Tiệm hớt tóc đặc biệt của thầy hiệu trưởng ở Thạnh An

Tiệm hớt tóc của thầy hiệu trưởng không bảng hiệu, chỉ có một chiếc ghế, kéo, tông đơ và miễn phí.

Phải mất hơn 3 giờ đồng hồ chạy xe máy từ trung tâm TP.HCM, qua hai lần phà và đò, chúng tôi mới đến được Trường Tiểu học Thạnh An, nằm trên xã đảo Thạnh An của huyện Cần Giờ.

“Thầy hiệu trưởng số 2, không ai số 1”

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là học sinh (HS) ở đây rất ngoan và lễ phép. Cứ thấy người lạ đến trường, các em đều vòng tay chào thầy, chào cô.

Khi hỏi phòng thầy hiệu trưởng, các em thi nhau chỉ. Có em líu lo: “Thầy hiệu trưởng là số 2, không ai là số 1”. Bạn khác cãi lại: “Thầy hiệu trưởng là số 2, không ai là Chủ nhật mới đúng chứ!”.

Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường, đang hớt tóc cho học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thầy Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng nhà trường, đang hớt tóc cho học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đối với HS ở đây, phòng thầy hiệu trưởng là nơi quen thuộc mà các em có thể ghé bất cứ lúc nào. Đặc biệt, các em còn được thầy tự tay cắt và tạo kiểu tóc sau mỗi giờ học.

Hạnh phúc nhất của tôi là sáng thứ Hai, khi được cô tổng phụ trách giới thiệu thầy hiệu trưởng phát biểu, các em HS hô vang thầy hiệu trưởng và vỗ tay rào rào.

Thầy HỮU BÌNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An

Tiệm hớt tóc của thầy rất đặc biệt, không phòng ốc, không bảng hiệu, chỉ có một chiếc ghế, kéo và tông đơ, tiện ở đâu thì hớt ở đó.

Khi nghe giáo viên (GV) thông báo chiều nay thầy hiệu trưởng sẽ cắt tóc, Hồ Minh Đức, HS lớp 5/7, nhanh tay đăng ký. Đức chia sẻ cha mẹ đi làm cả ngày nên ít có điều kiện quan tâm chuyện quần áo, tóc tai của em.

“Được thầy cắt tóc, em rất vui. Thầy cắt rất đẹp lại không phải tốn tiền” - Minh Đức vừa nói vừa chạy tới các bạn để khoe mái tóc mới của mình.

Ngồi chờ đến lượt mình, Đỗ Phước Duy, HS lớp 5/2, chia sẻ chuyện thầy hiệu trưởng cắt tóc cho HS là điều em chưa bao giờ nghĩ tới. “Em rất háo hức và cảm thấy vinh dự khi được thầy cắt tóc” - Phước Duy nói thêm.

Mến tình người dân, HS xã đảo

Thầy Lê Hữu Bình sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, mang niềm nhiệt huyết của tuổi trẻ và đam mê với nghề giáo, thầy tìm đến xã đảo Thạnh An để thực hiện ước mơ của mình.

Xã đảo Thạnh An là địa bàn khó khăn nhất của TP.HCM. Mỗi ngày, thầy Bình dậy lúc 5 giờ 30 để đến điểm bắt đò và đón đò về nhà vào lúc 5 giờ chiều. Thời gian đi đò từ trung tâm huyện Cần Giờ đến xã đảo mất gần 1 giờ đồng hồ. Đến mùa gió chướng (những tháng cận tết), việc đi đò vất vả hơn vì sóng đánh rất mạnh. Đến nay đã hơn 17 năm, thầy Bình gắn bó và dành tâm huyết để phát triển trường, chăm lo cho HS.

Thầy Bình ân cần chỉnh sửa trang phục cho cậu học trò sau khi cắt tóc xong.

Thầy Bình ân cần chỉnh sửa trang phục cho cậu học trò sau khi cắt tóc xong.

“Tôi tìm đến Thạnh An ban đầu vì muốn có một công việc đúng với ngành học của mình. Nhưng gắn bó với mảnh đất này cho đến hôm nay là vì cái tình với người dân xã đảo, vì tình thương đối với HS” - thầy Bình nói.

Gần cuối năm 2021-2022, dịch COVID-19 được kiểm soát, HS đi học trực tiếp trở lại. Nhận thấy tóc các em nam quá dài nên ban giám hiệu thường nhắc nhở trong những giờ chào cờ đầu tuần. Tuy nhiên, dù thầy cô nhắc hoài nhưng không em nào chịu cắt.

“Từ thực tế trên, tôi đã giao cho GV chủ nhiệm tìm hiểu về hoàn cảnh của các em. Qua đó, tôi được biết nhiều em phải ở với ông bà do cha mẹ đi làm xa. Có em, cha mẹ đã ly hôn nên chỉ ở với cha hoặc mẹ. Chính vì thế, các em ít được quan tâm. Thương học trò, hơn nữa hồi còn là sinh viên tôi có học được cách cắt tóc từ bạn học nên quyết định mở “tiệm” cắt tóc” - thầy Bình tâm sự.

Tuy nhiên, thời gian đầu dù nhờ GV chủ nhiệm thông báo đến từng HS nhưng có rất ít các em đến cắt, một phần vì ngại, phần khác sợ tốn tiền. Chỉ đến khi thấy bạn được thầy cắt tóc vừa đẹp lại miễn phí, HS tìm đến ngày càng nhiều.

“Khi đó tôi thường cắt tóc vào cuối giờ chiều. Có ngày, gần 10 em đến nhờ cắt. Về sau, số lượng ít dần nên tôi chọn lựa một ngày cố định trong tháng để cắt cho các em. Sau khi hớt tóc, nhiều phụ huynh gọi điện thoại cho tôi cảm ơn. Tôi rất vui” - thầy Bình nói thêm.

Kêu gọi học bổng động viên học trò

Để phụ huynh không phải lo lắng khi con đến trường, thầy Bình còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ quần áo, sách vở và xe đạp cho các em. Đặc biệt, mỗi năm thầy còn kêu gọi hơn 100 suất học bổng để động viên học trò.

“Mỗi khi thấy HS có ý định nghỉ học, tôi đều nhờ GV tìm hiểu và đến nhà động viên. Nếu gia đình vướng ở đâu, trường sẽ tìm cách hỗ trợ ở đó. Vì thế, nhiều năm qua không có em nào bỏ học giữa chừng” - thầy Bình cười nói.

Thầy Bình chơi cùng học sinh trong giờ ra chơi.

Thầy Bình chơi cùng học sinh trong giờ ra chơi.

Thầy Bình tâm sự, 17 năm gắn bó nên xem xã đảo như là quê hương thứ hai của mình. Người dân nơi đây rất tình cảm, hiếu khách, HS chăm ngoan, lễ phép.

Về trường công tác được gần bốn năm, cô giáo Nguyễn Hoài Kim Ngân chia sẻ ấn tượng sự tận tâm của thầy hiệu trưởng đối với HS và GV . Thầy quan tâm đến từng hoàn cảnh của học sinh, GV để có giải pháp giúp đỡ.

“Tôi thấy hạnh phúc khi được dạy ở ngôi trường này. Ở đây, tôi được đồng nghiệp hỗ trợ, được ban giám hiệu quan tâm trong chuyên môn lẫn cuộc sống đời thường, được HS tin yêu. Đây giống như là ngôi nhà thứ hai của tôi” - cô Ngân nói thêm.

Mong có thêm chính sách hỗ trợ cho GV xã đảo

Tôi hy vọng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ cho GV, đặc biệt đội ngũ công tác tại xã đảo để mọi người chuyên tâm giảng dạy. GV về công tác tại đây phải chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt không có thời gian chăm lo cho gia đình, đi lại vất vả do phải qua đò. Tuy nhiên, so với những nơi khác, chế độ ở đây cũng không hơn đất liền bao nhiêu.

Tôi cũng mong rằng trình độ dân trí nơi xã đảo sẽ ngày càng phát triển, người dân quan tâm đến giáo dục, đầu tư việc học cho con nhiều hơn.

Thầy LÊ HỮU BÌNH, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An

Nguồn PLO: https://plo.vn/tiem-hot-toc-dac-biet-cua-thay-hieu-truong-o-thanh-an-post711235.html