Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện

Sự phục hồi kinh tế, cùng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, thúc đẩy sản xuất, cộng với thời tiết nắng nóng đã góp phần đưa tăng trưởng điện của nhiều địa phương phía Bắc đạt mức kỷ lục.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 124,25 tỷ kWh, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều mức kịch bản cao nhất về cung cấp điện mà Bộ Công Thương đã phê duyệt vào đầu năm (9,2%).

Sản lượng điện thương phẩm toàn Tập đoàn lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 14,67% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó mức tăng trưởng điện của một số thành phần điển hình như sau: Điện năng cho cả khối khách hàng sinh hoạt và khối thương mại - dịch vụ đều tăng 18,08%, điện năng cho khối công nghiệp - sản xuất cũng tăng 12,15%,...

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục.

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục.

Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), cả công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày (A ngày) trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia, cụ thể như lúc 13h30 ngày 27/4/2024, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW, tăng 13,2 % so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 29/5/2024 đã lên tới 1,019 tỷ kWh, tăng 9,5% so với năm 2023.

Theo ông Võ Quang Lâm, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã có mức tăng trưởng điện kỷ lục, nhất là khu vực miền Bắc. Đơn cử như vài tháng nắng nóng gần đây, Hà Nội tăng trưởng điện thương phẩm đạt hơn 23,7% (chủ yếu do điện sinh hoạt); Quảng Ninh tăng khoảng 30,1%, trong đó điện cho công nghiệp tăng tới 42%, là tỉnh tăng cao nhất cả nước; Gia Lai tăng 28,3%... so với cùng kỳ.

Theo thống kê của Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng điện toàn thành phố ngày 27/5 chỉ ở mức 75,3 triệu kWh nhưng đến ngày 28/5 đã tăng 24,8%, lên tới 98,7 triệu kWh. Sang ngày 29/5, lượng điện tiêu thụ của thành phố chính thức lập đỉnh lịch sử mới khi đạt 102,8 triệu kWh, công suất đỉnh thiết lập lúc 14h30 cùng ngày đạt 4.891 MW. Đại diện EVNHANOI cho biết, đặc thù của Hà Nội với trên 55% phụ tải điện cho sinh hoạt quản lý tiêu dùng, do đó nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến trong nắng nóng có nguy cơ gây áp lực lớn cho công tác vận hành lưới điện phân phối. Thời tiết oi bức và nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện trên địa bàn thành phố.

Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 7 vẫn còn nhiều đợt nắng nóng kéo dài, gây khó khăn cho công tác cấp điện nhất là ở khu vực miền Bắc. EVN đã và đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu điện cho nền kinh tế. Song, để bảo đảm điện năng cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, việc thúc đẩy đầu tư cho sản xuất điện, tăng cường năng lực nguồn điện, phát điện vẫn là chưa đủ mà còn một vế đặc biệt quan trọng, đó là sử dụng điện một cách hiệu quả, bền vững và tiết kiệm.

Theo đó, ngành Điện khuyến cáo hình thành thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người trong phòng. Sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn huỳnh quang, đèn sợi đốt, tiêu thụ ít điện năng hơn và có tuổi thọ cao hơn. Đồng thời, vận động các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng các công cụ giám sát, quản lý năng lượng để kiểm soát và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ. Chẳng hạn như lắp đặt hệ thống giám sát năng lượng để theo dõi các hoạt động tiêu thụ điện, thiết lập các chương trình tiết giảm điện trong giờ cao điểm, hoặc thực hiện các cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng năng lượng. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Đào tạo và nâng cao nhận thức tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả của nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nhâm (Hà Đông), gia đình bà chủ yếu dùng điện sinh hoạt với chi phí khoảng 700.000 đồng/tháng. Vào đợt cao điểm nắng nóng, các thiết bị điện làm mát được gia đình sử dụng thường xuyên, song, do sử dụng tiết kiệm theo khuyến cáo của ngành Điện, rút nguồn những thiết bị điện không sử dụng, điều hòa nhiệt độ dùng nhiều thì lựa chọn nhiệt độ phù hợp và tắt khi tới nửa đêm rồi dùng quạt và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nhờ vậy, chi phí tiền điện của gia đình tăng không nhiều.

Thời tiết nắng nóng còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày. Như vậy việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả vừa giúp giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, lại vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời cũng tránh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với mức bình thường.

Để chủ động cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và các tháng tiếp theo của năm 2024, ông Võ Quang Lâm cho biết, EVN đã cập nhật tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện và xây dựng các phương án, kịch bản điều hành hệ thống điện, đảm bảo điện cho phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân trong mọi tình huống.

Theo đó, EVN đã chỉ đạo A0 tính toán lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, cập nhật các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thủy văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện theo tuần.

Đồng thời, thực hiện huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thủy điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô năm 2024. EVN cũng chỉ đạo các Tổng công ty Phát điện và các nhà máy điện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu như than, khí cho sản xuất điện…

Cùng với đó, EVN quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đầu tư xây dựng các dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tiến độ các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm. Bên cạnh đó, EVN cũng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tiết kiệm điện, điều chỉnh phụ tải với các chỉ tiêu cụ thể.

Trong đó, vận động khoảng 1.376.564 khách hàng (Hành chính sự nghiệp; chiếu sáng công cộng; sản xuất công nghiệp và thương mại – dịch vụ) ký cam kết sử dụng điện tiết kiệm; 17.383 khách hàng ký kết thỏa thuận tham gia điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại - DR; 13.360 khách hàng (có mức tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên) ký cam kết dịch chuyển phụ tải điện khỏi khung giờ cao điểm của hệ thống điện (12h – 15h và 21h – 23h). Như vậy nếu chúng ta làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/tiem-an-nguy-co-xay-ra-su-co-luoi-dien-i734280/