Thủ tướng Anh thăm Mỹ: Củng cố 'mối quan hệ đặc biệt'

Thủ tướng Anh Keir Starmer có chuyến đi chớp nhoáng tới Washington D.C., Mỹ vào ngày 13.9 để gặp Tổng thống Joe Biden và thảo luận nhiều vấn đề. Trong đó các ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự sẽ xoay quanh sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine, nỗ lực bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza, giảm căng thẳng ở Trung Đông, hay thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở…

Simon Dawson / No 10 Downing Street

Simon Dawson / No 10 Downing Street

 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc gặp tại Washington D.C. hồi tháng 7.2024

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc gặp tại Washington D.C. hồi tháng 7.2024

Hai tháng, hai cuộc gặp

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh khẳng định: “Mục đích của cuộc gặp là dành thời gian thảo luận sâu hơn, chi tiết hơn, vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường của các cuộc họp song phương và các cuộc điện thoại thường xuyên giữa hai nhà lãnh đạo”. Đây cũng là cơ hội để xứ sở sương mù và đất nước cờ hoa bàn bạc chiến lược sâu sắc hơn trước các hội nghị thượng đỉnh mà hai bên sẽ tham gia, như cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm G20 sắp tới.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Starmer diễn ra hai tuần sau khi Anh đình chỉ một số hoạt động bán vũ khí cho Israel, với lý do có “rủi ro rõ ràng” là thiết bị có thể được sử dụng để vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính của Israel, phản ứng với quyết định này bằng cách nói rằng Anh có quy trình riêng để đánh giá.

Đây cũng là lần thứ 2 người đứng đầu Chính phủ Anh đương nhiệm tới Mỹ kể từ khi đắc cử Thủ tướng vào tháng 7 vừa qua. Chuyến thăm đầu tiên của ông Stamer diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tại Washington D.C.

Những nội dung trọng tâm

Trong mọi trường hợp, mối quan hệ Mỹ - Anh được xây dựng dựa trên các giá trị chung, nền tảng chính trị, văn hóa tương đồng và ngôn ngữ chung. Nhưng, theo một số nhà phân tích, đó cũng là mối quan hệ thay đổi tùy thuộc vào quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng, hơn là của ngôi nhà số 10, phố Downing.

Chuyến thăm của Thủ tướng Anh hiện nay diễn ra vào thời điểm khó khăn, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, đã quyết định rút lui khỏi cuộc đua tranh cử năm nay và trao lại vai trò ứng cử viên của đảng Dân chủ cho bà Kamala Harris, Phó Tổng thống của ông.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo ngoài việc thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, chắc chắn họ còn đề cập đến các biện pháp làm cho mối quan hệ Mỹ - Anh trở nên đặc biệt hơn nữa. Trước nay, Công đảng có truyền thống gần gũi hơn về các nguyên tắc cốt lõi với đảng Dân chủ của Tổng thống Biden so với đảng Bảo thủ. Nhưng đối với Thủ tướng Starmer, việc liên kết hoàn toàn với chương trình nghị sự của đảng Dân chủ có thể mang lại rủi ro chỉ 2 tháng trước cuộc bầu cử Mỹ, trong đó người kế nhiệm chính trị của ông Biden là bà Harris, đang chạy đua sát nút với ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump.

Trong nhiều năm qua, mỗi chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ tới Vương quốc Anh đều được đón tiếp hết sức rầm rộ và nồng hậu. Xứ sở sương mù luôn nỗ lực đẩy mạnh truyền thông về những sự kiện như thế này để cho thấy mối quan hệ đặc biệt của mình với Mỹ, đặc biệt là đối với các nước láng giềng châu Âu và các đối tác khác, tất nhiên là trong thời kỳ trước Brexit.

Nhìn vào lịch sử, sau năm 1946, khi Thủ tướng Anh Winston Churchill lần đầu tiên đưa cụm từ “mối quan hệ đặc biệt” vào sử dụng trong ngoại giao, London đã thành công trong việc nuôi dưỡng nó bất chấp mọi khó khăn và thăng trầm. Những năm 1980 cũng là thời kỳ đặc biệt tốt đẹp trong quan hệ song phương, khi Thủ tướng Anh lúc ấy là bà Margaret Thatcher đã gọi Tổng thống Ronald Reagan là “người đàn ông quan trọng thứ hai trong cuộc đời tôi” sau chồng bà. Mối quan hệ đặc biệt này hẳn đã tác động đến những gì xảy ra sau đó, chẳng hạn như sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Đến những năm 1990, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là ông Tony Blair có mối quan hệ thân thiết với các Tổng thống Mỹ thuộc cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa là ông Bill Clinton và George W. Bush.

Tuy nhiên, thời hậu Brexit, mối quan hệ đặc biệt đó có phần nguội lạnh. Theo các nhà quan sát, kể từ khi rời khỏi EU, Vương quốc Anh, ít nhất là trong mắt người Mỹ, đã mất đi rất nhiều sức nặng mà họ từng có thể cung cấp cho đối tác xuyên Đại Tây Dương của mình, về mặt ảnh hưởng và vị thế thông qua việc trở thành cầu nối giữa Mỹ và châu Âu. Vị thế và sức hấp dẫn của Vương quốc Anh bị ảnh hưởng, không còn là nhân tố chủ chốt cân bằng và thường xuyên làm trung gian cho mối quan hệ tam giác về chính trị, lãnh đạo, quyền lực giữa Vương quốc Anh, Mỹ và EU.

Thực ra, trong những vấn đề của nhà nước, các mối quan hệ, bất kể đặc biệt hay khác biệt, hiếm khi được đánh giá dựa trên tình cảm. Thay vào đó, chúng dựa trên khả năng thúc đẩy thương mại và đầu tư, cũng như duy trì tầm nhìn chung về thế giới. Trong trường hợp quan hệ Mỹ - Anh ngày nay, điều này đang bị thử thách bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chính trị cực hữu, cuộc chiến tại Ukraine, sự xuất hiện của một Trung Quốc táo bạo hơn và những nỗ lực thiết kế lại thế giới theo hướng đa cực và đa trung tâm.

Đối với Thủ tướng Anh Starmer, việc gắn hoàn toàn với chương trình nghị sự của đảng Dân chủ có thể mang lại rủi ro. Theo các nhà phân tích, bất kể ông Biden và Starmer đồng ý điều gì trong tuần này, tất cả đều có thể kết thúc đột ngột trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, cuộc đối thoại như vậy cũng có thể khiến các đối tác EU của Anh không vui lắm, vì ông Starmer đã bày tỏ ý định khôi phục lại mối quan hệ London-Brussels bị tổn hại do Brexit.

Trong lịch sử, các tổng thống Mỹ thường có xu hướng áp dụng cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” từ rất lâu trước khi ông Trump cổ xúy cho cách tiếp cận này. Vì an ninh của chính mình, Mỹ đã can thiệp vào hai cuộc chiến tranh thế giới và sau đó, Washington dẫn đầu cùng với Anh trong việc thành lập trật tự quốc tế mới. Lịch sử này thường được các quan chức Anh lặp lại trong nỗ lực thuyết phục nhóm của ông Trump về vấn đề Ukraine, nhưng thành công không đáng kể.

Mặc dù Thủ tướng Anh Starmer sẽ ít có cơ hội hội gặp bà Harris và ông Trump trong chuyến thăm chớp nhoáng trong tuần này vì cả hai đều đang bận rộn vận động tranh cử, nhưng các nhà phân tích hy vọng rằng ông Starmer sẽ duy trì mối quan hệ đặc biệt này trong thời gian ở Phố Downing, bất chấp mọi nghịch cảnh trong nước và quốc tế. Sau khi rời EU, Vương quốc Anh chắc chắn cần có bạn bè, ngay cả khi họ ở xa, hoặc thậm chí họ phản đối việc ký bất kỳ thỏa thuận thương mại nào sau Brexit. Mỹ - Anh có lịch sử chung và số phận gắn bó với nhau trong nhiều thập kỷ, nhất là khi cả hai nỗ lực tìm cách lãnh đạo một thế giới luôn thay đổi.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-tuong-anh-tham-my-cung-co-moi-quan-he-dac-biet-post390136.html