Tiêm kích F-16 trên đường đến Ukraine, hi vọng và thách thức đan xen
Những chiếc máy bay F-16 có khả năng hóa giải mối đe dọa từ bom lượn của Nga, nhưng cũng mang đến cho quân đội Ukraine những thách thức không nhỏ.
Tiêm kích F-16 giúp hóa giải mối đe dọa bom lượn từ Nga
Mối đe dọa lớn nhất của Ukraine là bom lượn của Nga. Đây là loại bom giá rẻ được trang bị bộ phận cánh có thể bật ra ngay sau khi rời máy bay ném bom, đồng thời sở hữu mô-đun dẫn đường giúp tăng khả năng tấn công chính xác mục tiêu từ xa, tương tự như cách thức hoạt động của bom thông minh JDAM của Mỹ.
Nga đang sản xuất hàng loạt loại bom này và sử dụng chúng rộng rãi trên tiền tuyến. Chỉ riêng trong tháng 3, đã có khoảng 3.000 quả bom được thả xuống chiến trường Ukraine, chủ yếu được triển khai máy bay tiêm kích-ném bom Su-34.
Nếu Ukraine có thể bảo vệ các máy bay F-16 trên mặt đất, những chiếc máy bay này có thể giúp quân đội Kiev chống lại mối đe dọa từ bom lượn của Nga. Máy bay F-16 sẽ được trang bị tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, có khả năng chuyển sang chế độ tự dẫn đường đến mục tiêu sau khi phóng, bao gồm các mục tiêu trên không trung.
Hiện nay, máy bay ném bom thời Liên Xô của Ukraine đòi hỏi người lái phải liên tục khóa mục tiêu thủ công trong suốt thời gian ngắm và phóng. Điều đó khiến không quân Ukraine gặp nhiều rủi ro vì chúng phải tiến sát mục tiêu hơn để tăng độ chính xác khi ngắm bắn.
Các nước NATO cam kết cung cấp cho Ukraine khoảng 65 chiếc máy bay F-16. Hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, lô máy bay F-16 đầu tiên đang được chuyển từ Đan Mạch và Hà Lan đến Ukraine. F-16 dự kiến sẽ xuất hiện trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này, sát cánh bên cạnh các tiêm kích MiG-29 và Su-27 đời cũ có từ thời Liên Xô.
Theo các nhà quan sát, những chiếc F-16 trong quân đội Kiev sẽ phục vụ những mục tiêu chính: Tiêu diệt hệ thống phòng không và các lực lượng trên mặt đất của đối phương, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ nhằm chống lại hỏa lực Nga.
Hiện tại, nhiệm vụ phòng thủ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Ukraine.
Ukraine gặp khó khi bảo vệ tiêm kích F-16 trên mặt đất
Theo Giáo sư Justin Bronk, nghiên cứu viên cao cấp về sức mạnh và công nghệ không quân tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, dù có nhận được F-16, Ukraine vẫn phải “căng mình” bảo vệ những khí tài này khỏi khỏi hỏa lực Nga trong khi chúng vẫn nằm trong các căn cứ quân sự. Đến nay, lực lượng không quân Ukraine phần lớn dựa vào "chiến thuật phân tán" để đảm bảo máy bay chiến đấu của mình không bị tấn công trên mặt đất.
Ông Bronk giải thích rằng máy bay và các khí tài quân sự khác thường xuyên được di chuyển bên trong hoặc giữa các căn cứ; vì vậy "nếu thực sự tiến hành một cuộc không kích, Nga sẽ chỉ tấn công vào con đường trung chuyển vũ khí như đường băng hoặc các địa điểm tập kết chúng".
Để tránh động cơ bị hỏng hóc, tiêm kích F-16 cần phải có đường băng hoàn toàn bằng phẳng, được quét sạch đá và các mảnh vụn nhỏ khác để di chuyển. Những địa điểm trống trải như vậy thường dễ có khả năng bị tấn công.
Chỉ riêng trong tháng 7, có ít nhất ba sân bay đã bị tấn công: Myrhorod và Kryvyi Rih ở miền trung Ukraine và một sân bay ở phía nam khu vực Odesa. Moscow tuyên bố đã phá hủy 5 máy bay chiến đấu Su-27 và một máy bay MiG-29 của Ukraine, cùng với một radar và các bệ phóng phòng không Patriot có giá trị.
Giáo sư Bronk tin rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng tại các căn cứ quân sự hiện có đều sẽ bị "các thiết bị giám sát của Nga phát hiện". Cho đến gần đây, Nga vẫn dựa vào hệ thống vệ tinh và thiết bị bay để do thám các căn cứ không quân của Ukraine. Chỉ huy đơn vị máy bay không người lái Oleksandr Karpyuk cho biết các UAV Nga đều được lập trình sẵn để “tàng hình” trên không.
Vấn đề lớn nhất hiện nay
Theo Giáo sư Bronk, dù có những lợi thế nhất định so với các loại tên lửa đời cũ, tiêm kích F-16 cũng chưa phải là một loại “vũ khí toàn năng”.
“Nếu bay cao, tiêm kích F-16 sẽ dễ bị hệ thống phòng không của Nga tấn công. Nếu bay thấp, chúng sẽ phải bay sâu hơn vào lãnh thổ Nga để tên lửa có đủ tầm bắn, và điều đó thậm chí còn mang lại rủi ro lớn hơn”, ông Bronk nói.
Chuyên gia Anatoliy Khrapchynsky nhận định rằng các tiêm kích F-16 sẽ chỉ giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine nhờ khả năng đánh chặn tên lửa hành trình. Trong khi đó, các hệ thống Patriot có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Ukraine đang thiếu một số lượng lớn tên lửa và các hệ thống phòng không Patriot. Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine cần ít nhất 25 hệ thống Patriot để bảo vệ bầu trời nhưng hiện tại, kho vũ khí của họ chỉ sở hữu rất ít loại vũ khí này. Hồi tháng 5, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết Kiev chỉ có 25% khả năng phòng không cần thiết để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.
Theo ông Khrapchynsky, máy bay F-16 không thể hoàn toàn thay đổi cục diện cuộc chiến, nhưng chúng sẽ có tác động đáng kể trong việc tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Câu hỏi lớn nhất được đặt ra là bao giờ Ukraine sẽ sở hữu đủ số máy bay họ yêu cầu, trong bối cảnh viện trợ vẫn “nhỏ giọt”.