Tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa đầu vụ hè thu
Vụ hè thu năm 2023 toàn tỉnh gieo cấy 23.500 ha lúa. Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài nên các đối tượng dịch hại trên cây trồng phù hợp với nhiệt độ cao phát triển mạnh như: chuột, ốc bươu vàng, rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen... Do đó, nông dân cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng, trừ các loại đối tượng sâu bệnh gây hại lúa giai đoạn đầu vụ.
Chuột là loài gây hại lớn cho sản xuất lúa giai đoạn mới gieo. Có vùng chuột xuất hiện nhiều ăn hết thóc giống lúc mới gieo buộc phải gieo lại. Vì vậy, chuột là đối tượng nông dân cần chú ý phòng, chống đầu tiên để tránh tổn thất về giống và tránh trễ thời vụ nếu bị chuột gây hại phải gieo lại.
Chuột gây hại từ đầu đến cuối vụ nhưng xuất hiện gây hại nặng nhất trong 2 thời điểm là lúc mới gieo và lúc lúa làm đòng. Chuột là đối tượng có khả năng sinh sản nhanh, đồng thời di chuyển từ vùng đồng này sang vùng đồng khác cũng khá linh hoạt.
Vì vậy, nông dân cần ra quân diệt chuột đồng loạt ngay từ đầu vụ và thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt cả vụ mới có hiệu quả cao bằng cách đặt bẫy, đào bắt thủ công, sử dụng bã... Có thể dùng các loại thuốc diệt chuột thế hệ mới như: Diphacinone (Gimlet, Linh miêu, Kaletox...) Brodifacoum (Vifarat, Fadirat 0.005RB...).
Ốc bươu vàng là đối tượng xuất hiện sớm trên đồng ruộng lúc lúa mới gieo để ăn lá mầm và lá non của lúa làm cho cây kém phát triển. Đối tượng này rất tạp ăn, nếu không có biện pháp phòng, trừ ngay từ đầu có thể chúng ăn hết mầm lúa phải gieo lại. Phòng, trừ ốc bươu vàng cần thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp thủ công, sinh học, hóa học... trong đó ưu tiên biện pháp thủ công an toàn với môi trường.
Cần tiến hành bắt ốc và thu gom ổ trứng ốc đem tiêu hủy. Cắm cọc dẫn dụ ốc, thu hút ốc lên đẻ trứng rồi bắt và thu gom trứng tiêu hủy; đặt lưới ở cống dẫn nước để dễ thu gom và cũng ngăn chặn ốc lây lan. Đào rãnh quanh ruộng, ốc sẽ tập trung ở rãnh để tiến hành bắt. Ngoài việc bắt ốc bằng tay, trước khi gieo hoặc giai đoạn cây lúa đã lớn cần thả vịt vào ruộng cho vịt ăn ốc.
Trong trường hợp ốc bươu vàng xuất hiện với mật độ quá cao, con nhỏ và xuất hiện trên diện tích lớn thì có thể dùng các loại thuốc hóa học như các loại thuốc có hoạt chất Niclosamide (AnPuma 700 WP, Molluska 700WP, Pisana 700WP...), thuốc rải dạng hạt có hoạt chất Metaldehyde (Map passion, Snail Killer 12RB, Honeycin 6GR...).
Tuy nhiên, cũng cần hạn chế dùng phương pháp hóa học vì thuốc diệt ốc bươu vàng độc đối với động vật thủy sinh. Do đó, nếu ruộng ở gần hồ nuôi trồng thủy sản thì không nên dùng thuốc hóa học để diệt ốc bươu vàng.
Bệnh lùn sọc đen hại lúa do vi rút lùn sọc đen gây ra, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Đây là bệnh rất nguy hiểm và chưa có thuốc trừ bệnh, vì vậy nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Về sau lúa trổ không thoát bông ra được hoặc trổ nhưng hạt đen lép, gây thiệt hại lớn đến năng suất.
Để phòng trừ bệnh lùn sọc đen, nông dân cần tiến hành làm đất sớm, cày vùi sâu gốc rạ, dọn sạch cỏ dại, bón vôi để xử lý mầm bệnh trên đồng ruộng. Tuyệt đối không sử dụng giống dài ngày, thoái hóa, nhất là đối với những vùng đã từng nhiễm bệnh lùn sọc đen, chỉ sử dụng giống có phẩm cấp và trong cơ cấu bộ giống của tỉnh. Trước lúc gieo phải xử lý giống bằng thuốc Cruiser plus, Map Silo... để hạn chế rầy lưng trắng truyền bệnh lùn sọc đen trong giai đoạn đầu của cây lúa.
Gieo lúa ở mật độ vừa phải (khoảng từ 70 - 80 kg giống/ha), sử dụng phương pháp sạ hàng hoặc máy cấy thì càng tốt. Thực hiện bón phân cân đối. Đảm bảo đủ lượng nước trong ruộng sau khi gieo để quản lý cỏ dại. Đồng thời, khi lúa đã phát triển tốt chuẩn bị bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì phun bổ sung phân qua lá chuyên dùng để nâng cao sức đề kháng cho lúa, giúp lúa đẻ nhánh khỏe, làm đòng tốt. Khi bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại cần tiến hành trừ bệnh theo từng giai đoạn.
Nếu lúa ở giai đoạn mạ xuất hiện bệnh lùn sọc đen thì phải tiêu hủy toàn bộ. Nếu lúa ở giai đoạn lúa trước đứng cái và đứng cái làm đồng mà xuất hiện bệnh ở mức nhẹ lác đác thì nhổ cả khóm, dảnh lúa bị bệnh và vùi sâu xuống bùn, tránh không để khóm, dảnh bị bệnh sau khi nhổ còn phơi trên mặt ruộng sẽ truyền bệnh sang cây khác.
Nếu ruộng lúa có trên 30% số dảnh, khóm bị bệnh thì phải cày vùi tiêu hủy ngay cả ruộng lúa để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy để tránh phát tán nguồn bệnh sang ruộng khác. Ngay từ khi gieo nếu phát hiện rầy lưng trắng mang nguồn vi rút lùn sọc đen cần phun thuốc diệt trừ rầy.
Nông dân cần tiến hành thăm đồng thường xuyên để phát hiện các loại sâu bệnh và đối tượng dịch hại để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời triển khai các biện pháp thâm canh khoa học để nâng cao sức đề kháng cho lúa, bảo vệ các loại thiên địch, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường và tạo sản phẩm sạch.