Tích hợp AI vào trường học

Tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trường học sẽ giúp trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, từ đó tăng cường sự tham gia của học sinh và cải thiện kết quả giáo dục.

Thông tin được trao đổi tại hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản trị tổ chức, quản trị trường học và dạy học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở Việt Nam, diễn ra sáng 17/10.

Hội thảo do Trung tâm Khu vực về Học tập suốt đời của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO CELLL) phối hợp với các đơn vị thực hiện.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc SEAMEO CELLL cho biết, trong những năm gần đây, việc tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị tổ chức và đặc biệt là trong giáo dục, đã trở thành một xu hướng với tiềm năng định hình lại quá trình quản lý tổ chức trường học và các quy trình học tập. Từ đó, mở ra những cơ hội để nâng cao kết quả hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng phạm vi học tập vượt ra ngoài môi trường lớp học truyền thống.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo còn có khả năng đơn giản hóa các quy trình quản lý tổ chức, quản trị trường học, giảm gánh nặng hành chính và giải phóng thời gian cho đội ngũ quản lý, đặc biệt là giáo viên để họ tập trung vào giảng dạy và tương tác với học sinh.

Hội thảo khu vực về tích hợp AI vào quản trị tổ chức, trường học và dạy học

Hội thảo khu vực về tích hợp AI vào quản trị tổ chức, trường học và dạy học

Tiến sĩ Tommy Tan, nhà sáng lập của DOLPHINE cho biết, công nghệ AI mới trong giáo dục như gia sư thông minh cung cấp hướng dẫn và phản hồi được cá nhân hóa cho học sinh, từ đó điều chỉnh nội dung và tốc độ học phù hợp với mỗi cá nhân để tăng cường sự tham gia của học sinh và cải thiện kết quả học tập. Bên cạnh đó việc phân tích kết quả học tập sử dụng công nghệ AI nhằm hiểu rõ hơn về hiệu suất và hành vi học tập của học sinh. Từ đó, giáo viên có thể đưa ra các phương pháp để cải thiện việc giảng dạy phù hợp với học sinh của mình

Ngoài ra, các công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đang được sử dụng để phát triển chatbot, trợ lý ảo, cải thiện việc học và thu hút học sinh tham gia.

Hiện nay, một số nước trong khu vực đã nhận thức được vai trò của phát triển công nghệ AI ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, như Myanmar có dự án phát triển tiếng Myanmar và văn học, Khang Panya Lào,... Tuy nhiên thách thức đặt ra hiện nay là nguồn nhân lực, chi phí cũng như hạ tầng để phát triển AI. Do đó các đơn vị cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ AI từ đó nhằm đào tạo một thế hệ chuyên gia mới trong lĩnh vực công nghệ AI.

Vũ Hường/VOV TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tich-hop-ai-vao-truong-hoc-post1129011.vov