Tích trữ Tamiflu phòng cúm: lợi bất cập hại
Thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng người dân tự ý mua và tích trữ thuốc Tamiflu để phòng khi dịch cúm bùng phát hoặc tự dùng khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm. Đặc biệt, nhiều phụ huynh còn truyền tai nhau về việc mua kit xét nghiệm cúm và cho con uống Tamiflu để 'hạ sốt nhanh'.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, không phải trường hợp nào bị cúm cũng cần sử dụng thuốc Tamiflu. Đối với những trường hợp có triệu chứng cúm nhẹ, bệnh thường sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp bằng loại thuốc này. Việc tự ý sử dụng Tamiflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ không những làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Bệnh cúm (hay cúm mùa) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, biểu hiện qua các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C gây ra, lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết từ mũi họng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Theo BS Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, không phải bệnh nhân nào mắc cúm cũng cần dùng Tamiflu. Theo thống kê, khoảng 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ và có thể tự khỏi mà không cần điều trị đặc biệt. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, hoặc có tổn thương phổi mới cần nhập viện để điều trị, và khi đó Tamiflu sẽ được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác. Đối với các trường hợp chỉ bị ho, chảy nước mũi, sốt nhẹ và không có tổn thương phổi sau khi chụp X-quang, người bệnh chỉ cần điều trị ngoại trú và nâng cao thể trạng để bệnh tự khỏi.
Tamiflu là một loại thuốc kháng virus, hoạt động bằng cách ức chế men neuraminidase của virus cúm. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus cúm nhân đôi trong tế bào và men này giúp virus tách khỏi tế bào chủ để tiếp tục lây lan. Tamiflu có tác dụng làm giảm sự phát tán của virus cúm bằng cách ngăn chặn quá trình này. Tuy nhiên, thuốc chỉ thực sự hiệu quả khi được sử dụng trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng cúm và phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, việc điều trị chủ yếu tập trung vào hạ sốt và chăm sóc để phòng tránh biến chứng.
Những người cần điều trị bằng Tamiflu bao gồm bệnh nhân cúm có triệu chứng rõ ràng như sốt cao kéo dài, tổn thương phổi, và những đối tượng dễ gặp biến chứng nặng như trẻ em dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, hoặc những người mắc bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim hay suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, Tamiflu cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu và có nguy cơ gây độc thận ở người có bệnh lý về thận. Việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị trong tương lai.
Để phòng ngừa cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine cúm hàng năm để tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, cần duy trì các biện pháp vệ sinh cá nhân như che miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên với xà phòng, và vệ sinh mũi họng bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cũng là những cách hiệu quả giúp phòng bệnh. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết và nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Quan trọng nhất, người dân không nên tự ý mua và sử dụng Tamiflu mà cần có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ. Khi xuất hiện các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý xét nghiệm và dùng thuốc tại nhà, có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.