'Tiệm hớt tóc Xuân Trinh còn ở chỗ nớ hay không?'
Theo hồi ức của những bậc cao niên người Hội An, trước năm 1975, trong khu phố cổ có nhiều tiệm hớt tóc, thậm chí nhiều người đạp xe hớt tóc dạo. Ngày nay cả khu phố cổ chỉ còn duy nhất một tiệm hớt tóc Xuân Trinh, đã tồn tại hơn 60 năm...
Hai năm gần đây, ông Thái Tế Thông, sinh năm 1932 (người Hội An thường gọi là ông Chảy) đã vào sống ở Sài Gòn cùng con cháu, chỉ về Hội An dịp lễ, Tết. Lần nào về ông cũng ghé tiệm Xuân Trinh để hớt tóc. Ông kể trước năm 1945, ông thường được cha dắt đi hớt tóc ở tiệm ông Ba Mùi trên đường Nguyễn Thái Học (nay là nhà số 30 Nguyễn Thái Học). Chủ tiệm là người Việt được một gia đình người Hoa đỡ đầu nhận làm con nuôi.
Những tiệm hớt tóc xưa ở phố Hội
Ông Chảy đi tản cư đến năm 1950 về lại Hội An, từ thời điểm này đến những năm 70 của thế kỷ trước, Hội An có nhiều tiệm hớt tóc: tiệm ông Thái Đôn Sơn (đối diện với nhà cổ Tấn Ký), tiệm Bửu Đa trên đường Lê Lợi, tiệm Minh Minh ở cổng sau chùa Phước Kiến, tiệm Tân Tân của ông Hai Dung trên đường Cường Để, tiệm ông Xanh đối diện với ngôi nhà ba tầng duy nhất trên đường Nguyễn Thái Học (nơi trước đây từng có lúc là trường Viên Minh) hay hớt tóc cho khách cao tuổi, ngôi nhà này nay là số 105 Nguyễn Thái Học.
Trước năm 1975, Hội An là trung tâm văn hóa giáo dục của Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi tập trung các tầng lớp trí thức, cũng là nơi có nghề nhiếp ảnh phát triển với nhiều tiệm ảnh danh tiếng. Phải chăng điều này đã khiến cho nghề hớt tóc thịnh hành ở khu vực phố cổ lúc đó chăng? Thông thường, khi dự định lưu dấu ấn cá nhân của mình trong mỗi bức hình, ai ai cũng sẽ sửa soạn đầu tóc cho gọn ghẽ, đẹp đẽ bởi “cái răng cái tóc là góc con người”. Hoặc cũng có thể, nói như ông Chảy: “Để làm nghề hớt tóc, người ta chỉ cần học việc, đi phụ việc một thời gian và khi ra nghề thì sắm tấm kiếng (kính) thường thường để khách soi, cái ghế, bàn đựng dụng cụ, cái tủ nhỏ nhỏ để trưng bày ít đồ dùng như khăn, kéo, bàn chải, tông đơ… Đầu tư ít mà dễ sinh lợi, buổi sáng mở tiệm ra là có tiền”…
Tiệm Xuân Trinh và sự bền bỉ giữ nghề
Một thời đông đúc như thế nhưng nay cả khu phố cổ chỉ còn duy nhất một tiệm hớt tóc Xuân Trinh ở số 91 Trần Phú. Tiệm tuy nhỏ nhưng đã tồn tại liên tục hơn 60 năm với ba người đàn ông là anh em ruột.
Ngày nào cũng vậy, khoảng tám, chín giờ sáng, ba người đàn ông là Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Hải đều có mặt ở tiệm hớt tóc mang tên người cha của họ, ông Vũ Xuân Trinh (1926 - 2004) để phục vụ khách hàng quen thuộc, hoặc đôi khi là khách vãng lai do tình cờ hoặc do nghe giới thiệu mà tìm đến.
Ông Vũ Thanh Sơn kể: “Trước đây ba tôi học nghề hớt tóc của ông Thái Đôn Sơn có tiệm ở đối diện nhà cổ Tấn Ký, ông làm nghề đến năm 1945 rồi đi bộ đội đến năm 1952, ông về mở tiệm hớt tóc ở dốc Mởn (Quế Sơn). Năm 1954 ông về lại Hội An mở tiệm hớt tóc trên đường Cường Để. Đến ngày 1.11.1963 ba tôi dời tiệm về vị trí hiện nay. Ông có 6 người con trai và 5 người con gái. Trong đó, 5 người con trai đều theo nghề hớt tóc: ba anh em đang làm nghề ở tiệm của cha để lại, em trai Vũ Xuân Trường mở tiệm hớt tóc tại nhà ở gần chợ Bà Hoa (TP.HCM), một em trai khác cũng làm nghề hớt tóc nhưng đã mất”.
Bên cạnh việc truyền dạy nghề cho 5 người con trai, ông Xuân Trinh còn dạy nghề cho nhiều học trò, sau này họ về mở tiệm tại những vùng quê của Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. Ở Hội An còn một tiệm hớt tóc của hai cha con ông Thành là học trò cũ của ông Xuân Trinh, tiệm ở ngay ngã ba đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo. Ông dạy nghề không lấy tiền nhưng dạy bằng tất cả tâm huyết và lòng yêu nghề, không hề giữ lại bí quyết nào, chỉ mong trò học giỏi, ra nghề. Những người chưa thể mở tiệm, ông giữ lại phụ việc, trả lương đàng hoàng. Khi họ ra nghề, mở tiệm và lấy vợ, ông đi dự đám cưới còn tặng cô dâu chú rể chỉ vàng.
Theo ký ức của bà Vũ Thị Mỹ Dung (một trong những người con gái của ông Xuân Trinh), trước năm 1975, tiệm hớt tóc Xuân Trinh đẹp như một phòng trưng bày nghệ thuật. Trong tiệm có một cái gương to, một tủ gương trong suốt để trưng bày dụng cụ làm nghề, một cái kệ gỗ đựng tạp chí, vài cuốn sách để khách ngồi chờ đọc. Xung quanh tiệm, ông Xuân Trinh treo ảnh các nghệ sĩ như Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng và ảnh chân dung nghệ thuật của chính ông với nhiều góc chụp khác nhau...
Lối bài trí như trên phần nào khiến cho người ta nghĩ về một người chủ tiệm vừa cẩn trọng, lịch lãm vừa có tâm hồn lãng mạn. Với dáng người cao, khuôn mặt thanh tú, ông Xuân Trinh mặc áo sơ mi ở trong rồi đến áo vest thắt cà vạt và ngoài cùng khoác áo choàng bờ - lu giống như áo bác sĩ, có hai túi để ông bỏ kéo, lược.
Mùa nóng cũng như mùa lạnh, từ nhà đến tiệm ông mặc y một kiểu trang phục đó nhưng mỗi ngày một bộ, phối màu rất tinh tế, đầu tóc chải láng với loại dầu bóng đặc biệt, đội mũ bê rê và xức dầu thơm. Người phố Hội hay nói đùa rằng “ông Xuân Trinh mới bước ra khỏi nhà (gần nhà thờ Tin Lành) thì ở Chùa Cầu đã nghe mùi dầu thơm của ổng” hay “con ruồi nó đậu trên đầu tóc ông Xuân Trinh là nó bị trượt ngã lăn, té gãy chân”!
Ông Thanh Sơn được cha dạy nghề hớt tóc từ khi 16, 17 tuổi. Những việc đầu tiên khi mới vào nghề là mài tông đơ, tập bóp tông đơ cho đều tay. Thi thoảng có khách là lính trong quân đội đến tiệm thì ông Sơn được cha cho cầm kéo, tông đơ để hớt miễn phí cho họ. Nói về khách hàng thời đó, ông Sơn kể cha ông hầu như hớt tóc cho tỉnh trưởng, cá
c trưởng ty. Với khách hàng là người trong quân đội, việc lấy tiền công được phân cấp bậc rất rõ: lính thì được miễn phí hoặc chỉ 200 đồng, sĩ quan là 500 đồng và cấp tá trở lên là 1.000 đồng. Tiệm Xuân Trinh không chỉ đông khách trước năm 1975 mà sau khi đất nước thống nhất, khách hàng các nơi từ 3 phường 7 xã hầu như đều đổ về tiệm. Ngày thường ông Xuân Trinh và thợ làm tới 12 giờ đêm; còn dịp Tết, tầm từ 25 tháng Chạp đến 30 Tết, thì làm thâu đêm tới sáng.
Ngày nay, nhiều khách hàng tuổi trung niên cũng là bạn bè của ba anh em ông Sơn. Điều thú vị, có khách chỉ chọn ông Sơn, có khách chỉ muốn ông Thủy, cũng có khách luôn chỉ chọn ông Hải hớt tóc. Trước khi đến tiệm, khách thường gọi điện để đặt trước. Khách của ai, người đó cắt.
Từ khi cấm xe máy vào phố cổ cùng vài lý do khác, lượng khách đến tiệm Xuân Trinh giảm nhiều nhưng vẫn có một số khách đặc biệt như ông Hiệu, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Quảng Nam vẫn đến hớt tóc dù ngay trước nhà ông cũng có tiệm. Lý do rất đơn giản, rằng “xưa rày quen kiểu hớt tóc của ông Sơn rồi”. Ba anh em mỗi người một tính nhưng đều vui, thường hay “kể đủ chuyện trên trời dưới đất”, hợp gu khách, nhất là những vị thích giao lưu văn hóa, nên sau một thời gian hớt tóc, khách và thợ trở thành bạn bè. Không chỉ hớt tóc tại tiệm, có những khách hàng lớn tuổi hoặc đau ốm không đi được, ba anh em lại đến tận nhà để hớt tóc cho họ.
Ký ức nói chung, nhất là những kỷ niệm gắn với sự êm ái, ngọt ngào thường được con người lưu giữ, trân trọng. Có lẽ vì vậy mà nhiều khách hàng của Xuân Trinh hiện sinh sống ở Sài Gòn hoặc nước ngoài nhưng hễ gặp ai đang sống ở Hội An đều hỏi: “Tiệm hớt tóc Xuân Trinh còn ở chỗ nớ hay không?”. Bà Vũ Thị Mỹ Dung kể có ông khách cũ là người nước ngoài từng được ông Xuân Trinh hớt tóc, nhiều năm sau khi trở lại Hội An không nhớ gì ngoài tên biển hiệu “Tiệm hớt tóc Xuân Trinh” và tìm đến quầy vé tham quan nhờ chỉ đường. Ông Xuân Trinh khi đó đã mất, thấy ba người con của ông ở tiệm, vị khách tặng mỗi người 100 đô la.
Trải qua hơn 60 năm tồn tại, gia đình ông Xuân Trinh đã thay tấm biển hiệu thứ tư nhưng dòng chữ “Tiệm hớt tóc Xuân Trinh” - mang tên người cha đã khai sinh ra tiệm và truyền nghề cho 5 người con trai vẫn không hề đổi. Điều đổi thay lớn nhất và dễ nhận ra nhất là không gian của tiệm giờ đây đang bị xâm lấn bởi các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Đôi câu đối, những tấm ảnh chân dung nghệ thuật, tiếng nhạc, kệ đựng sách báo dành cho khách ngồi chờ,... không còn nữa!
Đó là những đổi thay không lấy gì vui vẻ nhưng trong sự phát triển, đôi khi phải chấp nhận. Điều quan trọng, đến nay, dù không còn phải mưu sinh nhưng cả ba anh em Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Hải đều ngày ngày mở cửa tiệm để phục vụ khách như một nỗ lực giữ gìn nghề của cha...