Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ những quán nhậu
Ngày hè nắng nóng khiến nhiều nhà hàng, quán bia luôn đông khách. Đây cũng là nguyên nhân làm cho số vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia tăng cao bởi không ít người còn chủ quan, giữ thói quen tự điều khiển xe máy, ô tô về nhà trong tình trạng say xỉn.
Các quán nhậu mọc san sát tại nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Vào mỗi buổi chiều tối, dù là thời điểm trong tuần hay cuối tuần, các quán nhậu vẫn tấp nập người ra, kẻ vào. Sau một ngày làm việc, phần lớn cánh đàn ông chọn cách giải trí bên bàn nhậu và dường như đã trở thành “văn hóa”. Thế nhưng, sau khi nhậu “quắc cần câu”, họ vẫn có thể loạng choạng trèo lên xe gắn máy hoặc chui vào xe ô tô để điều khiển. Ai can ngăn thì họ thường gạt đi và nói: “Tôi đã say đâu...”. Hôm sau tỉnh rượu, có thể họ không nhớ nổi vì sao mình có thể lái xe về được đến nhà, thậm chí còn tự khâm phục mình. Cứ thế, hầu hết vẫn an toàn về đến nhà nên hôm sau vẫn vô tư uống và lái xe. Tuy nhiên, không ít người trong số đó đã vĩnh viễn không trở về hoặc phải mang thương tật cả đời sau một vụ TNGT có nguyên do từ rượu, bia.
Tìm hiểu thực tế về việc vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chúng tôi đã đến khu vực quán nhậu đường Đại lộ Lê Lợi (TP Thanh Hóa), nơi mà những người ưa ăn nhậu thường xuyên lui tới. Khu vực này, các quán nhậu mọc lên san sát và luôn phục vụ khách hàng rất tận tình nên được dân nhậu ưa chuộng tìm đến. 19 giờ, là thời điểm dân nhậu thường tập trung đông nhất. Ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là các quán nhậu đều rất đông khách, từng hàng dài xe máy, ô tô xếp sát nhau, kéo dài dọc hai bên đường. Hầu hết các “thượng đế” đến đây đều tự điều khiển ô tô hoặc xe máy. Lúc này ở các bàn nhậu, tiếng nói chuyện đã to hơn vì nhiều thực khách đã bắt đầu ngấm men bia, rượu, mặt đỏ phừng phừng; không ít người phải nhờ bạn dìu do uống quá chén. Một chủ quán bia tại khu vực này cho biết: Các khách hàng đến đây đều sử dụng rượu, bia. Mọi người đến đây trung bình uống từ 3-5 chai/người, cũng có người uống tới gần 10 chai. Hầu hết khách đến đây đều tự điều khiển phương tiện xe máy, ô tô của mình để về nhà. Khi ra về, nếu lực lượng chức năng kiểm tra, chắc chắn sẽ bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, chúng tôi là người bán hàng, chẳng nhẽ lại nhắc nhở họ không được uống bia, rượu, thế thì làm gì còn khách. Chỉ khi nào chúng tôi thấy khách say quá, không thể điều khiển được phương tiện của mình thì lấy số điện thoại của người thân họ, gọi đến đón về hoặc bắt xe taxi hay xe ôm đưa họ về.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép, nhưng có một số người lại thờ ơ bất chấp nguy hiểm cho tính mạng của mình và người khác, vẫn ngang nhiên lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia. Thực tế đã có rất nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh ta do những lái xe gây ra khi vừa rời bàn nhậu, để lại những hậu quả hết sức nặng nề cho người và phương tiện tham gia giao thông, tỷ lệ tử vong cũng như thương tật khó phục hồi cao. Được biết, thời gian qua, thực hiện đợt cao điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích với lái xe, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh tăng cường lập các chốt kiểm tra, trong đó có các tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu. Gần 1.000 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn được CSGT toàn tỉnh xử phạt từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện, xử lý, con số người sử dụng rượu bia tham gia giao thông trên thực tế lớn gấp nhiều lần. Được biết phần lớn các vụ TNGT xảy ra trong tỉnh thời gian qua đa phần đều diễn ra vào chiều, tối, thời điểm nhiều người vừa rời các quán nhậu về nhà. Không ít vụ TNGT dẫn tới hậu quả chết người. Đơn cử như vụ TNGT gần đây ở ngã 4 Trần Phú – Nguyễn Trãi, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa). Anh Lưu Văn P. (sinh năm 1997, ở xã Quảng Định, huyện Quảng Xương điều khiển xe máy trong tình trạng say xỉn đã va chạm với 1 xe ô tô dẫn đến tử vong. Tìm hiểu được biết, người tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia thì mọi phản xạ đều không nhanh nhạy và thiếu chính xác, tinh thần dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi của bản thân nên dễ bốc đồng chạy quá tốc độ, nếu không may để xảy ra TNGT còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế do mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Để góp phần kiềm chế và giảm TNGT do người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia, thiết nghĩ lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, kiên quyết không có ngoại lệ nhằm hạn chế, ngăn chặn những tai nạn, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn. Trong khi đó, mọi người khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, nhất là quy định về nồng độ cồn, hãy nói không với rượu, bia khi lái xe. Nếu đã sử dụng rượu, bia thì nên đi các phương tiện công cộng hoặc nhờ bạn bè, người thân chở về nhà để đảm bảo an toàn. Từng hộ gia đình phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với người thân mình. Tuyệt đối không để cho người thân sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.