà Nội có giải pháp gì về kinh phí; công tác phân cấp, ủy quyền; có hay không tiêu chí bổ nhiệm cán bộ có tham gia nghiên cứu khoa học… Hà Nội dự tính có chương trình nghiên cứu gì để triển khai Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết, tại Chương trình 07 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025” đã quán triệt nghiên cứu khoa học, công nghệ là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, gắn trách nhiệm tổ chức thực hiện của lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị. Qua quá trình thực hiện đã thấy được tiềm lực về phát triển khoa học công nghệ và nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức trên địa bàn…
Trong quá trình triển khai, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội bày tỏ mong muốn các cơ quan Trung ương và Thành phố sẽ sớm thể chế hóa chủ trương của Đảng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành chính sách, quy định cụ thể. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị cần thể chế hóa những rủi ro trong nghiên cứu khoa học, từ đó để có cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học, giải quyết bất cập trong thực tiễn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng cần có chủ trương về thay đổi, nghiên cứu chính sách, cơ chế sử dụng kết quả nghiên cứu, trong bối cảnh hiện nay nghiên cứu xong kết quả, quyền sử dụng rất khó triển khai. Đồng thời cần có cơ chế đặc thù chuyển giao khoa học công nghệ và đưa cụ thể vào Luật Thủ đô (sửa đổi). Cần tháo gỡ trong cơ chế tài chính và có thêm cơ chế đặc thù đối với các chuyên gia đầu ngành có thể chủ trì nghiên cứu khoa học cấp Thành phố…
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách về hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa các quyết định về thanh quyết toán, giải ngân trong nghiên cứu khoa học; có cơ chế sử dụng đề tài khoa học phù hợp với cơ chế thị trường…
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nêu bật những kết quả của Thành phố trong việc nghiên cứu khoa học của các ban, cơ quan Đảng phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố Hà Nội luôn chú trọng việc phối hợp với các cơ quan Trung ương trong đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy. Đồng thời, Thành phố tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm của thế giới trong lĩnh vực này.
Trong đó, tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và khả năng triển khai thực tiễn trên địa bàn; nghiên cứu những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn. Cùng với đó, Thành phố huy động nguồn lực trong và ngoài nước để giải quyết những “điểm nghẽn” trong phát triển hiện nay về xây dựng thể chế, phát triển văn hóa, chuyển đổi số… theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nêu các nhóm nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, trong đó có việc sửa đổi Luật Thủ đô để hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo cơ chế chính sách đột phá để phát triển Thủ đô. Đồng thời, Thành phố tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu khoa học thông qua các trường, cơ sở đào tạo.
Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thành ủy kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp khơi thông Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và cơ chế cho các chủ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhằm từng bước hoàn thiện thị trường khoa học công nghệ.
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao những kết quả mà Hà Nội đạt được trong việc nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác tham mưu của Thành ủy thời gian qua. Nhấn mạnh tầm quan trọng việc nghiên cứu khoa học nói chung và phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy nói riêng, GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiên cứu khoa học một cách bài bản, công phu, phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị; triển khai phong phú trên cơ sở thực tiễn.
Chia sẻ với những khó khăn của Thành phố trong công tác này, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Thành phố cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về vai trò của nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Trong đó, cần nhận thức rằng nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chính trị của các ban Đảng, cơ quan tham mưu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học trở thành nhu cầu; xem nghiên cứu khoa học là 1 tiêu chí đánh giá cán bộ (luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và tăng lương).
GS.TS Phùng Hữu Phú mong Hà Nội tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tham mưu cho Đảng thông qua đầu tư cho các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu chính sách của Thành phố và một số công trình văn hóa của Thủ đô.
Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu tích hợp để có những đề xuất xứng đáng trong việc sửa Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài; xây dựng các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ.
Triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học của Đảng, thời gian qua Thành ủy và các cấp ủy đảng trong toàn Thành phố luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện… để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong giai đoạn 2016-2022, hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cho Thành ủy, quận ủy, huyện ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc có 145 đề tài. Việc nghiên cứu khoa học đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn, chỉ ra các luận cứ khoa học, góp phần tham mưu giúp Thành ủy và các cấp ủy xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án, các khâu đột phá về công tác xây Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Trong giai đoạn 2016 đến nay, Thành phố đã phê duyệt và triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố, trong đó 145 đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (khoảng 30%). Các nhiệm vụ nghiên cứu đã thu hút được sự tham gia của các nhà khoa học có uy tín và sự phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn...
Đặc biệt, năm 2018 Thành phố đã triển khai Chương trình số 20-CTr/TU về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học và thực tiễn đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Chủ nhiệm Chương trình, các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy là Phó Chủ nhiệm Chương trình, các đồng chí Ủy viên Ban chủ nhiệm là thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, lãnh đạo các Ban Đảng của Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo các sở, ngành Thành phố.
Chương trình 20-CTr/TU gồm 8 đề tài, mục tiêu nghiên cứu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố (2015-2020) và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Thông qua kết quả nghiên cứu, kịp thời cập nhật, bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn, nhất là những vấn đề mới để đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, dự báo tình hình, xu hướng phát triển; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố (2020-2025). Chương trình số 20-CTr/TU xác định các nhiệm vụ, trong đó có 8 nhiệm vụ cụ thể tương ứng với 8 đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai.
Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt chú trọng đến công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành Thành phố tích cực triển khai nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm phục vụ trực tiếp công tác tham mưu, tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước và Thủ đô; góp phần phục vụ các nhiệm vụ chính trị một cách có hiệu quả, xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô ngày càng vững mạnh, toàn diện; phục vụ phát triển văn hóa - xã hội Thủ đô trên nhiều lĩnh vực; bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị, tư tưởng; an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm khu vực phòng thủ Thủ đô...