Tiềm ẩn nguy hiểm từ những chiếc bẫy trên rừngTin khácChính quyền điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chínhKịp thời sẻ chia, giúp đỡ trẻ em khó khăn từ nguồn quỹ bảo trợ

Thời gian qua, nạn khai thác trộm nhựa thông xuất hiện tại nhiều địa phương. Do bức xúc, nhiều chủ rừng đã sử dụng bẫy răng cưa đặt tại rừng để bẫy 'nhựa tặc'. Tuy nhiên, điều này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho những người xung quanh.

Loại bẫy được đặt tại rừng của một chủ rừng tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc sử dụng để ngăn “nhựa tặc”

Loại bẫy được đặt tại rừng của một chủ rừng tại xã Tân Liên, huyện Cao Lộc sử dụng để ngăn “nhựa tặc”

Anh Đinh Hồng Sơn, người dân tại thôn An Rinh I, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: “Khoảng 1 tháng trước, tôi có lên rừng hái nấm bạch đàn. Khi đi qua rừng thông của người dân tại thôn, tôi đã giẫm phải 1 chiếc bẫy răng cưa. Do tôi đi ủng nên các răng cưa từ chiếc bẫy không gây ra vết thương nghiêm trọng, chỉ bị thâm tím ngón chân”. Cũng theo anh Sơn, vừa qua, tại thôn của anh còn có 1 trường hợp khác người dân trong lúc đi chăn dê bị giẫm vào bẫy răng cưa, may mắn người này chỉ bị thương nhẹ.

Được biết, việc một số người dân tại xã Tân Liên đặt bẫy tại rừng diễn ra từ khoảng cuối năm 2021 đến nay. Lý giải nguyên nhân đặt bẫy, anh V.V.B, một chủ rừng tại thôn An Rinh I, xã Tân Liên cho biết: Gia đình tôi có khoảng 300 cây thông trong độ tuổi khai thác nhựa. Tuy nhiên, từ tháng 8/2021 đến nay, tình trạng mất trộm nhựa thông xảy ra nhiều. Chính gia đình tôi cũng đã bị kẻ gian trộm nhựa thông gần 10 lần với tổng khối lượng hơn 100 kg. Do rừng thông của gia đình tôi cách xa khu dân cư, không thể trông coi rừng thường xuyên nên tôi đã đặt 6 chiếc bẫy răng cưa (loại có 8 răng cưa bằng sắt, dùng để bẫy thú rừng) để đề phòng kẻ trộm.

Tìm hiểu thực tế tại một số xã như: Tú Mịch; Yên Khoái (huyện Lộc Bình) cũng xảy ra tình trạng người dân đặt bẫy để bẫy “nhựa tặc”.

Rừng thông được đặt biển cảnh báo có bẫy tại Km11, đường tỉnh 236 thuộc thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình (Ảnh chụp ngày 30/5/2022)

Rừng thông được đặt biển cảnh báo có bẫy tại Km11, đường tỉnh 236 thuộc thôn Long Đầu, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình (Ảnh chụp ngày 30/5/2022)

Theo tìm hiểu, việc đặt bẫy được một số người dân thực hiện tại những cánh rừng cách xa khu dân cư. Hầu hết các chủ rừng sau khi đặt bẫy thường sử dụng bìa các-tông, ván gỗ để làm biển cảnh báo tại lối vào rừng.

Ông Vương Văn Bé, Trưởng thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cho biết: Tình trạng mất trộm nhựa xảy ra nhiều tại thôn. Việc một số người dân trong thôn đặt bẫy răng cưa để ngăn kẻ trộm diễn ra vào từ khoảng đầu tháng 4/2022. Thông thường, người dân sử dụng loại bẫy thú rừng bằng sắt, có đường kính 30 – 35cm. Các bẫy được phủ lên bằng một lớp lá cây, rất khó phát hiện. Đây là loại bẫy có sức sát thương rất lớn, nếu người dân giẫm phải bẫy thì các răng cưa có thể cắm vào rất sâu, thậm chí cắt rời ngón chân.

Ông Lương Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cho biết: Việc đặt bẫy ngăn kẻ trộm nhựa thông là hành vi tự phát từ người dân nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, với những nguy cơ tiềm ẩn cho những người dân khác, thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện tuyên truyền qua loa phát thanh và các cuộc họp thôn, họp xã để người dân hiểu rõ đây là hành vi nguy hiểm và không nên thực hiện. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an xã tăng cường các biện pháp tuần tra, theo dõi các đối tượng lạ hoặc đối tượng nổi cộm tại địa phương. Từ đó, ngăn chặn tình trạng trộm nhựa thông gây bức xúc cho bà con.

Có thể nói, việc chủ rừng đặt bẫy ngăn chặn “nhựa tặc” đã và đang tiềm ẩn nguy hiểm đối với nhiều người dân xung quanh. Đặc biệt, hiện đang là thời điểm nhiều người dân tộc tại các địa phương lên rừng hái lá để làm bánh (chuẩn bị cho tết Đoan Ngọ) cũng như hái các loại nấm trên rừng về để làm thức ăn, làm thuốc chữa bệnh.

Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cần sớm có biện pháp ngăn chặn hành vi tự phát này. Trong đó, giữa chính quyền cơ sở và lực lượng công an cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp pháp ngăn chặn tình trạng trộm nhựa thông gây bức xúc cho người dân. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân thấy rõ tác hại của việc đặt bẫy răng cưa trên rừng. Từ đó, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

GIA KHÁNH

MAI VĂN HOA

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/503681-tiem-an-nguy-hiem-tu-nhung-chiec-bay-tren-rung.html