Tiêm kích F-15E bảo vệ Tổng thống Biden va chạm với 'thùng xăng bay' KC-46A

Tiêm kích F-15E va chạm máy bay tiếp dầu KC-46 khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Biden ở bang California, buộc hai phi cơ hạ cánh khẩn cấp. Nguyên nhân đang được quân đội Mỹ điều tra làm rõ.

KC-46A hiện đang là dòng máy bay tiếp dầu hiện đại nhất của không quân Mỹ. Chúng có chuyến bay thử thành công lần đầu tiên vào tháng 9/2015.

Mới đây một tai nạn hy hữu đã xảy ra khi tiêm kích F-15E đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho Tổng thống Mỹ thì va chạm với máy bay tiếp dầu KC-46A.

Vụ va chạm giữa tiêm kích đa năng F-15E và máy bay tiếp dầu KC-46 xảy ra ngoài khơi bang California hồi giữa tuần, nhưng thông tin và hình ảnh các phi cơ bị hư hại chỉ được truyền thông Mỹ công bố hôm 23/8.

Ghi âm điện đàm cho thấy máy bay tiếp dầu KC-46 mang hô hiệu WIDE12, thuộc biên chế Không đoàn tiếp dầu số 931.

Phi cơ xuất phát từ căn cứ không quân Travis ở bang California, phụ trách tiếp dầu cho hai chiến đấu cơ F-15E mang hô hiệu NOBLE41 và NOBLE42 thuộc biên chế Phi đoàn Tiêm kích số 391.

Biên đội hai chiếc F-15E có nhiệm vụ lập vùng cấm bay dọc bờ biển California, bảo đảm an toàn cho chuyến nghỉ dưỡng của Tổng thống Joe Biden tại khu vực Santa Ynez.

Cả hai phi cơ đều mang tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9 Sidewinder, cùng cơ số đạn pháo 20 mm.

Chưa rõ tình huống dẫn đến cú va chạm giữa máy bay tiếp dầu KC-46A và chiến đấu cơ NOBLE42, nhưng cả hai máy bay đều bị hư hại.

Trong bản ghi âm, kíp lái NOBLE41 liên lạc với kiểm soát không lưu và thông báo rằng NOBLE42 đã gặp vấn đề với hệ thống thủy lực. Tổ bay máy bay tiếp dầu cũng phát tín hiệu khẩn nguy, cho biết máy bay trục trặc hệ thống thủy lực. Một trong số các kíp bay cũng nói rằng ống tiếp dầu ở đuôi máy bay KC-46A "đã bị rơi".

Máy bay KC-46 sau đó xin phép hạ cánh khẩn cấp ở căn cứ Travis, yêu cầu lực lượng mặt đất triển khai xe cứu hỏa và xe kéo.

Không đoàn 931 xác nhận máy bay đã mất một phần cụm thiết bị tiếp dầu và hạ cánh khi phần ống còn lại vẫn trong trạng thái triển khai. Không có ai bị thương trong sự việc.

Hình ảnh được đăng trên tài khoản Air Force Amn/Nco/Snco cho thấy thiệt hại của chiếc KC-46. Đuôi ống tiếp dầu đã bị cắt đứt và phần còn lại bị mài dọc đường băng, trong khi đuôi máy bay cũng có dấu hiệu va đập.

Hình ảnh được đăng trên tài khoản Air Force Amn/Nco/Snco cho thấy thiệt hại của chiếc KC-46. Đuôi ống tiếp dầu đã bị cắt đứt và phần còn lại bị mài dọc đường băng, trong khi đuôi máy bay cũng có dấu hiệu va đập.

Chiếc F-15E va chạm phải hạ cánh khẩn cấp. Không quân Mỹ đang mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân và đánh giá toàn bộ thiệt hại sau sự cố.

Chiếc F-15E va chạm phải hạ cánh khẩn cấp. Không quân Mỹ đang mở cuộc điều tra để xác định nguyên nhân và đánh giá toàn bộ thiệt hại sau sự cố.

KC-46A có thể chở theo 96 tấn nhiên liệu và có thể tiếp liệu cho tất các các loại máy bay của Mỹ.

Với dung lượng truyền nhiên liệu lên tới 4.542 lít/phút, đây là loại máy bay tiếp dầu có tốc độ tiếp nhiên liệu cao nhất thế giới hiện nay.

KC-46A cũng là một trong số ít máy bay tiếp liệu có thể tiếp dầu cho 3 chiến đấu cơ cùng lúc.

KC-46A trang bị hệ thống điều khiển tiếp nhiên liệu bằng cần điều khiển và theo dõi trên màn hình 24 inch giúp cho việc tiếp nhiên liệu diễn ra chính xác và dễ dàng.

Thông thường luôn phải có phi đội tiêm kích hộ tống và bảo vệ máy bay tiếp dầu trên không do chúng khá to lớn và không hề có vũ khí phòng vệ, rất dễ làm mồi ngon cho chiến đấu cơ đối phương.

Tuy nhiên Mỹ đang phát triển và trang bị hệ thống đánh chặn cho các máy bay tiếp dầu trên không (LAIRCM), cho máy bay tiếp dầu KC-46A.

Ngoài việc chống lại tiêm kích đối phương, hệ thống cảnh báo đánh chặn mới được phát triển cho máy bay tiếp dầu còn có thể đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía mặt đất.

Hệ thống LAIRCM được phát triển từ hệ thống tương tự của Hải quân Mỹ, được bổ sung gói nâng cấp Cảnh báo mối đe dọa tiên tiến.

Một tổ hợp LAIRCM gồm nhiều cảm biến phát hiện tên lửa tầm nhiệt và thiết bị phát laser bảo vệ (GLTA).

Khi nhận thấy mối đe dọa, cảm biến sẽ gửi thông tin tới máy tính điều khiển, giúp cảnh báo tổ lái và tự động kích hoạt GLTA, chĩa nó về phía mục tiêu để gây nhiễu.

Một khi hệ thống này đi vào hoàn thiện, KC-46A sẽ là loại máy bay tiếp dầu duy nhất trên thế giới có thể tự phòng vệ trước các chiến đấu cơ của đối phương.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tiem-kich-f-15e-bao-ve-tong-thong-biden-va-cham-voi-thung-xang-bay-kc-46a-post587119.antd