Tiệc đã tàn ở Qatar

Các dự án phục vụ World Cup ở Qatar bị lo ngại trở thành 'con voi trắng', tức những dự án tốn kém nhưng không hiệu quả. Một số dự án thậm chí đến nay vẫn chưa kịp hoàn thành.

 Argentina đánh bại Pháp 4-2 sau loạt luân lưu và giành cúp vàng World Cup lần thứ 3. Ảnh: Reuters.

Argentina đánh bại Pháp 4-2 sau loạt luân lưu và giành cúp vàng World Cup lần thứ 3. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, sau chiến thắng của Argentina trước Pháp trong trận chung kết World Cup 2022, Qatar sẽ trở về nhịp sống bớt sôi động hơn. Đất nước 3 triệu dân đối mặt với một thách thức mới.

Đó là làm thế nào để sau World Cup, ván cược hàng trăm tỷ USD với hàng chục năm xây dựng và phát triển của họ không trở nên vô nghĩa.

"Tôi vẫn luôn lo lắng về ngày 19/12, khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh kết thúc", ông Berthold Trenkel - Giám đốc vận hành Qatar Tourism - bình luận. "Bởi vì sau đó, chúng ta sẽ trở về cuộc sống bình thường", ông nói thêm.

Qatar đã chi 300 tỷ USD trong vòng 12 năm sau khi giành quyền đăng cai World Cup. Ảnh: Bloomberg.

Qatar đã chi 300 tỷ USD trong vòng 12 năm sau khi giành quyền đăng cai World Cup. Ảnh: Bloomberg.

Lo ngại "con voi trắng"

Với sự giàu có nhờ trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ, Qatar đã dành hàng chục năm để theo đuổi một kế hoạch xây dựng khổng lồ, vượt xa nhu cầu kinh doanh và du lịch của đất nước.

Qatar đã chi 300 tỷ USD trong vòng 12 năm sau khi giành quyền đăng cai World Cup. Hàng trăm tỷ USD được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có 7 sân vận động, hàng nghìn phòng khách sạn và hệ thống tàu điện ngầm mới.

Ván cược trăm tỷ USD được coi là một phần trong nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu khí. Nhưng trên thực tế, theo ông Chirag Doshi - Giám đốc đầu tư tại Qatar Insurance Company (Doha), không dễ để thúc đẩy một nền kinh tế phi năng lượng, và các ngành bất động sản, khách sạn, thực phẩm và đồ uống rất dễ tổn thương.

Công suất được tạo ra nhằm phục vụ sự kiện quy mô lớn này cần thời gian để hấp thụ hết. Điều đó có thể khiến nền kinh tế chậm lại và gây áp lực lên các tổ chức cho vay

Ông Chirag Doshi, Giám đốc đầu tư tại Qatar Insurance Company

"Công suất được tạo ra nhằm phục vụ sự kiện quy mô lớn này cần thời gian để hấp thụ hết. Điều đó có thể khiến nền kinh tế chậm lại và gây áp lực lên các tổ chức cho vay", ông cảnh báo.

Nhưng tác động có thể được giảm bớt phần nào nhờ sức khỏe tài chính của Qatar và việc tăng chi tiêu để thúc đẩy sản xuất khí đốt.

Theo dự đoán của Fitch Ratings, dân số Qatar sẽ giảm 8% vào năm 2023 xuống mức khoảng 2,7 triệu người. Nguyên nhân là những người lao động làm việc cho các dự án phục vụ World Cup trở về nhà.

Theo một cuộc điều tra dân số vào năm 2020, gần một nửa dân số Qatar là những người lao động thu nhập thấp, sống trong các “trại lao động” theo cách gọi của Bộ Kế hoạch phát triển và Thống kê nước này.

Trong vài tuần diễn ra World Cup, các tòa nhà nằm trong những khu dân cư và kinh doanh của Qatar chật kín du khách người ngoài. Nhu cầu bùng nổ khiến giá nhà tăng vọt.

Một số khách sạn thậm chí phải yêu cầu khách quen rời đi để nhường chỗ cho những người hâm mộ World Cup.

Theo Cushman & Wakefield, 60.000 căn hộ cho thuê ở Qatar được dùng để phục vụ du khách, đẩy giá thuê vọt lên 20-30%. Tuy nhiên, nhu cầu tăng đột biến chắc chắn sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong năm 2023.

Chính phủ cần vào cuộc

Giờ đây, khách du lịch đang rời khỏi Qatar, bỏ lại những chủ nhà loay hoay khắc phục thiệt hại. Trên các nhóm Facebook dành cho người nước ngoài ở Qatar, nhiều người thuê nhà đang tận dụng cơ hội này để thỏa thuận lại về giá thuê nhà.

Trong cuộc chạy đua nước rút trước thềm World Cup, không phải dự án khách sạn và khu dân cư nào cũng kịp hoàn thành để phục vụ cho giải đấu. Khách sạn cao cấp Andaz Doha dự kiến được hoàn thành vào năm 2022. Nhưng đến nay, khách sạn này vẫn chưa thể đón khách vì các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Ngay cả những khách sạn đã mở cửa trong mùa World Cup cũng chật vật vì thị trường quá cạnh tranh. Theo Qatar Tourism, nước chủ nhà có tới 14.000-15.000 phòng khách sạn mới chỉ trong vỏn vẹn vài tháng qua. Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn trước World Cup dưới ngưỡng 60%.

Với những dự án còn dở dang ở Lusail, nguồn cung sẽ còn tăng cao với chỗ ở mới cho khoảng 200.000 người nữa.

World Cup đã kết thúc, nhưng nhiều dự án khách sạn và khu dân cư ở Qatar thậm chí chưa được hoàn thiện. Ảnh: Bloomberg.

World Cup đã kết thúc, nhưng nhiều dự án khách sạn và khu dân cư ở Qatar thậm chí chưa được hoàn thiện. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, Qatar không cạn kiệt tiền. Hầu hết tổ chức tín dụng và nhà đầu tư vẫn tin rằng cuối cùng, Chính phủ sẽ can thiệp để giảm thiểu khó khăn. Nước này đã mở rộng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn 60%.

Doha cũng đạt được các thỏa thuận xuất khẩu sang Trung Quốc và Đức trong 15 năm, thậm chí hơn.

"Kỳ World Cup đắt đỏ bậc nhất đã thúc đẩy nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, nhằm đa dạng hóa và phát triển nền kinh tế phi hydrocarbon", ông Akber Khan tại quỹ Al Rayan Investment (có trụ sở tại Qatar) nhận định.

Nhiều chuyên gia tin rằng World Cup sẽ thổi luồng sinh khí mới vào lĩnh vực du lịch của Qatar, vốn thường bị xếp sau Dubai hào nhoáng. Du khách từ Saudi Arabia đã trở lại và chiếm tới 24% lượng khách du lịch ở Qatar.

Các công ty bất động sản hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách thị thực và cư trú nhằm đẩy mạnh đầu tư nước ngoài.

"World Cup là một cơ hội, một món quà bằng vàng", ông Abbas Ouni - Trưởng bộ phận bán hàng tại Land Royal Properties - nhận định. "Chính phủ cần thay đổi để đơn giản hóa thủ tục đối với những ai muốn tới Qatar sinh sống và đầu tư", ông nói thêm.

Thảo My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiec-da-tan-o-qatar-post1386339.html