Tiêm 2 mũi vẫn có thể là F0
Sau khi tỉnh bước vào giai đoạn bình thường mới, ý thức về phòng, chống dịch bệnh của người dân có phần giảm sút. Nhiều người đi lại, mua bán, sinh hoạt chưa tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, đặc biệt là việc giữ khoảng cách. Và cũng không ít người chủ quan cho rằng bản thân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên khả năng nhiễm bệnh không cao. Thế nhưng đã có không ít trường hợp được tiêm vắc xin phòng dịch Covid -19 nhưng vẫn trở thành F0, thập chí nguy kịch. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân không nên chủ quan, tuân thủ tuyệt đối 5K trong những ngày bình thường mới.
Tiêm 2 mũi vẫn là F0
Thực tế cho thấy…
Bệnh nhân N.T.T (46 tuổi, khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết) là 1 trong 6 bệnh nhân nhiễm Covid -19 đã được tiêm 2 mũi vắc xin, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng của tỉnh. Kể lại câu chuyện qua điện thoại, chị T vẫn không giấu được sự bất ngờ. Chị T cho biết, những ngày trước khi phát hiện bệnh, chị có các dấu hiệu như ho, nóng sốt… Tuy nhiên vì đã được tiêm 2 mũi vắc xin nên vẫn chủ quan cho rằng đó là những dấu hiệu của bệnh cảm thông thường. Khi địa phương tổ chức tét nhanh thì chị có kết quả dương tính. “Lúc phát hiện, tôi bất ngờ, vừa hoang mang không biết nguồn lây từ đâu và nghĩ rằng vì sao mình đã được tiêm vắc xin rồi mà vẫn bị nhiễm? Rồi sau đó, chồng tôi và con gái cũng lây nhiễm theo”, chị T nhớ lại.
“Giờ đây, gia đình tôi đang được điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng của tỉnh. Bản thân tôi đang trải qua những ngày tháng lo âu, nếm cảm giác F0 là như thế nào. Mọi suy nghĩ về việc có vắc xin sẽ an toàn không còn đúng nữa nếu không cảnh giác với Covid-19 và đừng quên tuân thủ 5K”, chị T cho biết thêm.
Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng của tỉnh đang điều trị cho 241 bệnh nhân Covid -19. Trong đó, có 128 người chưa tiêm vắc-xin, 107 người đã tiêm mũi 1 và 6 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Bác sĩ Phạm Thanh Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đa phần các F0 đã được tiêm 2 mũi vắc xin đều không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhân Covid -19 đã được tiêm vắc xin khi khởi phát có thể không có triệu chứng nhưng sau 7 -8 ngày lại diễn tiến rất nặng.
Gần 2 tuần qua, mỗi ngày Bình Thuận phát sinh hơn trăm ca nhiễm, trong đó có 70% trong cộng đồng, kéo theo hàng ngàn F1 (số được truy vết), sau đó hàng trăm F1 trở thành F0 sau vài ngày. Tính đến chiều 8/11, toàn tỉnh ghi nhận 7.054 ca mắc Covid -19, trong đó có hơn 2.200 ca đang được điều trị trong các cơ sở y tế; 68 ca tử vong (11 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh) và gần 40 ca có chiều hướng diễn tiến nặng. Mặc dù chưa thống kê cụ thể, nhưng trong số những ca bệnh này nhiều trường hợp đã được tiêm vắc xin. Điều này cho thấy, dù đã được tiêm vắc xin thì nguy cơ dịch bệnh vẫn xảy ra.
Ông Đặng Thức Anh Vũ – Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết: Hiện toàn tỉnh có 35 cơ sở với 4.875 giường thu dung, điều trị Covid -19 theo mô hình 3 tầng. Trong đó, tầng 3 có 225 giường được thiết lập tại một số bệnh viện tuyến tỉnh có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, năng lực chuyên môn như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, các bệnh viện khu vực… Cũng theo ông Vũ, với diễn biến của dịch bệnh hiện nay thì dự báo số cơ sở y tế thu dung, điều trị Covid-19 sẽ quá tải, áp lực lên ngành Y tế là rất lớn.
Không thể lơ là
Bộ y tế đã phân bổ cho Bình Thuận 914.230 liều vaccine (tính đến ngày 3/11), gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell. Hiện, tích lũy số người tiêm mũi 1: 722.980 chiếm 82,6% (dân số ≥18 tuổi), số người tiêm mũi 2: 176.136 chiếm 20,1% (dân số ≥18 tuổi). Tỉnh cũng đã cố gắng tăng tốc mở rộng tỉ lệ bao phủ vaccine và khai thác tối đa công suất của các điểm tiêm. Tuy nhiên, lượng vaccine thấp hơn so với nhu cầu và nhóm đối tượng theo từng đợt phân bổ. Vì vậy, trước khi đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, chủ động phòng bệnh là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Ông Đinh Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết: Những người tiêm vắc xin rồi họ sẽ ít bị nhiễm hơn, hoặc nếu nhiễm sẽ ít bị chuyển nặng hơn. Đây là hiệu quả cần thiết. Tuy nhiên, ít bị nhiễm chứ không có nghĩa là không nhiễm, ít lây nhiễm sang người khác chứ không phải là không lây nhiễm. Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có không ít trường hợp những người đã tiêm 1 liều, thậm chí đủ 2 liều vắc xin rồi, tức là đã tạo kháng thể rồi nhưng khi xét nghiệm vẫn bị dương tính. Và theo nghiên cứu khoa học, những trường hợp dương tính này hầu như đều diễn biến ở mức độ nhẹ và thời gian đào thải vi rút ở họ cũng ngắn, ít lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên, những trường hợp này vẫn là nguồn lây cho những người khác. Đặc biệt, trong cộng đồng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng 2 liều còn thấp. “Nếu như chúng ta chủ quan, nghĩ tiêm vắc xin rồi là an toàn thì vô hình chung có thể chúng ta là những đốm lửa đi gây nhưng đám cháy rừng mới. Ngay cả những người đã tiêm vắc xin rồi chúng ta vẫn phải giữ ý thức an toàn, tuân thủ 5K, cùng nhau giữ cho cộng đồng an toàn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khi số ca mắc được ghi nhận ngày càng tăng, đặc biệt là số ca trong cộng đồng xuất hiện ở diện rộng tại nhiều địa phương. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi người cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế. Tuy nhiên để làm tốt việc này, thì vaccine ý thức: ý thức vì sức khỏe của chính mình, gia đình và xã hội cần được phát huy tối đa, bởi chỉ một chút chủ quan, mất cảnh giác, hệ lụy mang lại không chỉ cho một cá nhân mà còn ảnh hưởng chung đến cả cộng đồng, xã hội.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/tiem-2-mui-van-la-f0-143009.html