Việt - Thái - Ấn: Cuộc đua giành thị trường gạo Philippines
Năm 2024, Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 4,046 triệu tấn gạo. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, Philippines sẽ mua khoảng 4,6 triệu tấn gạo trong năm nay. Nhiều dự báo cho rằng Ấn Độ sẽ sớm quay lại thị trường. Các yếu tố này tác động lên thị trường gạo Việt Nam thế nào?
Nguồn tin thương mại cho biết, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati (gạo trắng thường) trong bối cảnh tồn kho dư thừa và diện tích gieo trồng lúa tăng mạnh.
Chưa có tín hiệu Ấn Độ quay lại thị trường
Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 20/7/2023, được đưa ra để đảm bảo quốc gia có đủ hàng tồn kho cho tiêu dùng trong nước và hạ giá gạo.
Việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati có thể có lợi cho nông dân, thương nhân và nhà xuất khẩu, những người đang tìm cách nới lỏng để tận dụng nhu cầu gạo Ấn Độ cao trên toàn cầu. Quyết định này cũng sẽ mang lại sự nhẹ nhõm cho các quốc gia tiêu thụ gạo thời gian qua đã yêu cầu Chính phủ Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm.
Chính phủ Ấn Độ đang suy nghĩ có nên cho phép xuất khẩu lại gạo non - basmati hay không, vì kho dự trữ lương thực của họ đủ để đáp ứng nhu cầu của các nước khác.
“
“Từ nay đến cuối năm vẫn chưa có tín hiệu gì cho thấy Ấn Độ quay lại thị trường và gạo Việt Nam vẫn còn có giá rất tốt”
GS Bùi Chí Bửu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS. Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết từ đây đến cuối năm thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu tác động từ 2 nước nhập khẩu lớn là Philippines và Indonesia. Bên cạnh đó, khả năng quay lại thị trường của Ấn Độ là rất cao, bởi nước này không thể dự trữ gạo quá lâu. Tuy nhiên, khoai tây, lúa mì của họ đang bị mất mùa rất nghiêm trọng, riêng lúa gạo ít ảnh hưởng hơn.
“Chính phủ Ấn Độ rất sợ bị mất mùa, vì dân số của họ đã trên 1,4 tỷ người. Do vậy, chiến lược phòng vệ của Ấn Độ là phải đóng cửa xuất khẩu lương thực, nhưng không loại trừ khả năng họ sẽ xả cảng gạo. Trên thực tế, từ nay đến cuối năm vẫn chưa có tín hiệu gì cho thấy Ấn Độ quay lại thị trường và gạo Việt Nam vẫn còn có giá rất tốt”, ông Bửu nhận định.
Thái không thể cạnh tranh với Việt ở thị trường Philippines
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành 4 cho rằng, nếu Ấn Độ mở cửa lại thị trường gạo cấp thấp, trước mắt gạo Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Ngay cả vụ Thu Đông tới cũng không ảnh hưởng gì đáng kể, vì khoảng 60-70% diện tích vụ lúa này được người nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao, như RVT, ST21, ST25 để tiêu dùng trong nước và chuẩn bị gạo tết. Phần còn lại bán vào các thị trường như: Philippines, Trung Quốc, Trung Đông và EU.
Tuy nhiên, vào vụ Đông Xuân, nông dân sẽ trồng giống lúa thường nên có thể bị ảnh hưởng, các gói thầu lớn từ Indonesia và gạo thương mại đi châu Phi có khả năng bị cạnh tranh, nhưng bây giờ diện tích trồng lúa thường không lớn lắm.
Gạo non - basmati phần lớn là gạo dự trữ nên chỉ bán vào một số nước châu Phi, nếu doanh nghiệp Ấn Độ có năng lực kinh doanh họ sẽ tham gia thầu Bulog. Trường hợp họ không tham gia, có thể doanh nghiệp các nước trúng thầu sẽ mua gạo Ấn Độ để giao, như vừa rồi doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu Bulog mua gạo Myanmar giao.
“Lợi thế của gạo Việt là mùa vụ diễn ra liên tục nên luôn tươi mới, khâu chế biến rất tốt, giá gạo cũng thường xuyên cao hơn Ấn Độ từ 50-70 USD/tấn, có lúc cao hơn cả 100 USD/tấn. Nhờ tươi mới mà người tiêu dùng Philippines rất chuộng gạo Việt, ngay cả Thái Lan cũng không thể cạnh tranh được với chúng ta ở thị trường này, gạo Ấn Độ càng không thể”, ông Thành nói.
“
Nửa đầu tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu được 353,417 ngàn tấn gạo
Theo ông Thành, phân khúc gạo trắng thường mỗi năm Việt Nam xuất khẩu không lớn, phân khúc chính là các loại gạo dẻo, thơm như DT8, OM18… Tại phân khúc này doanh nghiệp lấy được doanh số nhiều nhất. Do vậy, có thể chắc chắn một điều là tại thời điểm này, giá gạo Việt sẽ không thay đổi gì nhiều nếu Ấn Độ quay lại thị trường, có chăng là vụ Đông Xuân.
Song, phần lớn diện tích đã được nông dân chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao nên mức độ ảnh hưởng không lớn. Chỉ những quốc gia có phân khúc tương đương gạo Ấn Độ như Myanmar và Pakistan sẽ bị ảnh hưởng, Thái Lan cũng có nhưng không nhiều.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu được 353,417 ngàn tấn gạo, trị giá 215,312 triệu USD.
Lũy kế đến ngày 15/9, xuất khẩu gạo đạt 6,497 triệu tấn, mang về 4,061 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 6,14% về lượng và tăng 21,12% về kim ngạch. Xuất khẩu gạo tăng nhẹ khối lượng nhưng tăng mạnh kim ngạch, do giá xuất khẩu bình quân tăng gần 15 % so với cùng kỳ, lên mức 625 USD/tấn.
Hai thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines, Indonesia. Theo đó, tháng 8/2024, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 497,266 ngàn tấn, trị giá 294,589 triêu USD, so với tháng 8/2023, tăng 21,38% về khối lượng và tăng 20,69% về trị giá.
Lũy kế, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,808 triệu tấn, mang về 1,716 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 19,7% về khối lượng và 39,7% về kim ngạch, chiếm 54,35% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.