Bệnh nhân cúm nhập viện gia tăng, nhiều người phải thở máy
Số bệnh nhân cúm nhập viện gia tăng ở nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt, nhiều người bị biến chứng nặng, phải thở máy, tình trạng nguy kịch.
![PGS.TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân bị cúm biến chứng phải thở máy nhiều ngày](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_309_51450116/6c3ef08bc5c52c9b75d4.jpg)
PGS.TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân bị cúm biến chứng phải thở máy nhiều ngày
Nhiều bệnh nhân cúm biến chứng nặng
Là chuyên khoa điều trị bệnh lây truyền, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đang rất đông bệnh nhân mắc cúm mùa và đều là những bệnh nhân nặng và có bệnh nền. Có người thở máy đã 8 ngày.
Trao đổi với VietTimes, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, cho biết thời gian qua, bệnh nhân cúm đến Trung tâm tăng đột biến so với mọi năm. Tổng số điều trị ở Trung tâm này đến nay đã khoảng 3.000 ca - đều là bệnh nhân cúm nặng có bệnh nền, ở các khoa khác chuyển sang hoặc từ tuyến dưới chuyển lên.
Hiện, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho nhiều bệnh nhân cúm, trong đó nặng nhất là ông T.V.A (78 tuổi) có bệnh nền, mắc cúm và đã phải thở máy 8 ngày.
Vì thế, ông Cường đặc biệt lưu ý những bệnh nhân có bệnh nền như ung thư, viêm phổi, tim mạch, tiểu đường, xơ gan … khi bị cúm dễ chuyển nặng với những biến chứng như suy hô hấp, tổn thương phổi, bị nặng có thể phải thở máy, thở ô xy, nếu suy đa tạng sẽ phải lọc máu, rồi bội nhiễm, nấm …
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết các bệnh nhi vào khoa này tăng từ tháng 12/2024.
Trước đó, tháng 11/2024, trung bình bệnh viện chỉ tiếp nhận 100-120 ca/tuần, nhưng đến tháng 12/2024 đã tăng gấp 4 lần so với tháng 11 và đến tháng 1/2025, lại tăng 4 lần so với tháng 12/2024 với trung bình 1.200 ca/tuần. Trong đó, khoảng 10-15% nhập viện đều là các ca nặng.
Đại diện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, hiện ở đây đang điều trị 45 ca mắc cúm, đều trong tình trạng nặng, trong đó, 5 ca thở máy, 5 ca HFNC (thở ô xy lưu lượng cao), 10 ca thở ô xy kính… đều là những người có bệnh nền.
Tỉnh Lào Cai cũng có khoảng 700 ca mắc cúm, trong đó, nhiều bệnh nhân nặng đều cao tuổi, có bệnh nền và biến chứng viêm phổi; có một bệnh nhi nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực
Yên Bái cũng đang ghi nhận số ca mắc cúm mùa gia tăng với các triệu chứng phổ biến là sốt, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi, chảy nước mũi.
Theo CDC tỉnh Yên Bái, từ ngày 1/1/2025 đến nay, Yên Bái ghi nhận gần 1.000 ca mắc cúm, cao hơn cùng kỳ năm trước. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C.
![Bệnh nhân cúm đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_309_51450116/400bdebeebf002ae5be1.jpg)
Bệnh nhân cúm đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Không tự ý mua và dùng thuốc Tamiflu
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, không phải ai mắc cúm cũng bị nặng, vì thế, hiện chưa có các khuyến cáo cách ly hay những biện pháp cần thiết khác. Khi mắc cúm, cần liên hệ chặt chẽ với bác sĩ.
Trước tình trạng bệnh cúm gia tăng ở nhiều nước cũng như các tỉnh phía Bắc, nhiều người lo ngại đã đổ xô đi mua thuốc điều trị cúm Tamiflu, tạo sự khan hiếm không cần thiết, mà còn dẫn tới sử dụng thuốc tùy tiện.
PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh: Việc sử dụng Tamiflu phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế vì đây là thuốc kê đơn, có chỉ định riêng biệt, không sử dụng rộng rãi để tránh kháng thuốc. Chỉ bệnh nhân cúm nặng mới dùng Tamiflu.
Người thấy có dấu hiệu mắc cúm phải đi khám, làm xét nghiệm khẳng định mắc cúm và được bác sĩ chỉ định mới dùng Tamiflu. Không có khuyến cáo nào cho việc uống Tamiflu có tác dụng dự phòng cúm. Việc tự ý mua dùng Tamiflu dễ dẫn đến tùy tiện, làm kháng thuốc.
PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý mọi người nên tiêm phòng cúm, đặc biệt là người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, vì hiện đã có nhiều loại vắc xin để lựa chọn, với giá cả khác nhau. Nhiều bệnh viện đã có các phòng tiêm và tư vấn cho bệnh nhân khi ra viện nên tiêm phòng để tránh mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc nếu mắc thì giảm biến chứng.
TS Lê Kiến Ngãi cũng lưu ý người dân cần có ý thức phòng bệnh truyền nhiễm nói chung một cách thường xuyên, liên tục và có trách nhiệm, sẽ kiểm soát và tránh được bùng phát dịch.
TS Ngãi cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua và dùng Tamiflu, nhất là cho trẻ nhỏ, mà phải có chỉ định của bác sĩ sau khi khám và có kết quả xét nghiệm cúm.