Tích hợp giáo dục đạo đức lối sống cần được thực hiện hằng tuần

Hoạt động trải nghiệm trong chương trình giáo dục phổ thông mới có vai trò quan trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Một giờ học trải nghiệm hướng nghiệp.

Một giờ học trải nghiệm hướng nghiệp.

Nội dung gần gũi, thiết thực

Bộ GD&ĐT vừa ban hành tài liệu hướng dẫn hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh THCS trong môn Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tài liệu được biên soạn trên những kết quả nghiên cứu, hoạt động đã triển khai thành công trong thực tiễn tại các nhà trường.

Theo nhóm chuyên gia Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một hoạt động giáo dục có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng cho học sinh về nhận thức, tình cảm, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật để học tập, làm việc có trách nhiệm.

Cũng như nhiều môn học khác, giáo dục đạo đức lối sống được tích hợp vào hoạt động này một cách linh hoạt và hiệu quả.

Học sinh được gắn kiến thức lý thuyết vào thực tiễn cuộc sống để có thể điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Qua đó, mỗi học sinh hình thành và rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật, dũng cảm phê phán, tố cáo điều sai trái, biết sống trung thực, bảo vệ cái tốt, điều hay lẽ phải, sống đẹp, sống có ích cho chính mình và lan tỏa tinh thần đó tới mọi người.

Không chỉ được hoạt động trên lớp, học sinh còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài xã hội và cộng đồng, từ đó có cơ hội học hỏi, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có nội dung gắn bó chặt chẽ với đời sống của học sinh nên khả năng tích hợp, lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào bài học là hết sức phong phú, đa dạng.

Do vậy, thiết kế hoạt động tích hợp, lồng ghép cần linh hoạt theo mức độ những nội dung, phương thức, không gian và hoàn cảnh của hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần được thiết kế gần gũi, thiết thực với học sinh và hướng tới mục tiêu giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh.

Các loại hình hoạt động

Theo hướng dẫn của nhóm chuyên gia, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được thiết kế và tổ chức để tích hợp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh THCS được tổ chức trong cả 4 loại hình hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp và hoạt động giáo dục theo chủ đề bao gồm các hoạt động trải nghiệm thường xuyên và hoạt động trải nghiệm định kỳ và hoạt động câu lạc bộ.

Trong hoạt động sinh hoạt dưới cờ, việc tích hợp giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được tổ chức ở quy mô toàn trường và phải có sự tham gia tích cực của học sinh toàn trường chứ không chỉ là một nhóm tích cực còn số khác tham gia thụ động;

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có nội dung gắn bó chặt chẽ với đời sống của học sinh.

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp có nội dung gắn bó chặt chẽ với đời sống của học sinh.

Trong hoạt động sinh hoạt lớp, việc tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống ở học sinh cần được thiết kế sao cho mỗi thành viên trong lớp đều tham gia vào công việc chuẩn bị và tiến hành tổ chức hoạt động;

Trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo chủ đề thường xuyên, việc tích hợp giáo dục đạo đức lối sống ở học sinh cần được thực hiện hàng tuần theo thời khóa biểu, theo một chương trình nhất định và có tính hệ thống vì đây là loại hình chủ chốt trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo chủ đề định kỳ được tổ chức theo quy mô khối lớp hoặc quy mô toàn trường theo kế hoạch một đến hai lần một học kỳ của nhà trường. Loại hoạt động này cần được tổ chức ở không gian rộng lớn hơn với mục tiêu giáo dục đạo đức lối sống tổng hợp cao hơn cho học sinh.

Hoạt động CLB là hình thức tự chọn, tổ chức hoạt động dựa trên sở thích của cá nhân và nhóm. Các nhóm có thể là các học sinh ở các độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung một mối quan tâm. CLB sinh hoạt vào thời gian ngoài giờ lên lớp.

Các nhóm hoạt động tương ứng

Nội dung hoạt động trải nghiệm xoay quanh mối quan hệ giữa học sinh với bản thân, với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và thế giới nghề nghiệp. Từ các mối quan hệ này có 4 nhóm hoạt động tương ứng: Hoạt động hướng vào bản thân; Hoạt động hướng đến xã hội; Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp.

Trong nội dung hoạt động hướng vào bản thân có hai mảng chính: khám phá bản thân từ hình ảnh bên ngoài đến khả năng rèn luyện bản thân của mình và hoạt động.

Hoạt động hướng đến xã hội gồm các hoạt động chăm sóc gia đình, xây dựng nhà trường và xây dựng cộng đồng. Với mỗi một nhóm cộng đồng xã hội, học sinh cần phát triển các kỹ năng quan hệ và hướng vào những đóng góp cụ thể thông qua việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động của gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Hoạt động hướng đến tự nhiên bao gồm các hoạt động tìm hiểu và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nội dung của nhóm hoạt động này tập trung vào việc khám phá cảnh quan và thực tế môi trường từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và có trách nhiệm với môi trường sống của học sinh.

Hoạt động hướng nghiệp ở THCS chia làm hai giai đoạn. Ở lớp 6 và lớp 7, hoạt động hướng nghiệp vẫn chỉ tập trung vào tìm hiểu về nghề nghiệp. Đến lớp 8 và lớp 9, bên cạnh hoạt động tìm hiểu nghề nghiệp, hoạt động hướng nghiệp bắt đầu tập trung hơn vào hoạt động rèn luyện phẩm chất, năng lực phù hợp với định hướng nghề nghiệp cũng hoạt động lựa chọn nghề nghiệp và lập kế hoạch học tập theo định hướng nghề nghiệp.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tich-hop-giao-duc-dao-duc-loi-song-can-duoc-thuc-hien-hang-tuan-post625631.html