Tích cực vận dụng giáo dục STEM vào các giờ học
Thông qua các hoạt động học tập, học sinh được hướng dẫn đề xuất ý tưởng, khuyến khích thực hành và làm nhiều sản phẩm sáng tạo.
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Bà Trưng (Hà Nội) vừa tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tổ chức hoạt động Giáo dục STEM cấp Tiểu học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Theo Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, trong những năm gần đây, thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, nhiều môn học, hoạt động giáo dục đã được đưa vào chương trình giáo dục nhà trường, trong đó có giáo dục STEM.
Để thực hiện có hiệu quả buổi sinh hoạt chuyên đề, trường Tiểu học Lương Yên và Tiểu học Quỳnh Mai đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu quy trình xây dựng và thiết kế hoạt động STEM, lựa chọn các bài học phù hợp dạy học theo định hướng STEM, phân công giáo viên soạn giảng và chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để buổi sinh hoạt chuyên đề đạt hiệu quả cao nhất.
Hai tiết dạy minh họa được thực hiện trong buổi sinh hoạt chuyên đề là: Bài Làm kem siêu tốc (thuộc Chủ đề 4. Nhiệt độ - lớp 2) do cô giáo Nguyễn Quỳnh Hoa, Giáo viên Tiểu học Lương Yên thực hiện; bài Dân cư và các hoạt động sản xuất ở vùng Tây Nguyên do cô giáo Nguyễn Bích Phượng, giáo viên trường Tiểu học Quỳnh Mai thực hiện.
Thông qua các hoạt động học tập, học sinh được hướng dẫn đề xuất ý tưởng, khuyến khích thực hành và làm nhiều sản phẩm sáng tạo. Sau khi hoàn thành sản phẩm, các em cùng suy nghĩ cách thuyết trình để sản phẩm của mình hấp dẫn, cuốn hút và thuyết phục thầy cô cùng bạn bè trong lớp.
Sau tiết dạy, các cán bộ quản lý và giáo viên đã trao đổi, chia sẻ về những kết quả ban đầu khi triển khai nội dung giáo dục STEM; những khó khăn, vướng mắc và những kinh nghiệm về công tác triển khai hoạt động giáo dục STEM tại các nhà trường.
TS Tưởng Duy Hải, chuyên gia giáo dục STEM đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi: Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục chủ yếu dựa trên dạy học tích hợp, tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kĩ năng thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học để phát triển phẩm chất, năng lực và giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.
Việc tổ chức giáo dục STEM có thể theo các bài học tích hợp liên môn hay các hoạt động trải nghiệm STEM thông qua các câu lạc bộ, ngày hội STEM. Đây là cách thức để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể các bài học cần sự linh hoạt, sáng tạo của các nhà trường, tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương, từng trường.
TS. Lê Thu Huyền - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: STEM không phải là những gì quá cao siêu, lớn lao hay phải cần cơ sở vật chất hoành tráng, đồ sộ. Các trường có thể sử dụng vật tư, vật liệu dễ tìm, sẵn có đối với giáo viên và học sinh.
Trong các hướng dẫn, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích sử dụng các nguồn tài nguyên số bổ trợ, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm, có thể dễ dàng truy cập sử dụng trong và ngoài lớp học để giúp học sinh chủ động trong học tập. Vì vậy giáo viên có thể linh hoạt vận dụng trong quá trình giảng dạy.
Theo ông Cấn Văn Đa - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng, buổi sinh hoạt chuyên đề đã giúp cho cán bộ quản lý và giáo viên quận Hai Bà Trưng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường học; thống nhất nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường.