Tích cực xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu tại 'kho' VAMC (Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng) đang được các ngân hàng riết ráo thực hiện.

Khi dứt được nợ xấu tại VAMC, các ngân hàng sẽ tự chủ lên kế hoạch kinh doanh và có thể tăng trưởng bứt phá giai đoạn tới.

Nợ xấu tại các ngân hàng đang tiếp tục được cải thiện.

Nợ xấu tại các ngân hàng đang tiếp tục được cải thiện.

Mới đây nhất, Vietin Bank cho biết đã không còn nợ xấu tại VAMC. Như vậy, theo thống kê, hiện đã có 18 ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC nữa. Bao gồm, Vietcombank, Agribank, ACB, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, SeABank, Techcombank, OCB, VPBank, KienLongBank, HDBank, LienVietPostBank, BIDV, VietCapital Bank, MSB, VietBank.

Thời gian qua các ngân hàng đã rẫt nỗ lực xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý các khoản nợ “gửi tạm” tại VAMC trong giai đoạn 2016, 2017. Cụ thể Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua về hơn 69,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại bằng trái phiếu đặc biệt. Những tờ trái phiếu đặc biệt mà VAMC “trả” cho các ngân hàng để mua nợ vẫn nằm im trong két nhà băng, chưa thể đưa ra sử dụng. Nói cách khác, VAMC vẫn là “kho” nợ.

Do vậy, khi 18 ngân hàng phát đi thông tin đã tất toán nợ xấu với VAMC cho thấy nỗ lực giải quyết nợ xấu của các bên liên quan.

Được biết, nhiều ngân hàng đang gửi tại kho VAMC rất nhiều nợ xấu. Chẳng hạn như Sacombank còn nắm hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, hay như Eximbank còn giữ hơn 1100 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Việc sớm xử lý được toàn bộ nợ xấu sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhà băng trong thời gian tới khi nợ xấu nội bảng có chiều hướng gia tăng do tác động của Covid-19. Bởi nếu vẫn để nợ xấu tại VAMC, định kỳ mỗi năm, các ngân hàng phải trích lập chi phí dự phòng 20% giá trị trái phiếu đặc biệt đối với kỳ hạn 5 năm và 10% đối với kỳ hạn 10 năm. Áp lực trích lập này là không nhỏ đối với những ngân hàng đang có lợi nhuận khiêm tốn.

Vì vậy, việc mua lại hay tất toán trước hạn nợ xấu bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng có điều kiện đánh giá, xem xét lại chất lượng khoản vay để đưa về nhóm phù hợp hơn.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng: “VAMC và các ngân hàng đã có tiếng nói chung trong xử lý nợ xấu và đang tích cực xử lý nợ xấu. Với các nhóm các ngân hàng đã hoàn thành việc xử lý nợ tồn đọng có lợi thế rõ ràng để duy trì đà tăng trưởng trong dài hạn do không còn phải trích lập lượng lớn dự phòng rủi ro cho các khoản nợ tồn đọng giúp lợi nhuận không bị “ăn mòn”.

Số liệu thống kê cho biết lũy kế từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đặt được kết quả khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thông qua việc ban hành Thông tư quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lũ lụt nên dự báo nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn tăng lên.

THÚY Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tich-cuc-xu-ly-no-xau-524071.html