'Tịch điền' dưới triều Nguyễn chăm việc gốc, trọng nghề nông
Theo sử sách ghi chép, Lễ 'Tịch điền' đầu tiên ở nước ta do Vua Lê Đại Hành khởi xướng vào năm Thiên Phúc thứ 8 (987) và tiếp tục được thực hiện ở một số triều đại sau. Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng coi đây là một nghi lễ hết sức quan trọng.
Vua Minh Mạng cho rằng, việc nông là việc trước nhất của nhà nước. Nếu vua không tự mình làm thì không lấy gì dạy thiên hạ bỏ việc ngọn chăm việc gốc được. Vua đã ban lời dụ: “Những người có chức trách thân dân nên thể ý trẫm mà khuyến khích việc nông tang, khiến cho dân đủ ăn đủ mặc vui vẻ ấm no. Để thỏa lòng trẫm trọng nông, chuộng gốc, mình tự làm trước, mà nêu phép tắc”.
Vua Thiệu Trị thường rước Thái hoàng thái hậu tới ngự lên lầu, xa trông ruộng tịch điền của nhà vua. Thái hoàng thái hậu dụ rằng: “Năm trước, Nhân hoàng đế làm ra cái vườn này, vì sợ rằng phú quý sinh ra kiêu ngạo xa xỉ, không biết yêu dân, thương người làm ruộng, cho nên làm cho hoàng đế cái nhà riêng trước nơi ruộng tịch điền, để cho hoàng đế biết việc cấy gặt là khó nhọc, hoàng đế phải nghĩ tiết kiệm, chớ nên tự mình hao phí các thứ ngọc thực, vui riêng cửa nhà vườn tược. Như thế không phải là ý của Tiên đế”. Vua vâng theo lời dạy.
Lễ “Tịch điền” dưới triều Nguyễn thường được tiến hành vào tháng 5 âm lịch (tháng trọng Hạ) hằng năm. Việc vua đích thân cày ruộng tịch điền được ghi lại trong nhiều châu bản. Đây là nội dung một bản tấu của Bộ Lễ trong châu bản Thành Thái: “Tháng tới là đến kỳ cày ruộng tịch điền. Bộ thần xét trong tháng đó có lễ thánh thọ, khánh tiết, điển lễ nhiều vì vậy lễ cày ruộng tịch điền tuân theo phê chuẩn trước đây, Hoàng thượng đích thân cày ruộng và do Khâm Thiên giám chọn một ngày vào hạ tuần tháng đó, ngày nào tốt làm tờ phiến đầy đủ giao bộ chờ chỉ tuân theo thực hiện”.
Để cho Lễ “Tịch điền” diễn ra tốt đẹp, việc chuẩn bị được tiến hành cẩn thận, chu đáo từ trước đó. Trước kỳ, phủ Thừa Thiên sức cho nông dân cày bừa ruộng tịch điền trước cho đất mềm kỹ. Trước 5 ngày, vua ngự vườn Vĩnh Trạch xem tập cày. Trước 1 ngày, quan phủ Thừa Thiên lĩnh đệ 1 cái roi, 1 cái cày, 1 thùng thóc, đặt lên án vàng trên thềm giữa điện Cần Chính. Vua thân xem đồ nông cụ xong, quan Bộ Hộ mang giao cho quan phủ Thừa Thiên tiếp nhận mang ra cửa Tả Túc, đặt vào long đình.
Vua Minh Mạng cho rằng, việc vua thân đi cày ruộng tịch điền là ý muốn chăm việc gốc, trọng nghề nông, lấy mình làm gương cho dân, không ngại khó nhọc, vì vậy những nông cụ dùng trong Lễ “Tịch điền” không cần trang sức bằng vàng để tránh lãng phí. Bộ Lễ đảm nhiệm việc soạn nghi lễ và trước đó 1 ngày, vua đến điện Cần Chính thân duyệt lễ cày. Bộ Lễ sẽ kê khai danh sách các viên quan được chọn cùng theo cày, trình lên vua để vua lựa chọn.
Theo châu bản triều Minh Mạng, các hoàng tử, thân công và đại thần văn võ đi theo vua cày bừa đều được ban thưởng.
Đây là Lễ “Tịch điền” được Quốc Sử quán triều Nguyễn mô tả chi tiết trong sách Đại Nam thực lục chính biên:
“Giờ Tỵ ngày hôm ấy, vua đến cung Khánh Ninh trú chân. Biền binh đứng bày hàng ở tả hữu đường vua đi. Lại bày lính và voi cờ súng ống ở ngoài tường ruộng tịch điền. Giờ Tý ngày ấy, Hữu ty bày lễ phẩm trên đàn Tiên Nông. Canh năm, trống nghiêm ba hồi, thị vệ bày lễ bộ ở ngoài cửa cung Khánh Ninh. Đến giờ Mão, vua đội mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc lên kiệu, người dẫn trước, người theo sau, đúng nghi vệ. Nhã nhạc có bày nhưng không cử. Đến tường phía nam đàn Tiên Nông, các quan mang mũ áo thường triều quỳ đón ở phía trong cửa phường. Vua đến bên đông đường thần lộ xuống kiệu vào tế. Lễ xong, vua ngự đến điện cụ phục, thay mang mũ đường cân cửu long, áo long bào chẽn tay, thắt đai ngọc. Bộ Lễ tâu xin làm lễ cày tịch điền. Vua đến chỗ cày, đứng trông hướng nam, các quan đứng chầu ở tả hữu đài Quan Canh; quan Thái thường tự xướng, quan Lễ bộ dâng cày, quan phủ Thừa Thiên dâng roi. Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, kỳ lão và nông phu đều 2 người dắt trâu, thị vệ 2 người đỡ cày. Ca sinh hát bài “Hòa từ”, nhạc sinh múa cờ màu, nhã nhạc cử nhạc. Phủ Thừa Thiên bưng thùng thóc đi theo. Hoàng tử cùng quan Hộ bộ đều cử một người theo sau vãi thóc. Vua cày 3 đường đi 3 đường lại xong, ngự lên đài Quan Canh. Các quan ở dưới đài chia 2 bên đứng hầu. Các hoàng tử và thần công theo cày, đều đội mũ vàng mặc áo đỏ, cầm cày cầm roi cày 5 đường đi 5 đường lại, kế đến văn võ đại thần 9 người, văn đội mũ văn công, võ đội mũ hổ đầu, đều mặc áo lam, cùng cầm cày cầm roi cày 9 đường đi 9 đường lại. Đều dùng thuộc lại kinh huyện đi theo sau bưng thùng thóc vãi thóc. Lễ xong, vua ngự điện cụ phục, thay mặc long bào rộng tay, lên kiệu. Đại nhạc nhã nhạc đều nổi. Các quan lại ở trong cửa phường quỳ tống. Vua về cung Khánh Ninh. Các quan làm lễ khánh hạ. Ban yến và ban thưởng theo thứ bậc”.
Sau nghi lễ tịch điền đến lúc lúa chín, các quan được giao nhiệm vụ phải cắt lượt nhau hằng tháng đến xem xét kiểm tra rồi tâu lên. Ngày Mậu Thìn tháng 5 năm Minh Mạng thứ 11, vua cày ruộng tịch điền, dụ rằng: Từ nay về sau, hằng năm, từ lúc vua cày ruộng gieo giống đến lúc lúa chín, đường quan sai bộ phải cắt lượt nhau mỗi tháng 2 lần, mỗi lần 1 viên thân đến xem xét rồi tâu lên, tùy việc sức cho nông dân để ý vun bón và tát nước, lại chuyên giao cho Kinh doãn thường đi trông coi, lấy tháng 6 năm nay bắt đầu.
Theo lệ xưa nay, sản phẩm thu hoạch được ở ruộng tịch điền thường đem cung tiến. Số thóc gạo thu được hằng năm trên ruộng tịch điền giao cho Bộ Lễ cân nhắc dâng tiến các lễ tiết cả năm và cung tiến cung Gia Thọ, cung tiến vua dùng.
Qua cày ruộng tịch điền, vua Minh Mạng thấy việc cày cấy của nhà nông gian lao khó nhọc mà chưa được no ấm, vì vậy gia ân cho giảm thuế.
Bản tư trình của Phó tổng trấn Bắc Thành họ Phan trong châu bản Minh Mạng đề cập: Tháng 6 năm Minh Mạng thứ 9, phụng thượng dụ trong đó có 1 khoản nói: Trẫm tự thân đi cày bừa ở ruộng tịch điền, làm được 3 lượt thì thôi, tuy chưa thấy vất vả mà các công khanh theo cày bừa và nông phu, nhiều người mồ hôi chảy đầy mặt mà dừng lại. Có thể thấy việc cày cấy gian lao khó nhọc, so với các việc khác lại càng khó nhọc hơn. Nghĩ rằng nhà nông cả năm cần cù mà chưa được no ấm, bất giác thấy động lòng. Vậy gia ân đem số thóc thuế lúa gạo trưng thu năm Minh Mạng 10, miễn giảm cho 3 phần 10.
Lễ “Tịch điền” là chính sách khuyến nông độc đáo và có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống tâm linh của triều đình nhà Nguyễn và muôn dân lúc bấy giờ