Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn từ bè mảng cản trở giao thông tại cửa biển Lạch Vạn
Việc các phương tiện bè mảng neo, đậu, hoạt động ở các cửa sông, cửa lạch, trên các luồng tuyến ra vào cửa biển gây cản trở việc lưu thông của các tàu, thuyền có công suất lớn; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn đường thủy.
Huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 20 km đường bờ biển với 8 xã ven biển, bãi ngang. Địa phương hiện có hơn 500 bè mảng chuyên đánh bắt các loại hải sản vùng lộng, gần bờ hoặc trên các sông, luồng lạch. Theo quy định, bè mảng không nằm trong danh mục phương tiện bị cấm hành nghề trên biển. Tuy nhiên, việc các phương tiện bè mảng neo, đậu, hoạt động ở các cửa sông, cửa lạch, trên các luồng tuyến ra vào cửa biển gây cản trở việc lưu thông của các tàu, thuyền có công suất lớn; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ va chạm, tai nạn đường thủy.
Cửa biển Lạch Vạn (thuộc địa phận 2 xã Diễn Kim, Diễn Thành, huyện Diễn Châu) là một trong 6 cửa lạch lớn của tỉnh Nghệ An. Mỗi ngày, tại cửa biển Lạch Vạn có hàng trăm lượt phương tiện tàu, thuyền đánh cá của ngư dân các xã: Diễn Ngọc, Diễn Thành, Diễn Bích… qua lại. Tuy nhiên, khu vực này thường xuyên có nhiều bè mảng neo đậu hoặc vận hành hết công suất để “cào lưới” ngay trên luồng tuyến lưu thông, gây cản trở các loại tàu, thuyền ra vào cửa lạch.
Đặc biệt khi thủy triều xuống thấp, cửa biển Lạch Vạn trở nên nhỏ hẹp. Khi đó, các bè mảng neo đậu, hoạt động tại khu vực này trở thành chướng ngại vật, gây cản trở lưu thông, khiến các loại phương tiện có công suất lớn khi di chuyển phải thận trọng quan sát, giảm vận tốc để né tránh. Vào những ngày bè mảng hoạt động trên cửa biển Lạch Vạn với số lượng lớn, các tàu, thuyền có công suất lớn di chuyển trên cửa biển này phải có người đứng trên mũi tàu để hô hoán cho những người điều khiển bè mảng kịp di chuyển khỏi luồng tuyến của phương tiện. Vào ban đêm, nguy cơ va chạm giữa các phương tiện tàu, thuyền với bè mảng càng lớn.
Ngư dân Vũ Đình Năm (xóm Hải Nam, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, chủ phương tiện tàu cá có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ) cho biết, cửa biển Lạch Vạn nhiều năm qua bồi lắng mạnh, hai bên cửa lạch là những doi cát rộng, khi có gió biển thổi mạnh thì việc ra, vào lạch gặp nhiều khó khăn. Tàu, thuyền vừa phải đi đúng luồng tuyến để không bị mắc cạn, vừa phải tránh các bè mảng neo đậu, hoạt động “hỗn loạn” trên cửa lạch.
Không chỉ khu vực cửa biển Lạch Vạn, trên các tuyến sông lớn như sông Diễn Ngọc, Diễn Kim cũng diễn ra tình trạng tương tự. Các con sông này là nơi neo đậu tàu, thuyền của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Thành, Diễn Kim, Diễn Bích và là những tuyến đường thủy đấu nối với cửa biển Lạch Vạn. Ngoài việc “tự tung tự tác” trong hoạt động khai thác, chủ các bè mảng còn tự ý đóng hệ thống cọc tạo thành các điểm neo đậu phương tiện ở nhiều vị trí trên các sông. Thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm qua, gây cản trở luồng tuyến, ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông đường thủy và dễ xảy ra va chạm với các loại tàu, thuyền lưu thông qua nơi này.
Ngư dân Phạm Tuấn (xóm Chiến Thắng, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) cho biết, trên sông nước, đối với các tàu, thuyền có công suất lớn, việc tránh né nhau giữa các phương tiện diễn ra chậm, cần nhiều thời gian, khoảng cách lớn, không gian rộng và thao tác xử lý cũng phức tạp. Do vậy, mỗi khi lưu thông trên sông Lạch Vạn để ra khơi hoặc di chuyển tàu thuyền cập cảng cá Lạch Vạn, ngư dân rất lo sợ khi đi qua những vùng, khu vực có nhiều bè mảng neo đậu, hoạt động. Nếu không chú ý quan sát, làm chủ tốc độ thì nguy cơ xảy ra va chạm với các bè mảng là rất cao.
Theo chính quyền địa phương các xã Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Thành, Diễn Ngọc, những năm qua, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy, khuyến cáo các chủ phương tiện bè mảng khai thác, hoạt động, neo đậu đúng khu vực, luồng tuyến đã được triển khai nhưng thực hiện chưa thường xuyên, sâu rộng. Đối với hành vi khai thác nơi cửa biển, làm điểm neo đậu trên các sông, lạch, chính quyền địa phương chưa có chế tài xử lý phù hợp mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa có tính răn đe nên sự việc vẫn tái diễn.
Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; tạo điều kiện giúp ngư dân lưu thông trên các sông, luồng lạch, cửa biển thuận lợi, dễ dàng, chính quyền các xã ven biển huyện Diễn Châu cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, đặc biệt là các chủ bè mảng. Ngành Thủy sản, các cơ quan, đơn vị chức năng cần chung tay cùng địa phương trong việc ra quân giải tỏa các điểm neo đậu bè mảng gây cản trở trên sông, luồng lạch; đồng thời, trên cơ sở khảo sát lập các điểm neo đậu mới an toàn, đúng quy định.