Tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn: Hành lang pháp lý phải đi trước

'Đất đai manh mún kìm hãm sản xuất nông nghiệp chuyên môn hóa, là nguyên nhân chính khiến năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực', Nghiên cứu 'Các rào cản thể chế ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam' do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tiến hành với sự hỗ trợ của dự án Aus4Reform đưa ra nhận định.

54% số mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,2 ha

54% số mảnh đất sản xuất nông nghiệp có diện tích dưới 0,2 ha

Chính vì vậy, vấn đề tích tụ đất đai đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Hội thảo “Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai” diễn ra mới đây dẫn kết quả nghiên cứu nói trên cho biết có hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha.

“Đất manh mún và phân tán, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang kìm hãm sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam”, nghiên cứu khẳng định.

Quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất trong những năm qua trên thực tế đã diễn ra với các hình thức và bước đi đa dạng, sáng tạo, nhưng tỷ lệ diện tích xây dựng cánh đồng lớn còn hạn chế và đang có xu hướng đình trệ. Quy mô sản xuất của cánh đồng lớn so với tổng diện tích gieo trồng của cả nước mới chỉ chiếm 3,9%.

Thái Bình là tỉnh tiên phong thí điểm tích tụ tập trung đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Bà Khổng Thị Thịnh, đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Bình, cho biết ở địa phương này đã có 17.400 ha đất tích tụ. Hầu hết các mô hình tích tụ, tập trung đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5-2 lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung.

Nhưng, quá trình tích tụ đất ở Thái Bình cũng gặp không ít vướng mắc, khó khăn bởi pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc thực hiện tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các mô hình tích tụ đều chưa đảm bảo thủ tục về đất đai, các bên chỉ thực hiện theo thỏa thuận giữa người thuê, mua hoặc mượn với người có ruộng.

Vấn đề với Thái Bình và cũng gặp ở nhiều địa phương trong cả nước.

Bà Khổng Thị Thịnh đề nghị bổ sung quy định việc tập trung đất đai trong một khu vực được thực hiện theo một hay kết hợp nhiều phương thức để địa phương có căn cứ thực hiện.

Về thời hạn cho thuê đất, bà Thịnh nói 5 năm là quá ngắn để đầu tư sản xuất quy mô, bài bản. Vì vậy, thời hạn với hộ gia đình tối thiểu là 10 năm, với tổ chức/doanh nghiệp ít nhất là 20 năm.

Để xác định nhà đầu tư tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp, dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp đưa ra tiêu chí cho hộ gia đình và cho tổ chức kinh tế:

Với tiêu chí: Quy mô từ 2 ha đến không quá hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và có phương án sản xuất, kinh doanh từ 3 năm trở lên; Quy mô diện tích gấp từ 20 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trở lên và có dự án đầu tư dài hạn từ 5 năm trở lên, theo đại diện Tổng cục Thủy sản, nếu đưa ra quy định về thời hạn này sẽ là một sự cản trở và kìm hãm, vì thị trường thay đổi rất nhanh đòi hỏi phương án sản xuất kinh doanh cũng phải linh hoạt có khi chỉ 3 năm thôi là phải điều chỉnh phương án.

Bên cạnh đó, thị trường đất nông nghiệp chưa có và các thủ tục liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất như mua bán, góp vốn, thuê đất đang làm khó cả bên có đất và bên có nhu cầu về đất sản xuất nông nghiệp.

Để giải quyết những vấn đề bất cập và khó khăn vướng mắc liên quan đến đất đai, Luật Đất đai 2013 đang được xem xét sửa đổi hoàn thiện. Đồng thời các dự thảo Nghị định về tích tụ tập trung đất đai, Nghị định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cũng đang được sửa đổi và xin ý kiến rộng rãi.

Ông Nguyễn Văn Tốn, đến từ Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh đến sự đồng bộ của và thống nhất của trong việc sửa đổi 3 nghị định và các chính sách liên quan.

“Tích tụ đất, góp đất là vấn đề mà yếu tố tâm lý rất nặng nên hành lang pháp lý phải đi trước để người dân yên tâm. Như vậy, chỉ có chính sách đất đai thì khó đi vào thực tiễn mà cần các chính sách bổ trợ cho chính sách đất đai...”, ông Tốn nói.

Tri Nhân

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tich-tu-ruong-dat-de-san-xuat-lon-hanh-lang-phap-ly-phai-di-truoc-95297.html