Tiếc nuối đặc sản cam Vinh

Thời hoàng kim, Nghệ An có gần 6.000 ha cam Vinh nhưng hiện chỉ còn hơn 1.800 ha, nhiều vườn cam đã bị chặt bỏ dù chưa hết tuổi khai thác. Thương hiệu cam Vinh từng mang lại giá trị lớn về kinh tế lẫn văn hóa, nay đang lụi tàn đầy tiếc nuối.

Người dân xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chặt bỏ những gốc cam bị thoái hóa, nhiễm bệnh

Người dân xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chặt bỏ những gốc cam bị thoái hóa, nhiễm bệnh

Huyện Quỳ Hợp được xem là “thủ phủ” cam Vinh của tỉnh Nghệ An. Thời hưng thịnh, cả huyện có gần 3.000 ha cam, trải dài trên những vùng đất đỏ bazan màu mỡ. Cam được xem là cây “hái ra tiền” với năng suất cao, giá cao, được thị trường gần xa ưa chuộng, nhiều gia đình trở thành tỷ phú nhờ cam. Nhưng nay, phần lớn diện tích cam đã bị chặt bỏ, hiện chỉ còn hơn 200 ha, tập trung tại các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân. Phần lớn bà con đã chuyển sang trồng mía, ngô, các loại hoa màu, đậu, sắn…

Canh tác hữu cơ, không phát triển ồ ạt

Không chỉ tại huyện Quỳ Hợp mà các vùng cam khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ,… những năm trở lại đây, diện tích cam bị sâu bệnh, thoái hóa ngày càng nhiều, buộc phải chặt bỏ. Khoảng 5 năm về trước, huyện Nghĩa Đàn có trên 1.000 ha cam, đến cuối năm 2023 chỉ còn 117 ha. Một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Cam bị sâu bệnh nhiều, bà con phải chuyển sang trồng cây ăn quả khác, trong đó, nhiều nhất là ổi, số còn lại trồng mía, quýt PQ, ngô… Dù thu nhập không thể bằng cây cam, tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để luân canh nhằm làm mới đất cũng như diệt trừ mầm bệnh”.

Theo các chuyên gia, cây cam có chu kỳ khai thác khoảng 15 năm. Đến năm thứ 12, cam bắt đầu đến giai đoạn già hóa. Tuy nhiên nhiều vườn cam ở Nghệ An đã chuyển sang giai đoạn suy thoái từ rất sớm do giống cây, kỹ thuật chăm sóc, sâu bệnh. Ngoài ra, việc người dân đua nhau trồng, trồng tự phát, không theo định hướng, quy hoạch cũng khiến mầm bệnh vàng lá, thối rễ phát tán, lây lan nhanh. Cam bị bệnh, chất lượng quả cam xuống dốc, rớt giá, bán không có người mua buộc người dân phải chặt bỏ. Theo đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, đến năm 2025, tỉnh này đạt 6.100 ha và mục tiêu đến năm 2030 đạt 8.645 ha cam. Thế nhưng, đến nay Nghệ An chỉ còn 1.820 ha cam, trong đó có 943 ha đang bị suy thoái.

Theo dự báo, trong 3 năm (2023 - 2025), Nghệ An sẽ có gần 650 ha tiếp tục bị phá bỏ. Với tình hình suy thoái cam như hiện nay, trong khi diện tích trồng mới rất ít, ước tính đến năm 2025, diện tích cam ở các vùng trồng cam trọng điểm của tỉnh chỉ còn khoảng trên 1.000 ha.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết, phần lớn người trồng cam lạm dụng thuốc hóa học với rất nhiều lần phun, tưới mà chưa quan tâm đến sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học. Lạm dụng, sử dụng không đúng cách đã tiêu diệt các vi sinh vật có ích trong đất và thiên địch, nhưng không có biện pháp để tái tạo lại hệ sinh vật có lợi. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ, phân qua lá và sử dụng thuốc diệt cỏ thời kỳ đầu mà ít sử dụng phân hữu cơ đã làm đất ngày càng thiếu mùn và trơ hóa. “Các địa phương cần xây dựng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cam đã phá bỏ. Đặc biệt, đối với những vùng có kế hoạch, định hướng tái canh cây cam cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng mà vẫn giữ đất tốt để tái canh cây cam”, ông Đức cho hay.

Thu Hiền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiec-nuoi-dac-san-cam-vinh-post1629515.tpo