Tiếc cho cố họa sĩ Mai Long

Tối 21/7, họa sĩ Mai Long tạ từ nhân thế ở tuổi 94 (1930 - 2024). Tang lễ của ông diễn ra sáng 28/7, một số đồng nghiệp tới tiễn đưa ông lần cuối không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối, vì cuối cùng người đóng góp cho tranh lụa Việt Nam, cho hoạt hình Việt Nam, người thổi hồn cho những truyện tranh nuôi dưỡng tuổi thơ của bao thế hệ lại không có giải thưởng danh giá nào trong sự nghiệp. Ông trượt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021.

Một họa sĩ đa tài, đóng góp trên nhiều lĩnh vực

Mai Long vẽ nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu… nhưng thủy chung với lụa. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tiền Phong mấy năm trước, ông tâm sự: Lụa hợp với tâm hồn ông, trí óc ông, vừa lãng mạn, vừa giàu trí tưởng tượng. Ông xác nhận cả sự nghiệp cầm cọ đã vẽ khoảng ngàn bức tranh lụa, gia tài hội họa của ông 80% là tranh lụa.

Chân dung tự họa của Mai Long

Chân dung tự họa của Mai Long

Phóng viên gõ cửa Kim Thái, nữ họa sĩ gắn bó với tranh lụa. Bà kể: “Dòng tranh lụa đậm đà tính dân tộc. Thời ấy, Mai Long rất đắt khách. Chẳng mấy người Việt mua tranh của ông nhưng người ngoại quốc mua nhiều lắm. Cho nên, trong khi nhiều người trong giới chật vật áo cơm thì Mai Long đã sống dư dả rồi. Có thể vì tranh bán tốt, ăn khách nên ông bị hiềm khích, tranh bị mang tiếng là tranh thị trường. Nhưng tôi thấy tranh ông hay lắm, mang tính dân tộc, chứ không phải “nịnh” Tây mà được họ mua đâu. Tranh lụa của Mai Long nuột nà, mềm mại, gọn ghẽ, chỉn chu chứ không đi theo xu hướng tìm tòi, phá cách. Những tác phẩm của ông đã bán ra nước ngoài đều tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt, đáng khích lệ”. Ngoài đời, nữ họa sĩ thường gọi Mai Long là thầy, vì lòng kính trọng: “Ngoài đời, thầy rất thuần hậu, trong sáng. Ngay cả khi về già thầy vẫn sống thuần hậu, không đua chen, không bực bội, rất đáng quí”.

Bà nhận tin người thủy chung với tranh lụa qua đời khi đang ở châu Âu: “Tôi ân hận vì cứ mải mê việc này, việc kia mà chưa đến thăm thầy được. Lúc này biết tin thầy trượt Giải thưởng Nhà nước lại càng thương. Người ra đi rồi thì cần gì những thứ ấy đâu nhưng thầy xứng đáng. Đừng nói tranh lụa, ngay mảng vẽ minh họa truyện cổ, thầy đã tạo dấu ấn đặc biệt. Truyện cổ Tấm Cám với minh họa Mai Long còn sống trong ký ức tuổi thơ của nhiều người”.

Họa sĩ, Nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên, Giải thưởng Nhà nước 2007, cũng bất ngờ khi họa sĩ Mai Long về bên kia thế giới vẫn không được gọi tên ở Giải thưởng Nhà nước. Ông chia sẻ: “Tôi có tham gia hội đồng chuyên môn, tôi bỏ phiếu cho Mai Long vì Mai Long quá xứng đáng. Tôi nghĩ về chuyên môn thì không phải bàn, hầu hết bỏ phiếu cho ông thôi. Ông ấy trượt thì vô cùng tiếc. Ngoài tranh lụa tôi còn đánh giá cao ông ấy ở mảng phim hoạt hình. Theo tôi ở mảng họa sĩ phim hoạt hình ông ấy là một trong những tác giả thành công nhất, vẽ nhiều phim hoạt hình rất đẹp như “Chuyện Ông Gióng” (1970), “Sơn Tinh Thủy Tinh” (1972)…”

Họa sĩ Tô Chiêm, người biên soạn cuốn sách “Họa sĩ Mai Long - Những bức tranh như những bài thơ” - NXB Kim Đồng, tâm sự: “Khi nghe tin cụ ốm cách đây chừng 1 năm thì Nhà xuất bản Kim Đồng đã đến thăm. Cụ không nhắc đến việc trượt giải thưởng. Nhưng khi đến tang lễ, tôi có nghe người ta nhắc chuyện này”. Theo ông Tô Chiêm, họa sĩ Mai Long không bận tâm chuyện giải thưởng: “Tính cụ không là người ham hố những thứ ấy. Trước đây người ta muốn đẩy cụ lên làm giám đốc xưởng phim cụ cũng từ chối”. Nhưng Tô Chiêm không ngạc nhiên khi họa sĩ Mai Long trượt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021: “Xứng đáng về chuyên môn mà trượt giải thưởng ở nước mình cũng bình thường ấy mà. Nhưng tiếc cho cụ. Nhiều người đâu bằng cụ mà cũng giải nọ, giải kia”.

Một tác phẩm hội họa của Mai Long

Một tác phẩm hội họa của Mai Long

Nếu chỉ căn cứ giải thưởng thì khó

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bình luận: “Nếu căn cứ vào giải thưởng nọ, giải thưởng kia thì khó cho Mai Long. Ở đây phải xét cống hiến của nghệ sĩ”. Ông nhìn sang lĩnh vực khác và nhận xét: “Bên âm nhạc Giải thưởng Nhà nước hơi bị nhiều, mà có những tên tuổi lạ hoắc, tôi chưa nghe nhạc của họ bao giờ. Bên sân khấu cũng thế, huy chương vàng, huy chương bạc như mưa qua các kỳ hội diễn”. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam còn nhắc đến một số trường hợp đáng tiếc khác của ngành mỹ thuật cũng trượt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh 2021. Còn bên âm nhạc, ông lại cực tiếc cho trường hợp của Phú Quang.

Phóng viên liên lạc với bà Trịnh Anh Thư, vợ của cố nhạc sĩ Phú Quang. Bà là người đã làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật năm 2021 cho Phú Quang khi ông đang nằm trên giường bệnh: “Tôi làm hồ sơ vì nghĩ giải thưởng như món quà cuối cùng dành cho anh, khi anh không còn được bao nhiêu ngày nữa, chứ không phải để làm gì”. Bà Anh Thư chia sẻ cảm xúc khi biết tin Phú Quang trượt Giải thưởng Nhà nước 2021: “Tôi quá bất ngờ và thất vọng, chính xác cảm xúc của tôi là như vậy. Tôi cũng thấy tổn thương và buồn rất nhiều, buồn cho nhân tình thế thái”.

Năm 2011, nhạc sĩ Phú Quang cũng đã từng trượt Giải thưởng Nhà nước. Ông từng nói: “Tôi không sốc, không thất vọng, không buồn bã, khóc lóc. Sợ mang tiếng “kiêu” nên tôi mới đồng tình với ý kiến bạn bè, gia đình làm hồ sơ. Giờ tôi coi việc mình làm hồ sơ xin xét tặng giải thưởng là sự lầm lỡ và trót dại”. Ông cũng nói về lý do không kiện tụng ầm ĩ: “Tôi có thói quen là làm điều có thể làm được chứ không bao giờ đi kiện… đầu gối mình”. Lại nhớ trong lời điếu mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đọc tại lễ truy điệu nhạc sĩ Phú Quang sáng 13/12/2021, đánh giá: “Nhạc sĩ Phú Quang xứng đáng là tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này”. Thế mà “tượng đài bất hủ” lại trượt giải thưởng danh giá tận 2 lần. Nhưng cũng không có gì lạ. Bên văn học, những cái tên quá đỗi quen thuộc và được độc giả nhiều thế hệ yêu mến như Thu Bồn, như Xuân Quỳnh cũng từng suýt trượt Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Một số truyện cổ được minh họa bằng tranh Mai Long

Một số truyện cổ được minh họa bằng tranh Mai Long

Trở lại với trường hợp của cố họa sĩ Mai Long. Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên còn tiết lộ: “Không phải lần đầu ông làm hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước. Tôi nhớ, năm 2007, ông cũng đã làm hồ sơ đề nghị xét tặng một lần, cùng thời điểm với tôi”. Im lặng một lát, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên trầm giọng: “Phù vân ấy mà. Được giới công nhận, được dư luận xã hội khen là được rồi. Còn tiền thưởng thì được đôi trăm triệu đồng có đáng gì đâu?”. Với họa sĩ tên tuổi và tranh được thị trường đón nhận thì số tiền thưởng ấy quả thực không phải thứ họ quan tâm. Khi còn sống, họa sĩ Mai Long từng chia sẻ với phóng viên, ông không có nhu cầu bán tranh vì mỗi bức tranh là cả tâm huyết của người nghệ sĩ, bán đi thì xót xa. Vả lại ông cũng không có nhu cầu lớn về vật chất.

Mai Long quê gốc Nam Định nhưng sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, là cán bộ tuyên truyền của Ty Văn hóa - Thông tin Liên khu 10. Trong thời gian này, ông được cử đến học ở xưởng vẽ của họa sĩ Tô Ngọc Vân, sau đó ông thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy.

Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Kháng chiến, khóa 1950-1953, ông ra mặt trận, sau đó lên Tây Bắc, gắn bó với Tây Bắc 10 năm. Năm 1966 ông trở về Hà Nội làm việc ở Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam.

Nhà phê bình nghệ thuật của Liên Xô cũ, Ekaterina Chelaeva từng đánh giá: “Dưới con mắt của họa sĩ Mai Long, mọi cái đều có vẻ đẹp riêng, một vẻ đẹp mà những trái tim băng giá không bao giờ cảm nhận được. Những sáng tác của ông là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông sâu sắc và tính hiện đại của một nghệ thuật điêu luyện, độc đáo, với bút pháp hết sức trữ tình và phóng khoáng. Vẻ đẹp của thế giới xung quanh và tình yêu của Mai Long đối với thế giới này, đó chính là bản chất nghệ thuật của ông”.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiec-cho-co-hoa-si-mai-long-post1662726.tpo